MỘT SỐ TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ PHỔ BIẾN (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

08/10/2022 - 1170 lượt xem

Trật tự an toàn giao thông đường bộ ở nước ta rất phức tạp và vi phạm an toàn giao thông đã trở thành một hiện trạng diễn ra phổ biến. Nguyên nhân của hiện trạng này là do nhận thức về pháp luật và về an toàn giao thông của người tham gia giao thông, người điều khiển các phương tiện giao thông còn tham gia giao thông với thói quen, thường có tư tưởng lơ là dẫn đến dễ gây tai nạn, trong một số trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ thông tin đến người đọc một số tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ phổ biến thông qua các dấu hiệu cơ bản của những tội phạm này.

Căn cứ pháp lý:

1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

2. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).

Nội dung:

I. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là hành vi trong khi tham gia giao thông đường bộ đã vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức và Nhà nước.

1. Trách nhiệm hình sự đối với Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Căn cứ Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

….

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Hình phạt đối với loại tội phạm này có khung hình phạt với mức cao nhất đến 15 năm tù giam.

2. Các yếu tố cấu thành Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

- Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này là trật tự an toàn giao thông đường bộ do Nhà nước quy định nhằm bảo đảm hoạt động và an toàn cho giao thông đường bộ, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của công dân và bảo vệ tài sản của Nhà nước, của các tổ chức và của công dân khi người phạm tội xâm phạm.

Hiện nay, các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ được quy định tại Luật Giao thông đường năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2018) là chủ yếu và các văn bản được ban hành trước khi Luật Giao thông đường bộ được sửa đổi, bổ sung năm 2018.

- Chủ thể của tội phạm

Là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi.

Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Lưu ý: Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, trong trường hợp cố ý tham gia giao thông dẫn đến chết người sẽ bị truy cứu về Tội giết người (căn cứ theo Khoản 2 Điều 12, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

- Mặt khách quan của tội phạm

- Hành vi: Là hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ. Đó có thể là hành vi điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm các quy định tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn; hoặc là hành vi vi phạm khác không điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ như: chạy bộ, đi bộ trên đường giao thông, kéo đẩy hàng hóa trên đường, mang vác các vật cồng kềnh,… .

- Hậu quả: gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

- Dấu hiệu khách quan bắt buộc: phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, địa điểm, đường bộ, công trình đường bộ, hành lang an toàn đường bộ,… được xác định theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

- Đối tượng tác động của tội phạm là các phương tiện giao thông đường bộ bao gồm: xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ và thậm chí là người tham gia giao thông không bằng phương tiện (trong đó có cả người đi bộ).

- Mối quan hệ nhân quả: Hành vi là nguyên nhân dẫn đến hậu quả.

- Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ thực hiện hành vi là do vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả.

Một số trường hợp được cho là lỗi hỗn hợp (cố ý về hành vi và vô ý về hậu quả).

II. Tội cản trở giao thông đường bộ

Cản trở giao thông đường bộ là hành vi đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác.

1. Trách nhiệm hình sự đối với Tội cản trở giao thông đường bộ.

Căn cứ Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội cản trở giao thông đường bộ:

“1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

….

4. Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 261 Bộ luật Hình sự nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.”

Hình phạt đối với loại tội phạm này có khung hình phạt với mức cao nhất đến 10 năm tù giam.

2. Các yếu tố cấu thành Tội cản trở giao thông đường bộ.

- Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này là trật tự an toàn giao thông đường bộ do Nhà nước quy định nhằm bảo đảm hoạt động và an toàn cho giao thông đường bộ, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của công dân và bảo vệ tài sản của Nhà nước, của các tổ chức và của công dân khi người phạm tội xâm phạm.

- Chủ thể của tội phạm

Là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, trong trường hợp cản trở giao thông đường bộ dẫn đến chết người sẽ được truy cứu về Tội giết người (căn cứ theo Khoản 2 Điều 12, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

- Mặt khách quan của tội phạm

- Hành vi: đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ. Các hành vi được liệt kê này đều đã được quy định tại Luật Giao thông đường bộ.

- Hậu quả: gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

- Các dấu hiệu khách quan bắt buộc của cấu thành tội phạm này như: công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường, hệ thống thoát nước, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác cũng được quy định tại Luật Giao thông đường bộ.

- Đối tượng tác động của tội phạm này là công trình giao thông đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường, hệ thống thoát nước, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác.

- Mối quan hệ nhân quả: Hành vi là nguyên nhân dẫn đến hậu quả.

- Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ thực hiện hành vi là do vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả.

Một số trường hợp được cho là lỗi hỗn hợp (cố ý về hành vi và vô ý về hậu quả).

III. Tội đua xe trái phép

Đua xe trái phép là hành vi của hai hoặc nhiều người điều khiển xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ chạy thi trên đường bộ nhằm đuổi kịp hoặc vượt người cùng đua.

1. Trách nhiệm hình sự đối với Tội đua xe trái phép.

Căn cứ Điều 266 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội đua xe trái phép:

“1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều 266 hoặc Điều 265 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.”

Hình phạt đối với loại tội phạm này có khung hình phạt với mức cao nhất đến 20 năm tù giam.

2. Các yếu tố cấu thành Tội đua xe trái phép.

- Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này vừa xâm phạm đến an toàn công cộng vừa xâm phạm đến an toàn giao thông đường bộ.

- Chủ thể của tội phạm

Là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, trừ trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 266 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. (căn cứ theo Khoản 2 Điều 12, Điều 266 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

- Mặt khách quan của tội phạm

- Hành vi: hành vi đua xe trái phép, tức là hành vi không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Người tham gia đua xe trái phép có thể thực hiện một trong các hành vi như: chuẩn bị phương tiện và các điều kiện cần thiết cho cuộc đua, đến nơi tập trung đua xe và điều khiển phương tiện tham gia đua. Trong đó, hành vi điều khiển phương tiện tham gia cuộc đua là hành vi quan trọng nhất của việc đua xe trái phép. Theo đó, chỉ người điều khiển phương tiện tham gia cuộc đua mới là người thực hiện hành vi đua xe nên mới chịu trách nhiệm hình sự còn người ngồi sau xe hay người đến xem, người cổ vũ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Hậu quả: gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

- Đối tượng tác động là phương tiện dùng để đua xe gồm: ô tô, xe máy, hoặc các loại xe khác có gắn động cơ.

- Mối quan hệ nhân quả: Hành vi là nguyên nhân dẫn đến hậu quả.

- Mặt chủ quan của tội phạm

Người thực hiện hành vi đua xe trái phép là thực hiện hành vi phạm tội do cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Theo đó, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi đua xe trái phép, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Đối với tội đua xe trái phép, người phạm tội chủ yếu để mặc cho hậu quả xảy ra.

Trên đây là những nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về một số tội xâm phạm an toàn giao thông phổ biến. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Vân Anh
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục