Vay vốn Ngân hàng là hoạt động khá phổ biến hiện nay không chỉ đối với tổ chức mà cả cá nhân. Khi nền kinh tế có nhiều biến động cũng làm phát sinh nhiều hệ lụy trong việc thanh toán nợ Ngân hàng, hiện nợ quá hạn, nợ xấu phát sinh rất nhiều về số lượng, lẫn giá trị tranh chấp.
Với bên vay, bên thế chấp việc nắm rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình theo quy định pháp luật là rất quan trọng và cần thiết để thỏa thuận, thương lượng khi ký kết Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp với Ngân hàng, cũng như giải quyết các tranh chấp, bất đồng tại Tòa án. Sau đây, Công ty Luật TNHH HT LEGAL VN xin chia sẻ đến Quý khách hàng bài viết: “QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CÁC BÊN TRONG HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP TÀI SẢN”
I. Cơ sở pháp lý: Bộ luật Dân sự 2015
II. Nội dung:
1. Thế chấp tài sản?
Theo Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015, thế chấp tài sản là việc một bên (gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (gọi là bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thoả thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
2. Quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp:
- Quyền của bên thế chấp tài sản được quy định tại Điều 321 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó bên thế chấp có các quyền sau:
– Thứ nhất, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
– Thứ hai, quyền đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.
– Thứ ba, quyền nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
– Thứ tư, thực hiện các giao dịch chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng tài sản thế chấp trong một số trường hợp do pháp luật quy định hoặc được bên nhận thế chấp đồng ý.
- Nghĩa vụ của bên thế chấp được quy định tại Điều 320 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, bên thế chấp có nghĩa vụ như sau:
– Thứ nhất, giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác. Theo đó, bên thế chấp phải chuyển giao các giấy tờ pháp lý cho bên nhận thế chấp. Ví dụ: Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai năm 2013 quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những điều kiện cần đầu tiên để thế chấp quyền sử dụng đất. Vì vậy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý để chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của bên thế chấp, việc giữ Giấy chứng nhận là cơ sở pháp lý để bên nhận thế chấp bảo vệ quyền lợi của mình khi có tranh chấp xảy ra.
– Thứ hai, bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp và áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị. Xuất phát từ đặc trưng của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là không phải chuyển giao quyền sử dụng đất cho người khác. Quyền sử dụng đất vẫn thuộc quyền chiếm hữu, sử dụng, quản lý của bên thế chấp.
– Thứ ba, bên thế chấp có nghĩa vụ cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp như diện tích, số thửa, tứ cận, thực trạng sử dụng diện tích đất, tài sản của người thứ ba được xây dựng trên đất hay thực trạng về việc diện tích đất đang cho người thứ ba thuê, cho ở nhờ....
– Thứ tư, giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
– Thứ năm, thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.
– Thứ sáu, bên thế chấp không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ các trường hợp do pháp luật quy định.
3. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp:
- Quyền của bên nhận thế chấp tài sản được quy định tại Điều 323 của Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất có các quyền sau:
– Thứ nhất, xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc hình thành, sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.
– Thứ hai, yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp.
– Thứ ba, trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản.
– Thứ tư, thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.
– Thứ năm, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
– Thứ sáu, theo sự thỏa thuận của các bên, bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Thứ bảy, xử lý tài sản thế chấp khi nghĩa vụ chính bị vi phạm.
- Nghĩa vụ của bên nhận thế chấp tài sản
Theo đó, bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 322 của Bộ luật dân sự năm 2015 nghĩa vụ sau:
– Thứ nhất, trả các giấy tờ cho bên thế chấp sau khi chấm dứt thế chấp đối với trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp.
– Thứ hai, thực hiện thủ tục xử lý tài sản thế chấp theo đúng quy định của pháp luật.
4. Quyền và nghĩa vụ của người thứ ba giữ tài sản thế chấp:
Quyền và nghĩa vụ của người thứ ba giữ tài sản thế chấp được quy định tại Điều 324 Bộ luật dân sự năm 2015.
- Theo đó, người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các quyền sau:
– Thứ nhất, được khai thác công dụng tài sản thế chấp, nếu có thỏa thuận.
– Thứ hai, được trả thù lao và chi phí bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các nghĩa vụ sau đây:
– Thứ nhất, bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp; nếu làm mất tài sản thế chấp, làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp thì phải bồi thường.
– Thứ hai, không được tiếp tục khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp.
– Thứ ba, giao lại tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN tự hào là Công ty Luật chuyên nghiệp và uy tín trong lĩnh vực dân sự, hành chính, hình sự. Chúng tôi rất vinh dự và sẵn sàng đại diện pháp lý cho Quý khách hàng trong các vấn đề pháp lý liên quan lĩnh vực này. Nếu có nhu cầu tư vấn, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040