Quy định về nghĩa vụ tránh xung đột quyền lợi trong quản trị Công ty đại chúng
Nghĩa vụ ngăn ngừa tránh xung đột quyền lợi là một trong nghĩa vụ cơ bản của công ty đại chúng nhằm tránh thất thoát tài sản, nguồn lực của công ty. Các thủ thể thường chịu những ràng buộc đó là cổ đông, người quản lý và người có liên quan đến việc tiến hành các giao dịch có khả năng làm thất thoát vốn, tài sản và các nguồn lực khác của công ty.
Trong nội dung bài viết này HT Legal VN sẽ làm rõ một số vấn đề liên quan nghĩa vụ tránh xung đột quyền lợi trong quản trị công ty đại chúng theo Luật chứng khoán 2019 và các quy định liên quan.
- Cơ sở pháp lý:
+ Luật doanh nghiệp 2020;
+ Luật chứng khoán 2019;
+ Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán;
+ Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
- Nội dung:
Căn cứ khoản 6 Điều 41 Luật chứng khoán thì nghĩa vụ ngăn ngừa xung đột của công ty đại chúng gồm 2 nhiệm vụ chính (1) tuân thủ quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích và (2) công bố thông tin minh bạch, cụ thể quy định như sau:
- Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát (Kiểm soát viên), Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác của công ty đại chúng có trách nhiệm công khai các lợi ích liên quan, không được sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ của mình để tư lợi cá nhân hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
- Công ty đại chúng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát (Kiểm soát viên), Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý khác của công ty, cổ đông và những người có liên quan can thiệp vào hoạt động của công ty, gây tổn hại cho lợi ích của công ty; tuân thủ các quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi liên quan đến công ty;
- Công ty đại chúng có nghĩa vụ báo cáo, công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ, thông tin bất thường về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, tình hình quản trị công ty cho cổ đông, công chúng và các thông tin khác nếu thông tin đó có khả năng ảnh hưởng đến giá chứng khoán, quyết định của cổ đông và nhà đầu tư;
- Các thông tin phải công bố và phương thức công bố thông tin được thực hiện theo quy định của Luật chứng khoán, Điều lệ công ty và Quy chế về công bố thông tin của công ty.
1. Tuân thủ quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích
Căn cứ Điều 291 Nghị định 155/2020/TT-BTC quy định ngăn ngừa xung đột lợi ích gồm những vấn đề sau:
(1) Công khai các lợi ích liên quan. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác phải công khai các lợi ích liên quan theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan.
(2) Sử dụng thông tin có được từ chức vụ vì lợi ích của công ty và không được tiết lộ thông tin, cụ thể:
-
Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý khác và những người có liên quan của các thành viên này chỉ được sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ của mình để phục vụ lợi ích của công ty đại chúng.
-
Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý khác và những người có liên quan của các đối tượng này không được sử dụng hoặc tiết lộ cho người khác các thông tin nội bộ để thực hiện các giao dịch có liên quan.
(3) Thông báo thông tin và công bố. Thông báo bằng văn bản cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát về các giao dịch và công bố thông tin theo quy định của luật chứng khoán và các quy định pháp luật liên quan. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát về các giao dịch giữa công ty, công ty con, công ty do công ty đại chúng nắm quyền kiểm soát trên 50% trở lên vốn điều lệ với chính đối tượng đó hoặc với những người có liên quan của đối tượng đó theo quy định của pháp luật. Đối với các giao dịch nêu trên do Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận, công ty đại chúng phải thực hiện công bố thông tin về các nghị quyết này theo quy định của pháp luật chứng khoán về công bố thông tin.
Trong quá trình hoạt động một số quy định về các giao dịch liên quan đến các chức danh quản lý, người liên quan phải thực hiện như sau:
a) Giao dịch với người có liên quan
- Khi tiến hành giao dịch với người có liên quan, công ty đại chúng phải ký kết hợp đồng bằng văn bản theo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện.
- Công ty đại chúng áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa cổ đông và những người có liên quan tiến hành các giao dịch làm thất thoát vốn, tài sản hoặc các nguồn lực khác của công ty.
b) Giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này
- Công ty đại chúng không được cung cấp khoản vay hoặc bảo lãnh cho cổ đông là cá nhân và người có liên quan của cổ đông đó là cá nhân, trừ trường hợp công ty đại chúng là tổ chức tín dụng.
- Công ty đại chúng không được cung cấp khoản vay hoặc bảo lãnh cho cổ đông là tổ chức và người có liên quan của cổ đông đó là cá nhân, trừ các trường hợp sau đây:
-
Công ty đại chúng là tổ chức tín dụng;
-
Cổ đông là công ty con trong trường hợp công ty con là công ty không có cổ phần, phần vốn góp nhà nước nắm giữ và đã thực hiện góp vốn, mua cổ phần của công ty đại chúng trước ngày 01 tháng 7 năm 2015.
