THÔNG TIN BẤT CÂN XỨNG TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

11/10/2022 - 1640 lượt xem

Thời gian vừa qua chúng ta đã chứng kiến sự u ám bao trùm thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng sự u ám này vẫn chưa dừng lại, ngày 03/10/2022, phiên giao dịch của VN-Index (chỉ số đại diện cho Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh) tiếp tục có thêm 600 cổ phiếu sụt giảm, rơi 46 điểm. Ngày 04/10/2022, VN-Index tiếp tục mất thêm 8.3 điểm, đưa thị trường chứng khoán xuống ngang với mức cách đây 2 năm. Đã có nhiều rủi ro tác động tiêu cực và gây nên sự trượt dốc của thị trường chứng khoán. Nhưng một trong những rủi ro to lớn luôn tồn tại và tác động đến thị trường chứng khoán cần được xem trọng là rủi ro về thông tin bất cân xứng.

Căn cứ pháp lý:

- Luật Chứng khoán 2019;

- Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài Chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Nội dung:

1. Chứng khoán và thị trường chứng khoán là gì

Căn cứ các điểm a, b, c, d, khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, chứng khoán là các tài sản gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền, chứng khoán phái sinh…. Như vậy chứng khoán là tên gọi chung của các chứng chỉ, cổ phiếu… có thể chuyển đổi thành tiền. Thị trường chứng khoán hay còn được gọi với tên sàn chứng khoán là nơi mua, bán chứng khoán.

Tùy vào việc mua, bán chứng khoán lần đầu hay mua bán lại mà thị trường chứng khoán được chia làm hai bộ phận: thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Thị trường chứng khoán sơ cấp là nơi chứng khoán được người phát hành chứng khoán bán cho tổ chức, cá nhân. Thị trường chứng khoán thứ cấp là nơi diễn ra việc mua, bán lại chứng khoán. Hình thức tổ chức của thị trường chứng khoán thứ cấp là Trung tâm giao dịch chứng khoán (sở giao dịch chứng khoán).

Ví dụ: Một người mua cổ phiếu từ công ty thì họ đang tham gia vào thị trường chứng khoán sơ cấp nhưng khi người đó bán lại cổ phiếu cho những người chơi chứng khoán khác thì người đó đang tham gia vào thị trường chứng khoán thứ cấp.

2. Thông tin bất cân xứng và những tác động của nó đến thị trường chứng khoán

2.1. Thông tin bất cân xứng

Thông tin bất cân xứng là mức độ thông tin không phản ánh kịp thời, chính xác, đầy đủ về thị trường và diễn biến của thị trường. Thông tin bất cân xứng xảy ra khi một trong các bên giao dịch không biết tất cả và chính xác những thông tin cần biết về bên kia để đưa ra quyết định đúng đắn trong giao dịch. Hiểu đơn giản, là một bên có các thông tin trong khi bên kia không có hoặc có không đầy đủ.

Thông tin bất cân xứng có thể xảy ra do cấp độ hiệu quả của thị trường gây ra những hạn chế về truyền tải và cập nhật thông tin hoặc do một bên cố ý che giấu thông tin nhằm thúc đẩy giao dịch về hướng có lợi cho mình.

Có thể thấy, vấn đề thông tin bất cân xứng là một vấn đề nổi cộm trong đầu tư chứng khoán ở Việt Nam. Bởi lẽ, rất khó để biết được tình trạng kinh doanh thật sự của doanh nghiệp vì các thông tin không rõ ràng. Một ví dụ nổi bật nhất về vấn đề thông tin bất cân xứng trong những năm qua là thông tin về việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Khu Công nghiệp Sông Đà (SJS) “sập sàn” do báo Tiền phong điện tử đăng ngày 12/01/2007. Thực tế là không có việc “sập sàn” mà do SJC chia 3 cổ phiếu của Công ty giảm tương ứng từ 728.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 190.000 đồng/cổ phiếu.

