Quy định về nghĩa vụ trả nợ của Doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục giải thể [Mới Nhất]

20/04/2021 - 10325 lượt xem

Quy định về nghĩa vụ trả nợ của Doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục giải thể [Mới Nhất]

- Căn cứ pháp lý:

+ Luật Doanh nghiệp 2020;

+ Bộ luật Dân sự 2015.

- Nội dung:

1. Các trường hợp giải thể doanh nghiệp

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp như sau:

  • Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

  • Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

  • Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

  • Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

2. Thứ tự thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp khi giải thể

Theo đó, Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.

Tại Khoản 5, Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên sau đây:

  • Thứ nhất, các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

  • Thứ hai, nợ thuế;

  • Thứ ba, các khoản nợ khác.

Sau khi thanh toán hết các khoản nợ và các chi phí giải thể doanh nghiệp. Nếu còn dư thì được chia lại cho chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty, các thành viên hoặc cổ đông theo tỷ lệ % sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

3. Ai là người trả nợ cho công ty khi giải thể doanh nghiệp?

Việc xác định trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp, cụ thể là:

  • Đối với doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp trực tiếp tiến hành thanh toán nợ khi giải thể công ty, theo quy định tại Khoản 1, Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”

  • Đối với Công ty TNHH một thành viên thì chủ sở hữu công ty phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn điều lệ của công ty được quy định tại Khoản 1, Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau: “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty”

  • Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên thì các thành viên trong công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau: “Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật doanh nghiệp 2020 (Trường hợp có thành viên không góp đủ vốn theo cam kết)”

  • Đối với Công ty Cổ phần thì khi giải thể doanh nghiệp các khoản nợ sẽ được các cổ đông thực hiện thanh toán trong phạm vi vốn góp vào doanh nghiệp căn cứ quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau: “Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp”

  • Đối với Công ty hợp danh thì thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty, căn cứ tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau: “b. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; c. Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty”

4. Làm thế nào để đòi nợ khi công ty đã giải thể?

Về điều kiện giải thể doanh nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau: “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại Điểm d khoản 1 Điều 207 cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.”

Như vậy, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi doanh nghiệp phải đảm bảo đã thanh toán hết tất cả khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

Trong trường hợp doanh nghiệp có hành vi cố tình không kê khai các khoản nợ chưa thanh toán khi làm hồ sơ giải thể để nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì không đảm bảo tính trung thực và chính xác về việc thực hiện hồ sơ giải thể doanh nghiệp được quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 210 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “2. Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.”

Trường hợp kê khai không đảm bảo tính trung thực và chính các thì thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết, số thuế chưa nộp, số nợ khác chưa thanh toán và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Theo đó, việc thực hiện nghĩa vụ liên đới căn cứ vào Điều 288, Bộ luật Dân sự 2015: “Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.”

Trên đây là nội dung trao đổi của chúng tôi liên quan đến các quy định điều chỉnh nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục giải thể.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

Cùng chuyên mục