Hỏi:
Tôi có ký Hợp đồng thế chấp đất 10.000 m2 đất cho Ngân hàng BIDV từ năm 2018, cùng thời gian này để có thêm thu nhập tôi đã làm đơn và được sự đồng ý của Ngân hàng để tiếp tục ký hợp đồng cho thuê đất với bên thuê để đầu tư trồng bưởi trên mảnh đất này. Cuối tháng 3/2022, tôi khó khăn nên bị quá hạn và BIDV xử lý tài sản thế chấp của tôi. Vậy, khi Ngân hàng xử lý tài sản thế chấp thì bên thuê có quyền thu hoạch số bưởi đã đầu tư trên mảnh đất này để tiêu thụ không?
(Lê Thị Hải – hailetraicaysach1121267@gmail.com)
Đáp:
Điều 56 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về xử lý tài sản thế chấp được đầu tư như sau:
“1. Trường hợp đầu tư vào tài sản thế chấp quy định tại Điều 20 Nghị định này làm phát sinh tài sản mới hoặc tài sản tăng thêm do đầu tư (sau đây gọi là tài sản mới phát sinh) không thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp thì giải quyết như sau:
a) Tài sản mới phát sinh có thể tách rời khỏi tài sản thế chấp mà không làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp so với giá trị của tài sản đó trước khi được đầu tư thì việc xử lý tài sản không bao gồm tài sản mới phát sinh, phần tài sản này được bên nhận thế chấp giao lại cho bên đầu tư;
b) Tài sản mới phát sinh không thể tách rời như quy định tại điểm a khoản này thì tài sản được xử lý bao gồm cả phần tài sản mới phát sinh, bên đầu tư được bên nhận thế chấp thanh toán giá trị phần tài sản này.
2. Trường hợp tài sản mới phát sinh vừa tiếp tục được dùng để thế chấp vừa được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì áp dụng quy định về một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ.
3. Trường hợp tài sản mới phát sinh không tiếp tục dùng để thế chấp nhưng được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì giải quyết như sau:
a) Tài sản mới phát sinh có thể tách rời khỏi tài sản thế chấp mà không làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp so với giá trị của tài sản đó trước khi được đầu tư thì bên nhận bảo đảm mới có quyền tách phần tài sản mà mình nhận bảo đảm;
b) Tài sản mới phát sinh không thể tách rời như quy định tại điểm a khoản này thì tài sản được xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Giá trị tài sản mới phát sinh được bên nhận thế chấp thanh toán cho bên nhận bảo đảm khác.
4. Bên nhận thế chấp được thanh toán khoản tiền bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định này từ số tiền thu được trong xử lý tài sản thế chấp.
5. Việc xử lý tài sản bảo đảm được đầu tư thuộc biện pháp bảo đảm khác mà các bên không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan không quy định khác thì áp dụng các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.”
Như vậy, do số trái cây này là tài sản mới phát sinh, có thể tách rời khỏi đất và không làm mất hoặc giảm sút giá trị đất nên việc xử lý tài sản thế chấp không bao gồm số hoa màu này, số hoa màu này sẽ được bên thuê tự xử lý hoặc Ngân hàng giao lại cho bên thuê theo quy định. Quá trình giải quyết vụ việc cũng sẽ phát sinh nhiều tình huống pháp lý phức tạp chứ không hề đơn giản vì nó liên quan đến hiện trạng tài sản, tính hao hụt của số hoa màu này và cả thời gian xử lý của các bên nên bạn cần cân nhắc đơn vị tư vấn pháp luật cho mình.
Trường hợp cần tư vấn pháp luật đối với vụ việc cụ thể, xin liên hệ HT Legal VN:
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 0961614040 – 0945174040