QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CỦA CHỦ NỢ KHI DOANH NGHIỆP MẤT KHẢ NĂNG THANH TOÁN (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

19/10/2022 - 1514 lượt xem

Pháp luật phá sản Việt Nam ngày càng đổi mới căn bản và toàn diện giúp tháo gỡ được các vướng mắc trong giải quyết phá sản. Trong đó, Luật Phá sản đã tạo ra một thủ tục pháp lý nhằm đảm bảo sự bình đẳng quyền lợi giữa các chủ nợ, không một con nợ nào được chủ nợ ưu tiên trả nợ trước mà phải được giải quyết theo trình tự luật định. Sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ thông tin đến bạn đọc quy định của pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

- Căn cứ pháp lý: Luật Phá sản năm 2014.

- Nội dung:

1. Khái niệm và phân loại chủ nợ.

Căn cứ khoản 3 Điều 4 Luật Phá sản 2014, Chủ nợ là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ, bao gồm chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ có bảo đảm.

Theo đó, chủ nợ được phân thành ba loại:

- Chủ nợ không có bảo đảm: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba (khoản 4 Điều 4 Luật Phá sản 2014).

- Chủ nợ có bảo đảm: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba (khoản 5 Điều 4 Luật Phá sản 2014).

- Chủ nợ có bảo đảm một phần: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba mà giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn khoản nợ đó (khoản 6 Điều 4 Luật Phá sản 2014).

2. Thế nào là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014: “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”.

Theo quy định trên thì “Mất khả năng thanh toán” không có nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tài sản để trả nợ; mặc dù doanh nghiệp, hợp tác xã còn tài sản để trả nợ nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn cho chủ nợ thì vẫn coi là doanh nghiệp, hợp tác xã “mất khả năng thanh toán”.

Căn cứ từ quy định trên, Doanh nghiệp, Hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có khoản nợ cụ thể, rõ ràng do các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại, hoặc được xác định trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền và các bên không có tranh chấp về khoản nợ này.

- Khoản nợ đến hạn thanh toán.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán bao gồm 02 trường hợp:

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã không có tài sản để thanh toán các khoản nợ;

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.

3. Các quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ

3.1. Quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là thủ tục đầu tiên được pháp luật về phá sản đặt ra nhằm giúp bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ - một trong những chủ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất khi doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán. Sau khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện thủ tục thanh toán, để bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ, luật quy định quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần tại Điều 5 Luật Phá sản.

Trong Điều 5 Luật Phá sản không quy định về quyền nộp đơn của chủ nợ có bảo đảm, điều này có thể hiểu được bởi quyền và lợi ích của chủ thể này đã được đảm bảo bằng tài sản bảo đảm nên dù doanh nghiệp có mất đi khả năng thanh toán thì chủ nợ có bảo đảm vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều như chủ nợ bảo đảm một phần và chủ nợ không có bảo đảm. Vì thế, việc quy định quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ có bảo đảm là không cần thiết.

Căn cứ Điều 53 Luật Phá sản 2014 về Xử lý các khoản nợ có bảo đảm.

“1. Sau khi mở thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề xuất Thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật Phá sản, Thẩm phán xem xét và xử lý cụ thể như sau:

a) Trường hợp tài sản bảo đảm được sử dụng để thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì việc xử lý đối với tài sản bảo đảm theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ;

b) Trường hợp không thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm không cần thiết cho việc thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì xử lý theo thời hạn quy định trong hợp đồng đối với hợp đồng có bảo đảm đã đến hạn. Đối với hợp đồng có bảo đảm chưa đến hạn thì trước khi tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân đình chỉ hợp đồng và xử lý các khoản nợ có bảo đảm. Việc xử lý khoản nợ có bảo đảm theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Phá sản.

2. Trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề nghị Thẩm phán cho xử lý ngay tài sản bảo đảm đó theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Phá sản.

3. Việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 53 Luật Phá sản được thực hiện như sau:

a) Đối với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó;

b) Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.”

3.2. Quyền của chủ nợ tại Hội nghị chủ nợ

Hội nghị chủ nợ được xem là nơi mà các chủ nợ thể hiện tiếng nói cho lợi ích của mình trong quá trình giải quyết phá sản. Chủ nợ chính là những người đóng vai trò quan trọng trong hội nghị này.

Trước hết, vai trò của chủ nợ thể hiện qua việc chủ nợ có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ được quy định tại Điều 77 Luật Phá sản và chủ nợ là thành phần tham gia được liệt kê đầu tiên. Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 81 của Luật phá sản quy định: Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ được thông qua khi có quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành.

Điều này cho thấy lợi ích của chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần được ưu tiên bảo vệ vì đây là các chủ thể chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Ngoài ra, quyền và lợi ích của các chủ nợ còn có thể được thực hiện thông qua Ban đại diện chủ nợ được quy định theo Điều 82 Luật phá sản 2014 như sau: “Ban đại diện chủ nợ thay mặt cho các chủ nợ thực hiện giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ, đề xuất với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về việc thực hiện Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ. Trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện đề xuất thì Ban đại diện chủ nợ có quyền thông báo bằng văn bản với Thẩm phán phụ trách giải quyết phá sản”.

3.3. Quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh

Đây là thủ tục đại diện cho mục đích hướng tới việc cứu “con nợ”, trao thêm cơ hội cho doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thông qua thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Trong giai đoạn này, chủ nợ có quyền quyết định cho doanh nghiệp có được áp dụng thủ tục phục hồi hay không. Bên cạnh đó, chủ nợ còn có một số quyền trong quá trình xây dựng, triển khai và hoạt động phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được quy định cụ thể tại các Điều 87, khoản 5 Điều 91, khoản 1 Điều 93, khoản 1 và 2 Điều 94 Luật Phá sản trong trường hợp doanh nghiệp này được áp dụng thủ tục phục hồi. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, sản xuất cũng là tạo điều kiện cho chính chủ nợ được nhận lại phần vốn đã cho vay và lợi ích của mình.

3.4. Quyền và lợi ích của chủ nợ sau khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản

Giai đoạn thi hành quyết định tuyên bố phá sản là giai đoạn cuối cùng trong quá trình bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ. Ở giai đoạn này, chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ không có bảo đảm được nhận lại phần vốn đã cho vay sau khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, tuy có thể sẽ không đầy đủ.

Căn cứ Điều 54 Luật Phá sản 2014, Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

“- Chi phí phá sản;

- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

- Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.”

Do đó, Chủ nợ là chủ thể thứ tư được ưu tiên thanh toán khi Doanh nghiệp, Hợp tác xã tuyên bố phá sản. Căn cứ Khoản 3 Điều 54 Luật Phá sản 2014: Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Trên đây là những nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về quy định pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com        Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Vân Anh
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục