LÀM THẾ NÀO KHI BỊ LỪA ĐẢO VAY TIỀN QUA APP (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

29/08/2022 - 9460 lượt xem

Căn cứ pháp lý:     

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Sau đây Công ty Luật HT Legal Vn xin chia sẻ những việc cần làm khi bị lừa đảo vay tiền qua app như sau:

1. Lừa đảo cho vay tiền qua app để chiếm đoạt tiền

     - Vay tiền qua app được hiểu là hình thức vay tiền thông qua một app (ứng dụng) do bên cho vay tiền sáng lập ra, để có thể vay tiền được thì bên vay phải tải app này về trên điện thoại cá nhân của mình và dùng các giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân/ căn cước công dân, sổ hộ khẩu để tạo tài khoản truy cập trên đó. Với hình thức vay này có ưu điểm là người dân không cần tài sản thế chấp mà vẫn có thể vay được một khoản tiền từ chục triệu đến trăm triệu, thủ tục tương đối đơn giản và thời gian giải ngân nhanh, không cần nhiều loại giấy tờ rườm rà. Tuy nhiên nhược điểm của nó là lãi suất vay rất cao và bên cạnh những app vay tiền uy tín vẫn còn nhiều trường hợp lợi dụng lòng tin, tình huống cấp bách cũng như sự thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi lừa đào chiếm đoạt tài sản.

    - Các đối tượng lợi dụng hình thức cho vay tiền app để thực hiện các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản như: Yêu cầu thanh toán phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay; Dụ dỗ vay tiền trên nhiều app, từ đó tạo ra nhiều khoản vay; Đăng ký vay nhưng không nhận được tiền mà vẫn mắc nợ;… 

2. Phải làm gì khi bị lừa vay tiền qua app

(i) Đầu tiên, cần thu thập bằng chứng

Để có căn cứ phục vụ cho công tác điều tra, xác minh tin báo tố giác tội phạm, bạn cần tập hợp các chứng cứ, chứng minh cho cơ quan chức năng để được bảo vệ hoặc đòi lại tài sản. Đặc biệt khi bạn bị lừa đảo qua mạng thì càng cần đầy đủ thông tin giao dịch, càng chi tiết, cụ thể thì sẽ càng dễ dàng cho cơ quan chức năng giải quyết tin tố giác của bạn.

Các tài liệu chứng cứ có thể bao gồm: vật chứng, lời khai, đoạn hội thoại tin nhắn của hai bên trong quá trình giao dịch, bản ghi âm các cuộc gọi, bản sao kê ngân hàng liên quan đến việc chuyển tiền, và thông tin của đối tượng lừa đảo như tài khoản mạng xã hội, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản …

(ii) Tiếp theo, trình báo đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

Sau khi có đầy đủ thông tin, chứng cứ chứng minh về việc lừa đảo, người bị hại có thể tố giác hành vi lừa đảo này tới cơ quan có thẩm quyền nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) để được giải quyết.

Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

- Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

- Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Để trình báo, yêu cầu tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố được giải quyết trực tiếp, bạn hãy tiến hành thông báo tin cho cơ quan điều tra công an cấp huyện hoặc tại Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tại nơi cư trú của bạn hoặc của người lừa đảo.

(iii) Bên cạnh đó, trình báo đến ngân hàng nhận tiền

Sau khi có đầy đủ thông tin, chứng cứ chứng minh về việc lừa đảo, người bị hại có thể gửi đơn kêu cứu, kiến nghị về hành vi lừa đảo tới ngân hàng nhận tiền để được giải quyết.

Theo Điều 33, Thông tư số 37/2016/TT-NHNN, ngân hàng có trách nhiệm hủy và hoàn trả lệnh thanh toán theo yêu cầu của khách hàng.

(iv) Ngoài việc trình báo trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền, người bị hại còn có thể thông tin, trình báo lừa đảo qua đường dây nóng của cơ quan Công an:

- Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053 – Cục Cảnh sát hình sự;

- Đường dây nóng: 0692348560 của cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an.

(v) Nếu làm đơn tố giác gửi đến cơ quan Công an, người tố giác cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Đơn trình báo công an;

- Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân của bị hại (bản sao công chứng);

- Chứng cứ kèm theo để chứng minh (video, hình ảnh, ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội…).

Trường hợp tới tố cáo trực tiếp, người tố cáo cũng mang theo Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân và chứng cứ kèm theo để cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin.

3. "Bùng" tiền vay qua app, có bị đi tù?

- Vay tiền thực chất là giao dịch vay tài sản được ghi nhận tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, bên vay phải có nghĩa vụ hoàn trả cho bên cho vay theo đúng số lượng, chất lượng, lãi suất cho vay (nếu có thỏa thuận) khi đến hạn trả.

- Do đó, dù thực hiện vay trực tiếp hay vay online qua app, bên vay đều phải có nghĩa vụ trả lại đúng số tiền đã vay khi đến hạn trả.

- Vì thế, hành vi “bùng nợ” khi vay tiền online qua các app bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, người có hành vi “bùng nợ” có thể bị xử phạt hành chính, bị cho vào nhóm nợ xấu, liên tục gọi điện giục nợ hay bị tính lãi chậm trả (nếu có thỏa thuận)…

- Ngoài bị xử phạt hành chính, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi trốn nợ khi vay tiền online, người vay còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2017, thậm chí số tiền chiếm đoạt trên 500 triệu đồng có thể bị phạt 12-20 năm tù

- Về phía bên cho vay, trường hợp cho vay với lãi suất “cắt cổ”, vượt quá mức giới hạn cho phép hay sử dụng những hành vi đe dọa đòi nợ trái pháp luật cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

4. Lừa đảo cho vay tiền qua app, bị xử lý thế nào?

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, các đối tượng lừa đảo cho vay tiền qua app để chiếm đoạt tiền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó:

(i) Xử phạt hành chính: Căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:

“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

….c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”;….

(ii) Xử lý hình sự: Căn cứ khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”

(iii) Mặt khác, mức phạt cao nhất của tội này là từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân trong trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để thực hiện hành vi phạm tội.

Nhằm giúp quá trình trình báo được diễn ra nhanh chóng, Công ty Luật HT Legal VN xin chia sẻ biểu mẫu sau đây: Mẫu Đơn trình báo

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: [email protected]       Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

Như Quỳnh
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục