THẨM QUYỀN CHẤP THUẬN HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH GIỮA CÔNG TY VỚI NGƯỜI LIÊN QUAN

29/07/2021 - 1039 lượt xem

Trong quá trình tư vấn pháp luật thường xuyên cho Doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy phát sinh nhiều tình huống tưởng chừng như đơn giản nhưng lại trở nên phức tạp và khó có thể hạn chế được hậu quả pháp lý phát sinh. Vấn đề HT Legal VN nhắc đến đó chính là phân biệt thẩm quyền chấp thuận giữa Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị doanh nghiệp đối với những giao dịch, Hợp đồng với người có liên quan.

Riêng khái niệm Người có liên quan đã là một phạm trù có nhiều vấn đề để bàn tới khi mà nó được quy định hoặc nhắc đến tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, từ Luật doanh nghiệp, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán,... nhưng không thống nhất, đòi hỏi phải có am hiểu pháp luật thì mới có thể áp dụng đúng.

Đối với vấn đề chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan. Điều 167 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:

1. Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan sau đây:

a) Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan của họ;

b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;

c) Doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Luật này.

2. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng, giao dịch theo quy định khoản 1 Điều này và có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết.

3. Đại hội đồng cổ đông chấp thuận hợp đồng, giao dịch sau đây:

a) Hợp đồng, giao dịch khác ngoài hợp đồng, giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó.

Như vậy, những hợp đồng, giao dịch quy định tại khoản 1 nếu đáp ứng đủ điều kiện tại khoản 2 thì thuộc thẩm quyền chấp thuận của Hội đồng quản trị, nếu khác thì sẽ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông quy định tại khoản 3.

Ngoài ra khoản 4, Điều 167 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:

4. Trường hợp chấp thuận hợp đồng, giao dịch theo quy định tại khoản 3 Điều này, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên về đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị trình dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của hợp đồng, giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trường hợp này, cổ đông có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết; hợp đồng, giao dịch được chấp thuận theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 148 của Luật này, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Nếu ký kết không đúng và trái quy định pháp luật thì hợp đồng, giao dịch này sẽ bị vô hiệu theo quyết định của Tòa án và bị xử lý theo quy định của pháp luật, người ký kết hợp đồng, giao dịch, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.

Tất nhiên, đứng ở góc độ thực tế thì việc phân biệt, xác định giá trị giao dịch, xác định trường hợp cụ thể của từng giao dịch, từng hợp đồng thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông hay của Hội đồng quản trị là không hề đơn giản chút nào? đặc biệt, nhiều thương vụ M&A hoặc đầu tư góp vốn hoặc Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần thông thường đã phát sinh rất nhiều tình huống tranh chấp phức tạp, mà hậu quả bất lợi và thiệt hại luôn thuộc về phía có am hiểu hạn chế về pháp luật, non kinh nghiệm trong các giao dịch đặc thù này.

Với năng lực và kinh nghiệm tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp, xử lý tranh chấp các vụ việc này nhiều năm qua, HT Legal VN luôn mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành cùng doanh nghiệp và Quý nhà đầu tư trong những dự án kinh doanh quan trọng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Quý khách hàng.

Liên hệ chúng tôi qua: info@htlegalvn.com hoặc hotline: 09 6161 4040 - 09 7117 4040.

 

 

HT Legal VN

Cùng chuyên mục