2.2. Tác động của thông tin bất cân xứng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam

Một trong những yêu cầu cơ bản đối với một thị trường tài chính lành mạnh là thông tin phải luôn luôn minh bạch. Nhà đầu tư tiếp nhận, phân tích, phán đoán, giao dịch theo thông tin đó và họ tự chịu trách nhiệm về những nhận định thông tin của mình. Chính vì vậy, một khi hệ thống thông tin không rõ ràng, minh bạch, các dự báo của nhà đầu tư có thể sẽ trở nên vô nghĩa, dẫn đến việc họ đưa ra các quyết định thiếu chính xác, từ đó tạo ra lượng cung, lượng cầu ảo trên thị trường và kết quả là có thể xảy ra tình trạng “bong bóng chứng khoán”, nguy cơ đổ vỡ thị trường cao.

Trong thị trường như vậy, niềm tin của nhà đầu tư về một sân chơi bình đẳng không còn nữa mà thay vào đó là tâm lý bất an, chán nản. Khi đó, việc nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường chứng khoán và chuyển nguồn vốn vào các kênh đầu tư khác hoặc ở thị trường chứng khoán các nước khác là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Ngoài ra, với môi trường kinh doanh không công bằng và thiếu minh bạch khó có thể đủ lực hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào kênh chứng khoán. Bởi vì họ không thể dùng các tính toán và phân tích vượt trội người khác để dành chiến thắng. Mà đây lại là nguồn vốn khá quan trọng, góp phần đáng kể vào sự phát triển của thị trường chứng khoán.

3. Pháp luật chứng khoán có quy định gì đối với rủi ro về thông tin bất cân xứng

Để thông tin bất cân xứng không xảy ra đòi hỏi phải có những quy định về việc công khai, minh bạch thông tin trong thị trường chứng khoán. Nhận thấy được điều này, các cơ quan có thẩm quyền đã đưa ra những quy định về nguyên tắc thông tin công bố phải đây đủ, chính xác.

Căn cứ khoản 1, 2 Điều 4 Thông tư 96/2020/TT-BTC thì việc công bố thông tin phải đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định pháp luật; đối tượng công bố thông tin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin công bố; trường hợp có sự thay đổi nội dung thông tin đã công bố, đối tượng công bố thông tin phải công bố kịp thời, đầy đủ nội dung thay đổi và lý do thay đổi so với thông tin đã công bố trước đó.

Nguyên tắc này được tuân thủ trên cơ sở một danh mục các thông tin được xem là quan trọng và cần được cung cấp theo Luật Chứng khoán 2019, các công ty như Công ty quản lý quỹ, Công ty chứng khoán và các chủ thể khác phải nghiêm chỉnh chấp hành theo nguyên tắc này.

Ngoài ra, nguyên tắc này cũng cho phép một số thông tin được công bố chậm lại theo quy định về tạm hoãn công bố thông tin tại Điều 8 Thông tư 96/2020/TT-BTC. Theo đó, khoản 1 Điều 8 Thông tư này quy định “đối tượng công bố thông tin được tạm hoãn công bố thông tin trong trường hợp vì những lý do bất khả kháng như: Thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, dịch bệnh và các lý do bất khả kháng khác. Đối tượng công bố thông tin phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán về việc tạm hoãn công bố thông tin ngay khi xảy ra sự kiện (trong đó nêu rõ lý do của việc tạm hoãn công bố thông tin), đồng thời công bố về việc tạm hoãn công bố thông tin”. Khi đã khắc phục được tình trạng bất khả kháng, đối tượng công bố thông tin phải công bố đầy đủ thông tin theo khoản 2 Điều 8 Thông tư 96/2020/TT-BTC.

Theo sự phát triển về kỷ nguyên số, xu hướng công bố thông tin qua website cũng đang được tận dụng vì đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng phổ cập thông tin đến nhà đầu tư. Pháp luật cũng có quy định về phương tiện công bố thông tin tại Điều 7 Thông tư 96/2020/TT-BTC. Khoản 2 Điều 7 của Thông tư này cũng đề cập đến các tổ chức là đối tượng công bố thông tin bắt buộc phải lập trang thông tin điện tử để đảm bảo việc công bố thông tin.

