Nghĩa vụ và Quyền của Bên nhận thế chấp/Ngân hàng

09/03/2022 - 1136 lượt xem

Nghĩa vụ của Bên nhận thế chấp/Ngân hàng:

Theo quy định tại điều 322, Bộ luật dân sự 2015 thì nghĩa vụ của Bên nhận thế chấp bao gồm:

- Trả các giấy tờ cho bên thế chấp sau khi chấm dứt thế chấp đối với trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp: Trường hợp bên thế chấp thực hiện xong nghĩa vụ hoặc các trường hợp khác do các bên thỏa thuận chấm dứt thế chấp, thì bên nhận thế chấp có nghĩa vụ hoàn trả giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu người nhận thế chấp giữ giấy tờ đó. Nếu bên nhận thế chấp không trả giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, bên thế chấp sẽ gặp khó khăn, không thể đưa tài sản thế chấp vào lưu thông trong dân sự. Theo quy định của pháp luật, trong nhiều trường hợp, việc định đoạt tài sản hoặc đưa tài sản tham gia các giao dịch dân sự thì chủ sở hữu tài sản phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, ví dụ như các giao dịch khi có đối tượng là quyền sử dụng đất, nhà ở.

- Thực hiện thủ tục xử lý tài sản thế chấp theo đúng quy định của pháp luật: Thủ tục xử lý tài sản được quy định từ Điều 300 đến Điều 308 Bộ luật dân sự 2015. Khi bên nhận thế chấp xử lý tài sản thì phải tuân theo trình tự thủ tục đó. Quy định này nhằm buộc trách nhiệm của Bên nhận bảo đảm phải tôn trọng quyền lợi của Bên bảo đảm và các chủ thể liên quan.

Quyền của Bên nhận thế chấp tài sản/Ngân hàng:

Theo quy định tại điều 323 Bộ luật dân sự 2015 thì Bên nhận thế chấp tài sản có các quyền sau:

- Xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc hình thành, sử dụng, khai thác tài sản thế chấp: Khi xác lập thế chấp người nhận thế chấp có quyền kiểm trả, xem xét tài sản thế chấp, tham gia định giá tài sản thế chấp. Trong thời hạn thế chấp, người nhận thế chấp có quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản của bên thế chấp, nếu Bên thế chấp vi phạm nghĩa vụ sử dụng tài sản thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu Bên thế chấp khắc phục hậu quả do vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, khi kiểm tra giám sát việc sử dụng tài sản thế chấp không được gây khó khăn cho việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.

- Yêu cầu Bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp.

- Yêu cầu Bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng.

- Thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.

- Yêu cầu Bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

- Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Xử lý tài sản thế chấp khi thuộc các trường hợp sau:

+ Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

+ Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

+ Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Các bên trong quan hệ tín dụng và giao dịch bảo đảm phải nắm và hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Mọi yêu cầu tư vấn, vui lòng liên hệ HT Legal VN qua email: info@htlegalvn.com hoặc Hotline: 09 6161 4040

HT Legal VN