Quy định về định giá tài sản khi góp vốn vào doanh nghiệp [Mới Nhất]
- Căn cứ pháp lý:
+ Luật doanh nghiệp 2020;
+ Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 01/06/2016;
- Nội dung:
1. Tài sản góp vốn là gì
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam
Đối với những loại tài sản tiền, vàng, ngoại tệ thì có thể dễ dàng biết được giá trị thị trường. Tuy nhiên, đối với một số tài sản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, hay bất động sản với kỹ năng thông thường thì rất khó để chúng ta biết được giá trị thị trường của chúng, bên cạnh đó không ít nhà đầu tư có kỹ năng đánh giá tương đối gần với giá trị thị trường của tài sản góp vốn bằng kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn. Vì vậy, đối với việc định giá tài sản để góp vốn vào doanh nghiệp, pháp luật Việt Nam đều cho phép các nhà đầu tư có thể tự định giá trên nguyên tắc đồng thuận hoặc thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá thực hiện.
2. Nguyên tắc định giá tài sản góp vốn
Theo quy định tại Khoản 2, 3, Điều 36, Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì:
+ Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận;
+ Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.
3. Trách nhiệm về việc định giá tài sản
Trường hợp góp vốn khi thành lập doanh nghiệp, tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Trường hợp góp vốn trong quá trình hoạt động, tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Như vậy, việc định giá tài sản đã quy định rõ các tổ chức, cá nhân phải liên đới chịu trách nhiệm trong việc cố ý định giá tài sản không đúng với giá trị thực tế.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 5, Điều 16 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định các hành vi bị nghiêm cấm về kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị. Qua đó, pháp luật nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng với giá trị.
4. Hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị bị xử lý như thế nào?
Tại Điểm a, Khoản 4, Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định đối với hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
Bên cạnh đó, doanh nghiệp buộc định giá lại tài sản góp vốn đăng ký vốn điều lệ phù hợp với giá trị thực tế của tài sản góp vốn đối với hành vi vi phạm.
Trên đây là nội dung trao đổi của chúng tôi xoay quanh một số vấn đề về định giá tài sản gón vốn vào doanh nghiệp.
Công ty Luật TNHH HTLegal VN - Hotline: 09.7117.4040