- Công ty đại chúng không được cung cấp khoản vay hoặc bảo lãnh cho người có liên quan của cổ đông là tổ chức, trừ các trường hợp sau đây:
-
Công ty đại chúng là tổ chức tín dụng;
-
Công ty đại chúng và tổ chức là người có liên quan của cổ đông là các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế và giao dịch này phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua theo quy định tại Điều lệ công ty;
-
Trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Công ty đại chúng chỉ được thực hiện các giao dịch sau đây khi đã được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận:
Cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý khác không phải là cổ đông và những cá nhân, tổ chức có liên quan của các đối tượng này;
Trường hợp cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho tổ chức có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý khác mà công ty đại chúng và tổ chức đó là các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế, Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua theo quy định tại Điều lệ công ty;
Giao dịch có giá trị từ 35% trở lên hoặc giao dịch dẫn đến tổng giá trị giao dịch phát sinh trong vòng 12 tháng kể từ ngày thực hiện giao dịch đầu tiên có giá trị từ 35% trở lên tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty giữa công ty đại chúng với một trong các đối tượng sau:
(1) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý khác và người có liên quan của các đối tượng này;
(2) Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng vốn cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;
(3) Doanh nghiệp có liên quan đến các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 164 Luật Doanh nghiệp;
- Hợp đồng, giao dịch vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó.
- Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng, giao dịch tại điểm c khoản 4 Điều này có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty.
2. Công bố thông tin minh bạch
Khác với những công ty bình thường, công ty đại chúng có quy định về nghĩa vụ công bố thông tin cụ thể của công ty đại chúng liên quan đến tình hình tài chính của nghĩa vụ công bố thông tin là để bảo vệ quyền lợi của cổ đông. Mục đích chính của việc công bố thông tin là để bảo vệ quyền lợi của cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ, và bảo vệ sự phát triển an toàn và minh bạch của thị trường chứng khoán. Các cổ đông nhỏ có thể bao gồm các nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không có đủ kinh nghiệm để hiểu về tình hình tài chính và hoạt động của công ty đại chúng.
a) Các trường hợp công bố thông tin
Nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng gồm 4 loại chính:
- Công bố thông tin định kỳ (hàng năm đều thực hiện)
- Công bố thông tin bất thường
- Công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài
- Công bố thông tin theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban Chứng khoán nhà nước hoặc sở giao dịch chứng khoán).
Được biết, việc công bố thông tin thường bao gồm thông tin về tình hình tài chính và thông tin về hoạt động của công ty đại chúng.
b) Yêu cầu chung về công bố thông tin
- Thông tin phải đầy đủ, chính xác, kịp thời: Thông tin phải “đầy đủ” nghĩa là thông tin cần phải đáp ứng các quy định của pháp luật và cũng không gây nhầm lẫn, rõ ràng để nhà đầu tư bình thường dễ dàng nắm được nội dung của thông tin. Tính “chính xác” được thể hiện thông qua việc thông tin công bố không sai sự thật. Bên cạnh đó, thông tin còn phải được công bố trong khung thời gian theo quy định của pháp luật để đảm bảo được tính chất “kịp thời” tùy thuộc vào sự kiện pháp sinh hoặc những trường hợp cần thiết để công bố thông tin. Lưu ý: các sự kiện và trường hợp mà công ty đại chúng có nghĩa vụ công bố thông tin rất rộng vì vậy pháp luật đặt ra những tiêu chuẩn linh hoạt mang tính định tính, định lượng để xác định.
- Người đại diện công bố thông tin: Người đại diện theo pháp luật có trách nhiệm công bố thông tin của công ty đại chúng. Ngoài ra, có thể sử dụng người được ủy quyền đảm nhận việc công bố thông tin, nhưng phải kèm theo một số điều kiện, chẳng hạn khi người được ủy quyền thực hiện việc công bố thông tin thì phải thông báo cho Ủy Ban chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán biết việc người được ủy quyền sẽ thực hiện công việc này trong thời hạn 24 giờ kể từ khi việc ủy quyền công bố thông tin có hiệu lực. Người được ủy quyền cũng phải cam kết chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác, kịp thời đối với thông tin do người được ủy quyền công bố. Bên cạnh đó, người giữ chức vụ cao nhất của ban điều hành là người chịu trách nhiệm trong việc công bố thông tin trong trường hợp mà người đại diện theo pháp luật và người được ủy quyền công bố thông tin đều vắng mặt.
- Phương tiện công bố thông tin: Các phương tiện công bố thông tin gồm: trang thông tin điện tử của công ty đại chúng; hệ thống công bố thông tin của Ủy ban chứng khoán nhà nước, trang thông tin điện tử của sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; trang thông tin điện tử của sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; các phương tiện thông tin đại chúng khác phù hợp với pháp luật Việt Nam (báo in, báo điện tử,...).
- Ngôn ngữ công bố thông tin: Ngôn ngữ thực hiện công bố thông tin là tiếng Việt. Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
- Thay đổi nội dung công bố thông tin: Khi cần thay đổi thông tin thì chỉ cần công bố nội dung đã được thay đổi và nêu ra được nguyên nhân của việc thay đổi thông tin.
- Bảo quản, lưu giữ thông tin đã công bố: Đây là một trong những trách nhiệm mà công ty đại chúng cần phải đảm bảo. Các thông tin công bố định kỳ phải được lưu giữ dưới dạng văn bản và giữ liệu điện tử.
Về trình tự thủ tục cũng như cách thức công bố thông tin được quy định chi tiết tại Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán
Trên đây là nội dung trao đổi của chúng tôi liên quan đến Quy định về nghĩa vụ tránh xung đột quyền lợi trong quản trị Công ty đại chúng
Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 096161.4040 - 094517.4040