LÀM GÌ KHI MỘT NGƯỜI MẤT NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

26/06/2023 - 1004 lượt xem

Làm gì khi cần giấy ủy quyền từ người mất năng lực hành vi dân sự nhưng văn phòng công chứng không thể công chứng/chứng thực giấy uỷ quyền này?

[Câu hỏi]: Mẹ tôi bị tai biến, sống thực vật, không còn nhận thức. Tuy nhiên, bên Bảo hiểm xã hội yêu cầu có giấy uỷ quyền để giải quyết chế độ. Nhưng văn phòng công chứng không thể công chứng/chứng thực giấy uỷ quyền. Tôi phải làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

[Trả lời]: Đối với câu hỏi trên Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin giải đáp như sau:

1. Bảo hiểm xã hội yêu cầu giấy ủy quyền để giải quyết chế độ là đúng quy định pháp luật

Quý khách hàng không nêu rõ thủ tục bảo hiểm xã hội cần làm tại đây là thủ tục nào. Tuy nhiên, theo nguyên tắc của pháp luật dân sự và pháp luật bảo hiểm xã hội, cụ thể:

- Khoản 1 điều 318 Bộ luật Dân sự 2015: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”

- Cơ quan bảo hiểm xã hội đang thực hiện giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với thủ tục ủy quyền thông qua Giấy ủy quyền (mẫu số 13-HSB) ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Vì bảo hiểm xã hội đứng tên người mẹ nên bất kỳ cá nhân khác ngoài người mẹ khi thực hiện thủ tục bảo hiểm xã hội phải cần giấy ủy quyền từ người mẹ để xác thực người mẹ đồng ý, cho phép cá nhân này làm đơn, nộp, nhận hồ sơ, nhận tiền.  

Theo mẫu Giấy ủy quyền (mẫu số 13-HSB) tại Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giấy ủy quyền cần được chứng thực chữ ký của người mẹ và người được nhận ủy quyền tại văn phòng công chứng.

2. Văn phòng công chứng không thể chứng thực giấy uỷ quyền

Theo khoản 1 điều 10 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (Sau đây gọi tắt là “Nghị định 23/2015/NĐ-CP”), văn phòng công chứng có thể chứng thực chữ ký ngoài trụ sở văn phòng (tại bệnh viện, nhà riêng) trong trường hợp người cần chứng thực: “thuộc diện già yếu, không thể đi lại được, đang bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác.”

Tuy nhiên, khoản 1 điều 25 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về các trường hợp không được chứng thực chữ ký: “1. Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.”

Theo thông tin khách hàng cung cấp người mẹ bị tai biến, không còn ý thức nên được xem là thuộc trường hợp không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Do đó, công chứng viên có quyền từ chối không chứng thực giấy ủy quyền.

3. Hướng giải quyết vấn đề

a. Nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự

Khoản 1 điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người mất năng lực hành vi dân sự: “1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.”

Dựa trên tình trạng tinh thần của người mẹ: sống thực vật, không còn ý thức, công ty luật thấy rằng người mẹ có thể được xem là người mất năng lực hành vi dân sự. Để xác nhận tình trạng này, phải có yêu cầu Tòa án giải quyết và ban hành quyết định tuyên bố người mẹ mất năng lực hành vi dân sự.

Cũng theo khoản 1 điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.” Cho nên, trong trường hợp người mẹ có thể quay trở lại bình thường, người mẹ hoàn toàn có thể khôi phục lại năng lực hành vi dân sự để tham gia vào các giao dịch dân sự theo quyết định của Tòa án.

