Hiện nay, việc sử dụng hóa đơn điện tử đang dần được triển khai áp dụng rộng rãi khắp nước ta. Đầu năm nay, Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC ngày 24 tháng 02 năm 2022 về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 1830/QĐ-BTC về về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại thành phố Hà Nội và Quyết định số 1832/QĐ-BTC về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ chia sẻ về những điểm cần chú ý liên quan đến hóa đơn điện tử theo quy định mới của pháp luật.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 năm 2019;
- Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ;
- Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài Chính về hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Nội dung:
1. Hóa đơn điện tử là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 89 Luật Quản lý thuế 2019 và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn điện tử được định nghĩa như sau: “Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế”.
2. Hình thức và phân loại hóa đơn điện tử
Cũng theo Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn điện tử được thể hiện dưới 02 hình thức:
- Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế: Đây là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua. Trong đó, mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm:
+ Số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra;
+ Một chuỗi ký tự (gồm 34 ký tự) được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.
- Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế: Là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Quản lý thuế 2019 và Điều 8 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn điện tử được phân thành 06 loại như sau:
- Hóa đơn giá trị gia tăng;
- Hóa đơn bán hàng;
- Hóa đơn điện tử bán tài sản công;
- Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia;
- Các loại hóa đơn điện tử khác như: Tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử;
- Chứng từ điện tử được sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm: Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý điện tử.
3. Những điểm mới đáng lưu ý của Thông tư 78/2021/TT-BTC về hóa đơn điện tử
- Ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế (Bên bán) được quyền ủy nhiệm cho bên thứ 3 lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, hóa đơn điện tử ủy nhiệm phải đáp ứng một số điều kiện về: thông tin của bên ủy nhiệm và bên được ủy nhiệm, hình thức ủy nhiệm (phải lập thành văn bản), thông tin về hóa đơn điện tử, mục đích ủy nhiệm, thời hạn ủy nhiệm và phương thức thanh toán hóa đơn ủy nhiệm;
- Quy định về mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn điện tử: Ký hiệu hóa đơn điện tử và ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 78/2021/TT-BTC;
- Quy định về thời điểm lập hóa đơn đối với riêng dịch vụ ngân hàng: Thời điểm lập hóa đơn đối với dịch vụ ngân hàng được áp dụng thời điểm riêng với từng trường hợp được quy định tại Điều 6 Thông tư 78/2021/TT-BTC;
- Xử lý hóa đơn điện tử đã gửi cho cơ quan thuế mà có sai sót: Quy định về xử lý hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót được chia làm 02 trường hợp đối với hóa đơn điện tử và đối với bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử;
- Quy định về hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế: Nguyên tắc lập hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế được quy định tại Điều 11 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, đối tượng áp dụng và nội dung của hóa đơn này đến Thông tư 78/2021/TT-BTC đã được quy định rõ tại Điều 8 Thông tư này;
- Lộ trình và thời điểm bắt buộc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử: Thông tư 78/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022. Theo đó, 14 văn bản về hóa đơn điện tử trước đó sẽ chính thức hết hiệu lực kể từ ngày 01/7/2022.
Trên đây là những nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về những điểm cần chú ý liên quan đến hóa đơn điện tử theo quy định mới của pháp luật. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Email: [email protected] Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040