Mức xử phạt đối với cơ sở kinh doanh ăn uống không có Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
- Căn cứ pháp lý:
-
Luật an toàn thực phẩm 2010 sửa đổi bổ sung 2018;
-
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
-
Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/09/2018 quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm;
-
Thông tư 43/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương
- Nội dung:
1. Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là gì?
Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là một văn bản có giá trị pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cấp cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động về sản xuất chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống.
2. Đối tượng phải cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm
Căn cứ tại Điều 12, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định về các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau:
-
Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
-
Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
-
Sơ chế nhỏ lẻ;
-
Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
-
Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
-
Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
-
Nhà hàng trong khách sạn;
-
Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
-
Kinh doanh thức ăn đường phố;
-
Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Một trong những hoạt động được không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nêu trên mà chúng ta thường gặp và chiếm tỷ trọng cao trong các hình thứ hoạt động kinh doanh đó là “Cơ sở sản xuất nhỏ lẻ”.
Theo đó tại Công văn số 2129/BCT-KHCN ngày 31/03/2018 của Bộ Công thương hướng dẫn xác định “Cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ” như sau:
“Theo quy định tại Khoản 16 Điều 4 Luật Doanh nghiệp khái niệm “kinh doanh” được hiểu “là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Do đó, sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ là một công đoạn trong hoạt động kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
Khoản 10 Điều 3, Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc diện cấp Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật an toàn thực phẩm.”
Như vậy, ngoài những đối tượng được nêu ở trên không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm thì các đối tượng còn lại thuộc đối tượng cấp phép thì bắt buộc phải thực hiện các thủ tục theo pháp luật quy định.
Qua đó chúng ta có thể xác định được những đối tượng nào sẽ bị xử phạt khi không có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
3. Mức phạt đối với trường hợp không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Căn cứ theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm 2010 sđbs 2018 và Điều 18, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về mức phạt vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Hình phạt chính:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và vi phạm quy định tại khoản 2 Điều Điều 18 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo lộ trình quy định của pháp luật.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 18 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP;
- Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều Điều 18 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP.
* Lưu ý: Trên đây là hình thức xử phạt hành chính dành cho cá nhân, doanh nghiệp vi phạm. Ngoài ra, còn dựa vào mức độ vi phạm khác nhau mà sẽ có hình thức xử phạt áp dụng khác nhau như bộc phải đóng cửa không cho phép kinh doanh,…
4. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Căn cứ Điều 6, Thông tư 43/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương
- Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận của Bộ Công Thương đối với các trường hợp sau:
a) Cơ sở sản xuất các sản phẩm thực phẩm có công suất thiết kế:
+ Rượu: Từ 03 triệu lít sản phẩm/năm trở lên;
+ Bia: Từ 50 triệu lít sản phẩm/năm trở lên;
+ Nước giải khát: Từ 20 triệu lít sản phẩm/năm trở lên;
+ Sữa chế biến: Từ 20 triệu lít sản phẩm/năm trở lên;
+ Dầu thực vật: Từ 50 ngàn tấn sản phẩm/năm trở lên;
+ Bánh kẹo: Từ 20 ngàn tấn sản phẩm/năm trở lên;
+ Bột và tinh bột: Từ 100 ngàn tấn sản phẩm/năm trở lên;
b) Chuỗi cơ sở kinh doanh thực phẩm (trừ chuỗi siêu thị mini và chuỗi cửa hàng tiện lợi có diện tích tương đương siêu thị mini theo quy định của pháp luật); Cơ sở bán buôn thực phẩm (bao gồm cả thực phẩm tổng hợp) trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
c) Cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh tại cùng một địa điểm có công suất thiết kế theo quy định tại điểm a khoản này.
d) Cơ sở kinh doanh thực phẩm quy định tại điểm b khoản này và có sản xuất thực phẩm với công suất thiết kế nhỏ hơn quy định tại điểm a khoản này.
đ) Cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc quy định tại khoản 8 và khoản 10 Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ có quy mô sản xuất sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương theo quy định tại điểm a khoản này.
- Thẩm quyền cấp của Sở Công Thương cấp tỉnh trực tiếp cấp hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công, phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp Giấy chứng nhận đối với:
a) Cơ sở sản xuất các sản phẩm thực phẩm có công suất thiết kế nhỏ hơn các cơ sở thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương nêu trên;
b) Cơ sở bán buôn, bán lẻ thực phẩm (bao gồm cả thực phẩm tổng hợp) của thương nhân trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chuỗi siêu thị mini và chuỗi cửa hàng tiện lợi có diện tích tương đương siêu thị mini theo quy định của pháp luật;
c) Cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh tại cùng một địa điểm có công suất thiết kế nhỏ hơn các cơ sở thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương nêu trên;
d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc quy định tại khoản 8 và khoản 10 Điều 36 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ có quy mô sản xuất sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương theo quy định tại điểm a khoản này.
5. Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận
a) Cơ quan có thẩm quyền cấp 01 Giấy chứng nhận cho cơ sở sản xuất, kinh doanh đối với Cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh tại cùng một địa điểm;
b) Bộ Công Thương/Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp 01 Giấy chứng nhận cho cơ sở kinh doanh theo mục b, phần 1, 2 nêu trên;
c) Cơ sở kinh doanh bán buôn mục b thuộc thẩm quyền của Bộ công thương nêu trên có thực hiện hoạt động bán lẻ và cơ sở kinh doanh theo mục d thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý địa phương được quyền lựa chọn cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận.
Lưu ý: Chủ cơ sở xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo Mẫu 01 và Mẫu 02 tại Phụ lục I kèm theo Thông tư 43/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018.
Trên đây là nội dung trao đổi một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh doanh có điều kiện về Vệ sinh an toàn thực phẩm
Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09.7117.4040