Những quy định mới về con dấu doanh nghiệp áp dụng từ ngày 01/01/2021
Theo Khoản 1, Điều 43. Dấu của doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
- Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu
- hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử
1. Con dấu được làm tại cơ sở khắc dấu:
Hiện nay, theo Khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp được toàn quyền quyết định con dấu của doanh nghiệp mình cả về hình thức, số lượng và nội dung của con dấu (kể cả dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp). Từ đó, doanh nghiệp có thể thiết kế dấu cho công ty theo sở thích mà không chịu sự ràng buộc bởi quy định của pháp luật.
2. Về dấu dưới hình thức chữ ký số:
Chữ ký số đã được quy định cụ thể ở Khoản 6, Điều 3 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số như sau:
“Chữ ký số" là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên”
Có thể hiểu một cách đơn giản và dễ hiểu hơn là chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử có thông tin của doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ dùng để ký tất cả văn bản giấy tờ được giao dịch trên internet thay cho việc ký tay. Đây là một quy định hoàn toàn mới so với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Về giá trị pháp lý của con dấu Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP, quy định như sau:
“1. [....]
2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.”
3. Không cần thông báo mẫu dấu trước khi sử dụng:
Theo Khoản 2, Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì trước khi sử dụng con dấu thì doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thực hiện thủ tục bắt buộc là thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh và đăng tải công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Nhưng từ ngày 1/1/2021 khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực thì doanh nghiệp đã không cần thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu này nữa.
Điều này được coi là bước tiến mới về cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giúp tiết kiệm được thời gian trong quá trình thực hiện thủ tục của doanh nghiệp.
4. Quản lý, sử dụng và lưu trữ con dấu
Khoản 3, Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “[..] 3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.”
Nay quy định trên được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3, Điều 43 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:
“3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, việc quản lý, lưu giữ con dấu có thể tuân thủ theo Điều lệ của Công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành.
Trên đây là nội dung trao đổi của chúng tôi về những quy định mới về con dấu doanh nghiệp
Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09.0161.4040