NHỮNG HÀNH VI BỊ XỬ PHẠT KHI THAM GIA HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

17/09/2022 - 1193 lượt xem

Công dân và những người tham gia hoạt động tố tụng thường có tâm lý bức xúc khi người tiến hành tố tụng làm việc chậm trễ, thủ tục tố tụng phiền hà, kết quả giải quyết nhận được không mong muốn, dễ nảy sinh hành vi xúc phạm hoặc cản trở hoạt động tiến hành tố tụng. Từ trước đến nay, rất ít trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính về những hành vi nêu trên. Tuy nhiên, từ ngày 18/8/2022 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng vừa được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/9/2022, quy định rõ ràng, cụ thể những hành vi và mức phạt đối với người tham gia tố tụng có hành vi cản trở hoạt động giải quyết vụ án mà không phải là tội phạm (chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Do vậy, Công ty Luật HT Legal VN lưu ý một số hành vi bị xử phạt cụ thể nhằm tránh những vi phạm pháp luật không đáng có khi tham gia hoạt động tố tụng.

1. Các hình thức, chế tài đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng:

Căn cứ vào Điều 5, 6, 7 của Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH ngày 18/8/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ bị phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Số tiền bị xử phạt tối đa là 40.000.000 đồng đối với cá nhân và 80.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, còn có hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và áp dụng các biên pháp khắc phục hậu quả như sau:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cản trở hoạt

động tố tụng;

c) Buộc xin lỗi công khai;

d) Buộc thu hồi thông tin, tài liệu, dữ liệu, vật có chứa bí mật điều tra;

đ) Buộc gỡ bỏ thông tin, tài liệu, dữ liệu có chứa bí mật điều tra;

e) Buộc thu hồi thông tin sai sự thật;

g) Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật;

h) Buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh.

Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính thì người vi phạm có thể bị:

a) Tạm giữ người;

b) Áp giải người vi phạm;

c) Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ

hành nghề;

d) Khám người;

đ) Khám phương tiện vận tải, đồ vật;

e) Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Một số hành vi cần tránh khi tham gia tố tụng:

2.1. Trong tố tụng hình sự có những hành vi sau sẽ bị xử phạt:

Căn cứ vào Điều 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15 của Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH ngày 18/8/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm những hành vi sau:

- Hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.

- Hành vi tiết lộ bí mật điều tra.

- Hành vi vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập.

- Hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng.

- Hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ.

- Hành vi ngăn cản việc cấp, giao, nhận, thông báo hoặc không thực hiện trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng.

- Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

2.2. Trong tố tụng dân sự sẽ có những hành vi sau sẽ bị xử phạt:

Căn cứ vào Điều 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22 của Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH ngày 18/8/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm những hành vi sau:

- Hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án.

- Hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án.

- Hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền.

- Hành vi cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án.

- Hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc.

- Hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án.

- Hành vi đưa tin sai sự thật.

Đối với Nhà báo đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật trên báo chí nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí.

Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đối với Luật sư theo quy định của Pháp lệnh thông thường có cùng hành vi với đương sự sẽ bị xử phạt ở mức phạt gấp 2 lần. Trường hợp hành vi vi phạm của luật sư đến mức phải áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam có thời hạn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc xử phạt được áp dụng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Ngoài ra, các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp và những hành vi cản trở hoạt động tố tụng khác như: Phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến; Hủy hoại hệ thống đường truyền và thiết bị mạng, hệ thống âm thanh (loa, micro, tăng âm, bộ trộn âm thanh), thiết bị hiển thị hình ảnh tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu thành phần phiên tòa, phiên họp trực tuyến, thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình, phần mềm truyền hình trực tuyến, thiết bị camera ghi hình diễn biến phiên tòa, phiên họp, thiết bị lưu trữ dữ liệu, máy chiếu vật thể dùng để trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa, phiên họp, cũng sẽ bị xử phạt.

Trong các hành vi vi phạm nêu trên, thì có 03 hành vi thường dễ bị vi phạm cần lưu ý, gồm:

Thứ nhất, hành vi vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập. Theo quy định tại Điều 11 và Điều 16 của Pháp lệnh nêu trên thì mức phạt đối với hành vi này từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người tham gia tố tụng đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng.

Thứ hai, hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án. Hành vi này mức phạt cao nhất có thể đến 40.000.000 đồng tùy từng trường hợp cụ thể.

Thứ ba, ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự. Hành vi này mức phạt từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Trên đây là nội dung chia sẻ của Công ty Luật HT Legal VN về những hành vi bị xử phạt khi tham gia hoạt động tố tụng. Để được tư vấn cụ thể và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com       Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040    

Thành An
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục