Thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động

28/10/2021 - 1056 lượt xem

Sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 (LDN);

Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 (BLLĐ);

Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Điều kiện để hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động

Khoản 1 Điều 54 BLLĐ quy định: “Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ và được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động”.

Theo đó, doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động phải thực hiện ký quỹ và được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Cụ thể, doanh nghiệp phải đáp ứng 2 điều kiện sau đây:

Thứ nhất, Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện theo Khoản 1 Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP:

- Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

- Không có án tích.

- Đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

Thứ hai, Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng) tại ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi là ngân hàng nhận ký quỹ) theo Khoản 1 Điều 15 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

a. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

Theo Điều 22, Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì Người có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

b. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

Trình tư, thủ tục được thực hiện theo Điều 25, Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Nộp tiền ký quỹ

Doanh nghiệp nộp số tiền ký quỹ là 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng) tại ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi là ngân hàng nhận ký quỹ) để được cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động theo Mẫu số 01/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Trường hợp thay đổi một trong các thông tin trên giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động, gồm: tên doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; số tài khoản ký quỹ thì doanh nghiệp cho thuê lại gửi văn bản đề nghị và các tài liệu chứng minh việc thay đổi thông tin tới ngân hàng nhận ký quỹ để thay đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Nộp một bộ hồ sơ tại Phụ lục II Thư tư vấn này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị cấp giấy phép.

Và nhận lại Giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

Bước 3: Xét duyệt hồ sơ

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bảo đảm theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép đối với doanh nghiệp.

Trường hợp hồ sơ không bảo đảm theo quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.

Bước 4: Cấp giấy phép

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cấp giấy phép đối với doanh nghiệp.

Trường hợp không cấp giấy phép thì có văn bản trả lời doanh nghiệp trong đó nêu rõ lý do không cấp giấy phép.

Lưu ý: Doanh nghiệp sẽ không được cấp giấy phép hoạt động trong các trường hợp sau theo Khoản 5 Điều 25 Nghị định 145/2020/NĐ-CP:

- Không bảo đảm điều kiện cấp giấy phép theo Điều 21, Nghị định 145/2020/NĐ-CP;

- Đã sử dụng giấy phép giả để hoạt động cho thuê lại lao động;

- Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;

- Cho thuê lại lao động để thực hiện công việc không thuộc danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

- Doanh nghiệp cho thuê lại có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp hoặc sử dụng giấy phép giả.

- Có người đại diện theo pháp luật đã từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sử dụng giấy phép giả.

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại lao động

Ngoài các nghĩa vụ theo Quy định chung thì Điều 31 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp cho thuê lại lao động có trách nhiệm:

- Niêm yết công khai bản chính giấy phép tại trụ sở chính và bản sao được chứng thực từ bản chính giấy phép tại các chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có) của doanh nghiệp cho thuê lại.

Trường hợp sang địa bàn cấp tỉnh khác hoạt động thì doanh nghiệp cho thuê lại gửi bản sao chứng thực giấy phép đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đó để theo dõi, quản lý.

Định kỳ 06 tháng và hằng năm, báo cáo tình hình hoạt động cho thuê lại lao động theo Mẫu số 09/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

Đồng thời báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đến hoạt động cho thuê lại lao động về tình hình hoạt động cho thuê lại lao động trên địa bàn đó đối với trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại sang địa bàn cấp tỉnh khác hoạt động.

Báo cáo 06 tháng gửi trước ngày 20 tháng 6 và báo cáo năm gửi trước ngày 20 tháng 12.

Kịp thời báo cáo những trường hợp xảy ra sự cố liên quan đến hoạt động cho thuê lại lao động cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về lao động.

Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật Lao động.

Ngoài ra, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải có nghĩa vụ thực hiện bổ sung tiền ký quỹ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày rút tiền ký quỹ để thanh toán các trường hợp quy định tại Điều 20, Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Trong trường hợp, doanh nghiệp không bổ sung tiền ký quỹ đúng thời hạn sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của HT Legal VN. Trường hợp, Quý khách hàng còn những vướng mắc liên quan đến những nội dung trong thư tư vấn này xin liên hệ HT Legal VN:

Email : info@htlegalvn.com

Hotline : 09 6161 4040  - 09 4517 4040

HT Legal VN

Cùng chuyên mục