LUẬT SƯ VÀ VAI TRÒ HÒA GIẢI (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

07/09/2022 - 1571 lượt xem

Hòa giải là một trong những phương pháp được sử dụng khá phổ biến trong quá trình giải quyết tranh chấp, việc áp dụng biện pháp hòa giải giúp các bên tranh chấp tiết kiệm được nhiều chi phí khi khởi kiện ra Tòa án và thời gian giải quyết cũng nhanh hơn. Việc Luật sư tham gia trong quá trình hòa giải trên thực tế đóng vai trò vô cùng quan trọng.

  • Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

Bộ luật Dân sự 2015

Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2015)

  • Nội dung:

Tư cách tham gia hòa giải của Luật sư:

1. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư (Căn cứ Điều 27 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2015))

“1. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư phải tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng và Luật này.

2. Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự, luật sư xuất trình Thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi luật sư xuất trình Thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng của luật sư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Hoạt động đại diện ngoài tố tụng của luật sư (Căn cứ Điều 29 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2015))

1. Luật sư đại diện cho khách hàng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc mà luật sư đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức nơi luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.

2. Khi đại diện cho khách hàng, luật sư có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.”

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015:

Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.

Từ đó, có thể thấy rằng Luật sư tham gia hòa giải với tư cách là người đại diện cho khách hàng theo hợp đồng dịch vụ pháp lý và có thể tham gia hòa giải trực tiếp với bên kia trong trường hợp được ủy quyền hoặc tham gia theo sự phân công của cơ quan, tổ chức nơi luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.

Vai trò của Luật sư trong quá trình hòa giải:

Từ giai đoạn chuẩn bị hòa giải đến quá trình hòa giải, Luật sư đều có vai trò quan trọng, cụ thể như sau:

  • Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ cho thân chủ trước khi hòa giải:

Nhìn chung các chứng cứ cần sử dụng khi hòa giải không có nhiều khác biệt so với các chứng cứ của toàn bộ vụ việc tranh chấp. Tuy nhiên, cần phải có Luật sư phân loại chúng theo các yêu cầu khác nhau để khi sử dụng những chứng cứ này có thể làm phía đối phương nhận thấy được họ đang được lợi hoặc nếu tiếp tục tranh chấp, theo đuổi vụ việc thì sẽ gặp nhiều bế tắc.

Trong giai đoạn hòa giải, mục đích không phải là dùng chứng cứ để đấu tranh với đối phương mà chỉ dùng để thuyết phục đối phương là cần thiết phải thỏa thuận để hai bên cùng nhượng bộ nhằm giải quyết nhanh chóng và dứt điểm tranh chấp mà không cần đưa ra xét xử. Việc chuẩn bị tài liệu, chứng cứ của Luật sư trước khi hòa giải giúp cho thân chủ của mình hiểu được bản chất của vấn đề tranh chấp đang xảy ra dựa trên cơ sở các quyền và lợi ích thực tế của khách hàng.

  • Thỏa thuận trước với thân chủ:

Trước khi hòa giải, Luật sư sẽ thảo luận với khách hàng của mình về một số yêu cầu cần đạt được trong giai đoạn hòa giải, trên cơ sở đó phân tích, khách hàng thấy cần thiết phải nhượng bộ hay không nhượng bộ đối phương. Nếu nhượng bộ thì nhượng bộ ở những điểm nào, mức độ nào và yêu cầu cần đạt được sau khi nhượng bộ là như thế nào. Đồng thời, khi thảo luận thì Luật sư sẽ thông báo cho khách hàng về tình trạng pháp lý của họ, phân tích những ưu thế và bất lợi của khách hàng, của đối phương để từ đó dự kiến phương án hòa giải và lựa chọn phương án tối ưu.

  • Tham dự hòa giải cùng với đương sự:

Trong khi tham dự hòa giải, Luật sư bất cứ lúc nào cũng có thể tham vấn cho khách hàng của mình để họ đưa ra được những yêu cầu hoặc nhượng bộ đúng pháp luật, đặc biệt là đưa ra các yêu cầu phù hợp với những gì mà Luật sư đã thỏa thuận với khách hàng của mình trước đó.

Đối với trường hợp khách hàng uỷ quyền để thay mặt họ tham gia hòa giải (trừ các trường hợp mà pháp luật quy định các đương sự không được ủy quyền: ví dụ trong các quan hệ về nhân thân chỉ gắn với một người nhất định) thì lúc này Luật sư được thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong phạm vi được ủy quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.

  • Ghi chép trong quá trình hòa giải:

Khi tiến hành hòa giải, các bên đều mong muốn đạt được những lợi ích nhất định. Tuy vậy, không phải lúc nào các mong muốn của các bên cũng thực hiện được. Vì vậy, việc Luật sư ghi chép lại diễn biến của giai đoạn này chính là cơ sở cho các giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, khi biết được quan điểm của đối phương trong hòa giải, Luật sư cũng có thể dựa vào đó để giúp đương sự điều chỉnh yêu cầu hoặc phản yêu cầu của mình. Kết quả của việc hòa giải được Luật sư ghi chép lại, nếu hòa giải không thành, cũng là những tài liệu quan trọng để Luật sư chuẩn bị tiếp phương án để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình.

Trên đây là nội dung chia sẻ của Công ty Luật HT Legal VN về vai trò của Luật sư trong quá trình hòa giải. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com hoặc Hotline: 0961614040 - 0945174040

Khánh Vy
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục