[HỎI - ĐÁP] Văn phòng Luật sư có được nhận đại diện theo ủy quyền không?

23/05/2022 - 2995 lượt xem

Văn phòng Luật sư có được nhận đại diện theo ủy quyền không?

Tình huống: Tôi có cùng chồng vay của Ngân hàng một khoản tiền và thế chấp tài sản là nhà đất tại quận 9, Tp.HCM. Đến nay khoản vay vẫn chưa tất toán, tuy nhiên tôi không thường xuyên làm việc với cán bộ tín dụng phụ trách hồ sơ vay và cũng không nhận được thông tin gì từ phía ngân hàng, cho nên tôi không rõ về số nợ gốc cũng như khoản tiền lãi mỗi tháng. Để có những thông tin, tài liệu cần thiết về khoản nợ này tôi cần sự hỗ trợ từ phía ngân hàng. Vậy xin hỏi tôi có thể ủy quyền cho văn phòng luật sư đại diện tôi để làm việc với ngân hàng không?

- Căn cứ pháp lý:

1. Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH ngày 31/12/2015 quy định về luật sư và hành nghề luật sư;

2. Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội

- Nội dung:

Theo Bộ luật dân sự 2015 đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc uỷ quyền cho luật sư đại diện theo ủy quyền giúp cho cá nhân nhận được tư vấn hữu ích, đưa những giải pháp pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Như vậy có thể ủy quyền cho văn phòng luật sư hay phải ủy quyền cho cá nhân luật sư. Vấn đề trên có thể giải đáp thông qua hai câu hỏi sau

2. Văn phòng luật sư có tư cách pháp nhân không?

Căn cứ khoản 1 điều 33 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định về luật sư và hành nghề luật sư quy định: Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Trưởng văn phòng là người đại diện theo pháp luật của văn phòng.

Như vậy Văn phòng luật sư do một luật sư  thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Bản chất của doanh nghiệp tư nhân theo Luật doanh nghiệp 2020 là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Theo Khoản 1 điều 74 Bộ luật dân sự 2015 quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

- Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Như vậy, văn phòng luật sư không có tài sản độc lập với cá nhân của luật sư Trưởng văn phòng nên văn phòng luật sư không có tư cách pháp nhân.

Khoản 1 điều 134 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền như sau: Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Theo đó một cá nhân có thể ủy quyền cho cá nhân hoặc pháp nhân đại diện cho mình. Tuy nhiên do Văn phòng luật sư không có tư cách pháp nhân nên không thể nhận ủy quyền từ cá nhân, pháp nhân khác.

 

Cùng chuyên mục