4. Thực tế hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam qua vụ việc FLC

Dù đã có các hành lang pháp lý để ổn định hoạt động của thị trường chứng khoán nhưng trên thực tế vẫn có các vụ việc thao túng giá chứng khoán xảy ra. Một vụ việc liên quan đến thị trường chứng khoán xảy ra gần đây là vụ việc thao túng cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết. Theo thông tin điều tra ban đầu, hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Quyết được xác định từ đầu tháng 12/2021 đến phiên giao dịch ngày 10/01/2022 – phiên mà chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.

Cụ thể, các kênh báo chí cho biết ông Quyết đã chỉ đạo nhiều người cùng tham gia “thổi giá” cổ phiếu của tập đoàn FLC lên một mức giá cao ngất ngưởng để lôi kéo các nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu rồi bất ngờ bán chui số cổ phiếu ông mua rẻ với mục đích hưởng lợi bất chính. Những người cùng tham gia với ông Quyết là các người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức. Những cá nhân này liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá lên cao.

Hành vi tạo cung cầu giả này đã đẩy giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu đến 24.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nhóm của ông Quyết đã làm tăng cổ phiếu lên 64%. Sau đó ông Quyết đã chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu đã khớp lệnh là 74,8 triệu với giá trung bình 22.500 đồng/cổ phiếu. Theo nhận định sơ bộ của cơ quan điều tra, toàn bộ số cổ phiếu này được bán “chui”, không công bố trước khi thực hiện giao dịch. Tổng số tiền thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính số tiền hơn 530 tỉ đồng. Tuy nhiên ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, những nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu này may mắn được hoàn lại tiền.

Vụ việc này ở một khía cạnh nào đó có liên quan đến rủi ro về thông tin bất cân xứng. Vào thời điểm ông Quyết thao túng giá cổ phiếu của FLC, cơ chế của thị trường chứng khoán đã không thể truyền tải đầy đủ các thông tin mà chỉ truyền đạt các lệnh mua, bán của các tài khoản chứng khoán từ đó làm các nhà đầu tư bị đánh lừa bởi cung cầu mà ông Quyết tạo ra. Đồng thời, bản thân ông Quyết cũng cố ý che giấu mệnh giá thật của cổ phiếu và dựa theo cung cầu để nâng giá trị cổ phiếu FLC. Đây chính là tình trạng thông tin bất cân xứng khi ông Quyết có đầy đủ thông tin về giá trị thật của cổ phiếu FLC còn các nhà đầu tư thì chỉ đưa ra quyết định dựa vào cung cầu ảo mà ông Quyết tạo ra.

Có thể nói, trong vụ việc này các nhà đầu tư đã bị thiếu đi những thông tin để đánh giá chính xác mệnh giá cổ phiếu FLC từ đó đưa ra các quyết định vội vàng, tạo ra các giao dịch có lợi về phía ông Quyết và bất lợi về phía nhà đầu tư. Tình trạng này của các nhà đầu tư được gọi là “lựa chọn đối nghịch” – một hệ quả tiêu cực của thông tin bất cân xứng. Hệ quả này đã làm rối loạn thị trường chứng khoán và đem về cho ông Quyết nguồn lợi nhuận bất chính lớn. Nhưng may mắn, các cơ quan có thẩm quyền đã nhanh chóng vào cuộc và xử lý vấn đề này. Sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan đã phần nào ổn định lại hoạt động của thị trường chứng khoán và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tóm lại, pháp luật chứng khoán rất quan tâm đến vấn đề công khai và minh bạch các thông tin nhằm hạn chế rủi ro về thông tin bất cân xứng. Điều này thể hiện qua việc các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành Thông tư 96/2020/TT-BTC để điều chỉnh việc công bố thông tin của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán. Dù trên thực tế vