THẨM MỸ VIỆN HOẠT ĐỘNG “CHUI” BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO? (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

07/10/2022 - 1333 lượt xem

Ở thời buổi hiện đại, nhu cầu về làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng cao. Do đó, có không ít các cơ sở thẩm mỹ viện hoạt động “chui”, trái phép mọc lên nhằm thu lợi từ người dùng và gây ra không ít hậu quả đáng tiếc. Vậy đối với trường hợp trên, theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ bị xử lý ra sao? Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ giải đáp cụ thể thắc mắc này qua bài viết dưới đây:

1. Căn cứ pháp lý:

- Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;

- Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;

- Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế;

- Nghị định số 117/2020 ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;

- Nghị định 124/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020 ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

2. Nội dung:

Thẩm mỹ viện hoạt động “chui” là gì ?

Hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa về thẩm mỹ viện nhưng dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành thì có thể hiểu như sau:

Căn cứ theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 22 của Nghị định 109/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 11 của Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ : Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ là một trong các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật. Theo đó, thẩm mỹ viện là cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ được coi là một trong những loại hình phòng khám chuyên khoa.

Căn cứ Điều 42 của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

“1. Có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

2. Có giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.”

Điều 43. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

"1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

b) Có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;

c) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng.

2. Trường hợp đăng ký thành lập phòng khám chuyên khoa hoặc bác sỹ gia đình thì ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người đứng đầu cơ sở phải là người hành nghề có bằng cấp chuyên môn phù hợp với loại hình hành nghề.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết điều kiện cấp giấy phép hoạt động quy định tại Điều này đối với từng hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền quản lý."

Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP như sau:

Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa

"Ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 23a Nghị định này, trừ điều kiện về người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, phòng khám chuyên khoa phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:

1. Cơ sở vật chất:

a) Trường hợp thực hiện thủ thuật, bao gồm cả kỹ thuật cấy ghép răng (implant), châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt thì phải có phòng hoặc khu vực riêng dành cho việc thực hiện thủ thuật. Phòng hoặc khu vực thực hiện thủ thuật phải có đủ diện tích để thực hiện kỹ thuật chuyên môn;

b) Trường hợp phòng khám chuyên khoa thực hiện cả hai kỹ thuật nội soi tiêu hóa trên và nội soi tiêu hóa dưới thì phải có 02 phòng riêng biệt;

c) Trường hợp khám điều trị bệnh nghề nghiệp phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa.

2. Thiết bị y tế: Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa."

Từ các quy định trên có thể hiểu thẩm mỹ viện cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để được cấp Giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thì mới có thể đi vào hoạt động.

Vậy, theo đó có thể hiểu rằng thẩm mỹ viện hoạt động “chui” trên thực tế là những cơ sở thẩm mỹ hoạt động không có giấy phép hoạt động, không tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành.

Thẩm mỹ viện hoạt động “chui” bị xử lý như thế nào?

Tùy theo mức độ vi phạm, thẩm mỹ viện hoạt động “chui” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm đ khoản 6 và Điểm c Khoản 7, Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP) như sau:

“6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

đ) Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a và đ khoản 6 Điều này;”

Như vậy, cơ sở thẩm mỹ viện hoạt động “chui”, trái phép có thể bị phạt hành chính lên tới 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.

Ngoài chế tài xử lý vi phạm hành chính, nếu trong thời gian hoạt động, các cơ sở này gây ra hậu quả chết người hoặc tổn thương về sức khỏe của những khách hàng đến thực hiện dịch vụ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ theo Điều 315 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

“Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Trên đây là một số ý kiến của Công ty Luật TNHH HT Legal VN liên quan đến vấn đề thẩm mỹ viện hoạt động “chui”. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý có liên quan, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

 

Tuyết Nhi
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục