QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ GIẤY PHÉP BÁN HÀNG ĐA CẤP TẠI VIỆT NAM (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

26/09/2022 - 1117 lượt xem

Kinh doanh đa cấp là một hình thức bán hàng hợp pháp. Việc bán hàng được thực hiện bởi mạng lưới gồm nhiều người bán hàng theo nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau. Việc kinh doanh đa cấp phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. HT Legal VN sẽ giải đáp sâu hơn về vấn đề này qua bài viết sau đây.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật dân sự 2015;

Nghị Định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 về Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

Nội dung:

1. Đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp

Căn cứ Điều 4 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Những hàng hóa không được phép kinh doanh đa cấp

Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp bao gồm:

a. Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm;

b.Sản phẩm nội dung thông tin số.

3. Điều kiện hoạt động bán hàng đa cấp

Căn cứ Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP quy định về Điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp: Tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện sau:

a. Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;

b. Có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên;

c. Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Nghị định 40/2018/NĐ-CP;

d. Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Nghị định 40/2018/NĐ-CP;

e. Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của Nghị định này;

f. Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp;

g. Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

Đối với người tham gia bán hàng đa cấp:

Căn cứ Điều 28 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Người tham gia bán hàng đa cấp phải là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. (Điều 19 Bộ luật dân sự 2015)

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 28 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Những trường hợp sau không được tham gia bán hàng đa cấp:

a. Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp;

b. Người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật;

c. Người tham gia bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt do vi phạm các quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;

d. Cá nhân quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP;

e. Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

4. Thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

a. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Căn cứ Điều 10 Nghị Định 40/2018/NĐ-CP, Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm các tài liệu (có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp) sau đây:

1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

2. 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.

3. 01 bản danh sách kèm theo bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân hợp lệ (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu đối với cá nhân có quốc tịch Việt Nam; hộ chiếu và giấy đăng ký tạm trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam; hộ chiếu đối với người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam) của những người nêu tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

4. Bộ tài liệu liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, bao gồm:

a. Mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

b. Kế hoạch trả thưởng;

c. Chương trình đào tạo cơ bản;

d. Quy tắc hoạt động.

5. 01 bản danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp của doanh nghiệp, bao gồm các thông tin: Tên, chủng loại, xuất xứ, quy cách đóng gói, chế độ bảo hành (nếu có), giá bán và số điểm thưởng quy đổi tương ứng với giá bán, thời điểm áp dụng.

6. 01 bản chính văn bản xác nhận ký quỹ.

7. Tài liệu giải trình kỹ thuật về hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp đáp ứng quy định tại Điều 44 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

8. Tài liệu chứng minh doanh nghiệp có trang thông tin điện tử đáp ứng quy định tại Điều 45 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

9. Tài liệu chứng minh doanh nghiệp có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

b.Trình tự, thủ tục

Căn cứ Điều 10 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp gồm:

Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ.

i. Doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại Điều 9 Nghị định 40/2018/NĐ-CP (kèm theo bản điện tử định dạng ".doc" và ".xls") tới Bộ Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện);

ii. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản để doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp sửa đổi, bổ sung hồ sơ;

iii. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ, Bộ Công Thương trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp.

Bước 2: Thẩm định hồ sơ.

a. Sau khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Công Thương thông báo cho doanh nghiệp nộp phí thẩm định. Bộ Công Thương trả lại hồ sơ nếu doanh nghiệp không nộp phí thẩm định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo;

b. Bộ Công Thương thẩm định hồ sơ trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phí thẩm định;

c. Nội dung thẩm định:

Xác nhận bằng văn bản với ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ về tính xác thực của văn bản xác nhận ký quỹ;

Thẩm định nội dung các tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, đảm bảo phù hợp với các quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

d. Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Doanh nghiệp được nộp bổ sung hồ sơ 01 lần trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành thông báo.

Thời hạn thẩm định hồ sơ sửa đổi, bổ sung là 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung.

Bước 3: Trả lại hồ sơ.

Trường hợp doanh nghiệp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ đúng thời hạn quy định tại điểm d khoản 2 Điều 10 Nghị định 40/2018/NĐ-CP hoặc hồ sơ của doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP sau khi đã sửa đổi, bổ sung, Bộ Công Thương thông báo trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do trả lại hồ sơ.

Bước 4: Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP và giao lại cho doanh nghiệp 01 bản các tài liệu quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 40/2018/NĐ-CP có đóng dấu treo hoặc dấu giáp lai của Bộ Công Thương.

Bước 5: Công bố.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương, thông báo cho ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ và cung cấp bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp kèm theo bản sao các tài liệu quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 9 Nghị định 40/2018/NĐ-CP cho các Sở Công Thương trên toàn quốc bằng một trong các phương thức sau:

a. Gửi qua bưu điện;

b. Thư điện tử;

c. Hệ thống công nghệ thông tin quản lý bán hàng đa cấp của Bộ Công Thương.

5. Điều kiện về vốn và ký quỹ xin cấp phép hoạt động bán hàng đa cấp.

Trong lĩnh vực kinh doanh nói chung cũng như lĩnh vực bán hàng đa cấp nói riêng, việc doanh nghiệp phải có nền tảng tài chính tốt. Để được cấp giấy phép kinh doanh không chỉ yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng về vốn mà pháp luật còn quy định rất chặt chẽ về việc ký quỹ. Bởi lẽ, Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, trong số các điều kiện đăng ký bán hàng đa cấp, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện:

Thứ nhất, Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.

Thứ hai, Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo quy định

Căn cứ Điều 50 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Tiền ký quỹ là khoản tiền đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và Nhà nước trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

Thủ tục ký quỹ:

Bước 1: Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ và ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng (mười tỷ đồng) tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Bước 2: Xác nhận việc ký quỹ: Ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ xác nhận bằng văn bản việc ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP và có trách nhiệm phối hợp trong việc xác nhận các nội dung liên quan đến văn bản xác nhận ký quỹ khi Bộ Công Thương có yêu cầu, Khoản tiền ký quỹ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp và chỉ được rút, sử dụng khi có văn bản đồng ý của Bộ Công Thương, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

Quyền lợi khi ký quỹ đối với doanh nghiệp: Doanh nghiệp bán hàng đa cấp được hưởng lãi suất trên khoản tiền ký quỹ theo thỏa thuận với ngân hàng và được phép rút tiền lãi từ khoản tiền ký quỹ.

Trên đây là quy định của pháp luật về Điều kiện kinh doanh đa cấp, trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Để được tư vấn pháp luật thường xuyên, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

 

Hoàng Quyên, Thủy Trúc
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục