QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VỀ PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI PHẠM TỘI (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

06/10/2022 - 867 lượt xem

Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập với kinh tế thế giới và mở cửa khuyến khích các Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, đặt nhà máy, văn phòng đại diện, chi nhánh, khuyến khích doanh nghiệp trong nước mở rộng quy mô sản xuất…Kèm theo đó sẽ phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật của các pháp nhân thương mại, cụ thể là các doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện các hành vi xâm hại đến các khách thể như quyền sở hữu công nghiệp, xâm phạm tài nguyên môi trường, gian lận thương mại. Do đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đưa vào những quy phạm pháp luật để xử lý chủ thể là pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội để đảm bảo công bằng, bảo vệ sự phát triển kinh tế lành mạnh của quốc gia. Công ty Luật HT Legal VN xin đưa ra những phân tích, đánh giá quy định của pháp luật hiện hành về pháp nhân thương mại phạm tội như sau:

1. Pháp nhân thương mại là gì?

Pháp nhân thương mại trước hết có những đặc điểm cơ bản như một pháp nhân quy định tại Điều 84 của Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm:

- Được thành lập hợp pháp;

- Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;

- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

- Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Và đặc điểm riêng của Pháp nhân thương mại là tìm kiếm lợi nhuận mục đích để chia lợi nhuận kiếm được cho các thành viên, lợi nhuận được xem là mục tiêu hàng đầu của pháp nhân thương mại.

Ví dụ: Các tổ chức tín dụng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Quốc tế. Các Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài như Công ty Coca Cola Việt Nam; Công ty Yamaha Việt Nam hay Công ty Samsung…kể cả Công ty Luật HT Legal Vn cũng là một loại pháp nhân thương mại.

Lưu ý: Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại nên những pháp nhân khác là các pháp nhân phi thương mại thì không phải là chủ thể của tội phạm.

2. Làm thế nào để xác định pháp nhân thương mại phạm tội:

Tại Điều 75 của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

Theo quy định trên, một pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đầy đủ các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 75 của Bộ luật hình sự, thiếu 1 trong các điều kiện trên thì pháp nhân thương mại không phạm tội.

Hành vi thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại được hiểu không chỉ là hành vi của người trong pháp nhân mà người ngoài pháp nhân được pháp nhân thương mại ký hợp đồng hay ủy quyền cho một cá nhân nào đó nhân danh pháp nhân thương mại mà hành vi của họ thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại là hành vi phạm tội thì cũng được xem như hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại.

Ví dụ: Công ty TMCP Xuất nhập khẩu A chỉ vì không muốn tốn chi phí xử lý rác thải công nghiệp nên đã thuê Nguyễn Văn B xử dụng xe tải chở hàng phế thải đi đỗ, vậy hành vi sử dụng xe vận chuyển hàng phế thải đi xả thải gây ô nhiễm môi trường của B được xem là hành vi vi phạm của Công ty TMCP Xuất nhập khẩu A.

Không phải mọi hành vi phạm tội của cá nhân thuộc pháp nhân khi đang hoạt động cho pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm mà phải là hành vi phạm tội đó thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thì pháp nhân mới chịu trách nhiệm, còn hành vi đó mặc dù đang thực hiện công việc của pháp nhân thương mại, hoặc được pháp nhân thương mại ủy quyền nhưng lại vì mục đích riêng, vì lợi ích cá nhân thì pháp nhân thương mại không chịu trách nhiệm về hành vi này. Và hành vi phạm tội phải được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân, sự chỉ đạo ở đây là sự chỉ đạo của những người quản lý pháp nhân ví dụ như: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, ban giám đốc .v..v. Sự chỉ đạo này được hiểu là cả hành động lẫn sự ngầm chấp thuận đề xuất.

Theo khoản 2 Điều 75 của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Việc quy định như trên để không loại trừ việc cá nhân muốn đổ hết trách nhiệm cho pháp nhân nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự của cá nhân. Hiện nay, có rất nhiều vụ án về kinh tế nổi lên và những cá nhân đứng đầu, điều hành doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự thì Pháp nhân thương mại chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 loại tội danh quy định tại Điều 76 của Bộ luật hình sự năm 2015 như: điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324. Trong đó có tội liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng có tội không liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

3. Hình phạt:

Pháp nhân thương mại chịu những hình phạt chính sau: Phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Mức phạt tiền đối với pháp nhất thấp nhất không dưới 50 triệu đồng, nếu đã phạt chính là phạt tiền thì sẽ không áp dụng phạt tiền là hình phạt bổ sung nữa. Đối với việc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Lưu ý, đình chỉ hoạt động có thời hạn hay đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là đình chỉ đối với ngành nghề, lĩnh vực mà pháp nhân thương mại đó phạm tội.

Hình phạt bổ sung bao gốm những hình phạt sau: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, Cấm huy động vốn, phạt tiền.

Khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại cũng tương tự đối với người phạm tội, Tòa án cũng đều cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đối với pháp nhân thương mại cũng có những tình tiết giảm nhẹ riêng ví dụ như: đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả, chưa gây thiệt hại, thiệt hại không lớn…

Ngoài việc bị áp dụng hình phạt thì Tòa án cũng có thể áp dụng các biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại, ví dụ như: Tịch thu công cụ, phương tiện phạm tội, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc thực hiện một số biện pháp ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra…

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

 

Thành An
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục