THẾ CHẤP TÀI SẢN - HIỂU NHƯ THẾ NÀO? (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HCM)

09/09/2022 - 1466 lượt xem

Thế chấp - một thuật ngữ dường như không còn xa lạ với chúng ta nữa. Một cá nhân hay tổ chức khi thực hiện hành vi vay tài sản thường bắt gặp thuật ngữ này thường xuyên. Thường gặp nhưng không đảm bảo rằng ai trong chúng ta cũng hiểu hết những quy định cũng như bản chất của thế chấp. Thông qua bài viết này, CÔNG TY LUẬT HT LEGAL mong muốn chia sẻ đến Quý bạn đọc những quy định về thế chấp tài sản trong khuôn khổ pháp lý.

1. Thế chấp tài sản là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 317 Bộ Luật Dân sự 2015, quy định:

Điều 317. Thế chấp tài sản

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.”

Như vậy, bản chất thế chấp là một phương thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người có tài sản thế chấp hoặc người thứ ba.

2. Chủ thể của thế chấp tài sản

Chủ thể của thế chấp tài sản là cá nhân, tổ chức có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

3. Đối tượng của thế chấp tài sản

Đối tượng của thế chấp tài sản là tài sản được thế chấp. Căn cứ theo quy định tại Điều 318 Bộ Luật Dân sự, quy định:

Điều 318. Tài sản thế chấp

1. Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp”

Như vậy, đối tượng của tài sản được thế chấp có thể là một phần hoặc toàn bộ động sản, bất động sản hay bảo hiểm.

4. Nội dung của thế chấp tài sản

Nội dung của thế chấp tà sản bao gồm Quyền và Nghĩa vụ của các bên. Căn cứ theo quy định tại Điều 320, 321, 322, 323, 324 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các Bên. Thường các bên trong thế chấp tài sản là Bên thế chấp và Bên được thế chấp. Trừ một số trường hợp có người thứ ba có nhiệm vụ giữ tài sản thế chấp.

5. Hiệu lực của thế chấp tài sản

Căn cứ tại Điều 319, hiệu lực của Hợp đồng thế chấp tài sản thường có hiệu lực kể từ thời điểm ký trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận ngày có hiệu lực và trừ khi pháp luật có quy định khác

6. Xử lý và chấm dứt thế chấp tài sản

Nếu đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì tài sản thế chấp được xử lý để thực hiện nghĩa vụ. Về nguyên tắc, việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện thông qua phương thức bán đấu giá. Nếu các bên đã thỏa thuận trước hoặc khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ các bên tự thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản thì tài sản thế chấp được xử lý theo thỏa thuận của các bên. Bên nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản thế chấp sau khi trừ chi phí bảo quản và các chi phí liên quan khác.

Trường hợp phải xử lý tài sản thế chấp để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn mà tài sản đó được dùng thế chấp để đảm bảo nhiều nghĩa vụ thì các nghĩa vụ khác dù chưa đến hạn cũng được coi là đến hạn. Quyền được ưu tiên thanh toán của những người nhận thế chấp ( các chủ nợ) được xác định theo thứ tự giống như thanh toán nghĩa vụ đối với những người nhận cầm cố tài sản.

Theo quy định tại Điều 327 Bộ luật Dân sự 2015, thế chấp tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:

- Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt.

- Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

- Tài sản thế chấp đã được xử lý.

- Theo thỏa thuận của các bên.

Liên hệ chúng tôi:

Công ty Luật HT Legal VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com    Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

 

Hà Nữ
Theo HT LEGAL VN