Khách hàng thực hiện việc nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự như sau:

- Hồ sơ: Đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự theo khoản 2 điều 362 Bộ luật Dân sự 2015 và hồ sơ kèm theo (ví dụ: bản sao căn cước công dân/ chứng minh nhân dân/ hộ chiếu của người làm đơn và người mẹ, sổ hộ khẩu/ giấy xác nhận tạm trú, hồ sơ bệnh án)

- Nơi nộp: Tòa án nhân dân cấp huyện/thị xã/ thành phố/ quận (đối với thành phố trực thuộc trung ương) nơi người mẹ cư trú (là địa chỉ thường trú theo thông tin sổ hộ khẩu/ căn cước công dân, là địa chỉ tạm trú theo giấy xác nhận tạm trú của cơ quan công an), làm việc (theo hợp đồng lao động) theo khoản 1 điều 27, điểm a khoản 2 điều 35, điểm a khoản 2 điều 39 Bộ luật Tố tụng 2015, được sửa đổi năm 2019, 2020, 2022.

Trong quá trình giải quyết của Tòa án, người mẹ sẽ được giám định pháp y tâm thần ngay tại chỗ (bệnh viện, nhà riêng) theo chương III mục B Quy trình giám định pháp y tâm thần 30 bệnh/rối loạn tâm thần thường gặp kèm theo Quyết định số 2999/QĐ-BYT ngày 03/11/2022 của Bộ Y tế.

b. Quyền lợi và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật

Khoản 2 điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”

Theo khoản 2 điều 136 Bộ luật Dân sự 2015, người đại diện theo pháp luật của cá nhân là “Người giám hộ đối với người được giám hộ”. Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự, theo thứ tự sẽ là: (i) Vợ/ chồng; (ii) Cha/mẹ, (iii) Con cả/ một trong những người con tiếp theo ngoài con cả. Tuy nhiên, người giám hộ đương nhiên còn phải đáp ứng điều kiện theo điều 49 Bộ luật Dân sự 2015:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

- Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

- Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

Trong trường hợp của người mẹ, người đại diện theo pháp luật của bà có thể là chồng, cha/ mẹ hoặc một trong những đứa con.

Theo khoản 3 điều 46 Bộ luật Dân sự 2015: “Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.” Do đó, để hoàn tất về tư cách người đại diện theo pháp luật, sau khi được Tòa án ban hành quyết định, người đại diện theo pháp luật tiến hành đăng ký giám hộ đương nhiên theo điều 21 Luật Hộ tịch 2014.

Người giám hộ có những quyền và nghĩa vụ như sau:

- Quyền theo khoản 1 Điều 58 Bộ luật Dân sự 2015:

+ Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;

+ Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;

+ Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

- Nghĩa vụ theo khoản 1 điều 57 Bộ luật Dân sự 2015:

+ Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ;

+ Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự;

+ Quản lý tài sản của người được giám hộ;

+ Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

c. Thực hiện thủ tục liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội

Theo điểm c khoản 1 điều 58 Bộ luật Dân sự 2015, người giám hộ được quyền: “Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.” Do đó, chế độ bảo hiểm xã hội là quyền lợi của người mẹ thì người giám hộ được xác lập, thực hiện để bảo vệ quyền và lợi ích của người mẹ.

Khi thực hiện thủ tục liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội, có thể cần phải kèm theo: (i) Quyết định Tòa án tuyên bố người mẹ mất năng lực hành vi dân sự; (ii) Văn bản xác nhận đăng ký người giám hộ; (iii) Hồ sơ bệnh án và (iv) Văn bản giải trình về việc người đại diện theo pháp luật đại diện thực hiện thủ tục bảo hiểm xã hội cho người mẹ.

Không chỉ trong thủ tục liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội, Quyết định Tòa án tuyên bố người mẹ mất năng lực hành vi dân sự sẽ hỗ trợ gia đình đại diện người mẹ thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong các giao dịch dân sự khác nhằm chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh của người mẹ.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN tự hào là Công ty Luật chuyên nghiệp có thể đáp ứng và thực hiện đầy đủ các dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của khách hàng, từ tư vấn, chuẩn bị hồ sơ hành chính, đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng trong các vụ tranh chấp. Nếu có nhu cầu tư vấn, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com     Hotline: 09 6161 4040 – 09 0161 4040

Như Quỳnh
Theo HT LEGAL VN

Cùng chuyên mục