NGUYÊN TẮC TỰ DO HỢP ĐỒNG TRONG VIỆC LỰA CHỌN HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

19/09/2022 - 2723 lượt xem

Theo quy định của pháp luật hợp đồng, các chủ thể được quyền thực hiện các nguyên tắc tự do hợp đồng. Vậy, khi áp dụng nguyên tắc này trong việc giao kết hợp đồng thì các bên có được lựa chọn hình thức hợp đồng hay không? Công ty Luật HT Legal VN sẽ giải đáp thắc trên qua bài viết dưới đây.

Nguyên tắc tự do hợp đồng

Trong lĩnh vực pháp luật hợp đồng, tự do là nguyên tắc pháp lý cơ bản quyết định việc soạn thảo, ban hành và thực thi pháp luật về hợp đồng. Tự do trong lĩnh vực hợp đồng chủ yếu là tự do về ý chí. Theo đó, tư tưởng chủ đạo của nguyên tắc này là cho phép các bên chủ thể hợp đồng được tự do thỏa thuận, tự do quyết định mọi vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng, hạn chế sự can thiệp thái quá từ nhà nước và công quyền.

Nội dung chủ yếu của nguyên tắc tự do hợp đồng được thể hiện qua các mặt sau đây:

  • Các chủ thể có quyền tự do giao kết hợp đồng.
  • Các chủ thể có quyền tự do lựa chọn đối tác hợp đồng.
  • Chủ thể hợp đồng có quyền tự do thỏa thuận chọn lựa loại hợp đồng, xác định nội dung, các điều khoản, điều kiện của hợp đồng, quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng.
  • Các chủ thể có quyền tự do lựa chọn hình thức hợp đồng.

Nguyên tắc tự do hợp đồng trong việc tự do lựa chọn hình thức hợp đồng

Như đã đề cập ở trên, tự do trong hợp đồng bao hàm cả nguyên tắc tự do trong việc lựa chọn hình thức hợp đồng của các bên.

Hình thức của hợp đồng là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện bản chất của hợp đồng – đó là hình thức biểu lộ ý chí của mỗi bên và biểu lộ sự thống nhất ý chí giữa các bên. Theo đó, với sự tác động của nguyên tắc tự do hợp đồng trong việc quyết định hình thức hợp đồng, chủ thể được quyền thể hiện nội dung của hợp đồng ra bên ngoài bằng bất kỳ hình thức nào hoặc không chọn bất kỳ cách thức nào để thể hiện hợp đồng; đồng thời nội dung của nguyên tắc này cũng cho phép các bên có quyền lựa chọn một hình thức xác định để thể hiện nội dung hợp đồng, làm điều kiện giao kết hoặc làm căn cứ phát sinh hiệu lực của hợp đồng.

Thực tế, hình thức của hợp đồng được xem là phương tiện để thể hiện nội dung mà các chủ thể đã xác định. Thông qua phương tiện này, các bên đối tác cũng như bên thứ ba có thể biết được nội dung của hợp đồng đã xác lập. Đồng thời, hình thức hợp đồng còn được xem là chứng cứ xác nhận các quan hệ đã, đang tồn tại giữa các bên. Từ đó xác định xác định trách nhiệm của mỗi bên khi có hành vi vi phạm xảy ra. Tùy thuộc vào tính chất, nội dung của hợp đồng và tùy theo độ tin tưởng lẫn nhau mà các bên có thể lựa chọn một hình thức nhất định trong việc giao kết hợp đồng.

Giới hạn của nguyên tắc tự do hợp đồng trong việc lựa chọn hình thức hợp đồng.

Tự do trong ý chí chính là nền tảng cơ bản trong pháp luật hợp đồng và được pháp luật của các quốc gia trên thế giới thừa nhận và tuân thủ. Tuy nhiên, với mỗi quốc gia đều tồn tại ngoại lệ cho việc tự do trong hợp đồng nói chung và hình thức hợp đồng nói riêng. Giới hạn đặt ra đối với tự do về hình thức hợp đồng thể hiện qua một số đặc điểm cụ thể:

(i) Hợp đồng phải được xác lập theo những hình thức luật định vì lợi ích công cộng.

Do yêu cầu quản lý nhà nước và bảo đảm sự phát triển bình thường của các quan hệ hợp đồng, pháp luật quy định một số loại hợp đồng phải được lập theo hình thức xác định. Ví dụ hợp đồng có đối tượng là bất động sản có đăng ký quyền sở hữu thường buộc phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực để bảo đảm về mặt pháp lý như Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực”.

(ii) Hình thức hợp đồng do các bên thỏa thuận.

Nguyên tắc tự do trong việc lựa chọn hình thức hợp đồng được thể hiện qua một số loại hợp đồng nhất định. Tuy nhiên, có một số loại hợp đồng vẫn phải theo hình thức do luật định nhằm để bảo vệ bên yếu thế. Chẳng hạn Hợp đồng lao động phải thành lập bằng văn bản  hoặc hình thức tương đương theo Điều 14 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về hình thức hợp đồng lao động như sau: “1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản. 2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này”.

Trên đây là nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về nguyên tắc tự do hợp đồng trong việc lựa chọn hình thức hợp đồng. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com hoặc Hotline: 0961614040 - 0945174040

Trúc Anh
Theo HT LEGAL VN

Cùng chuyên mục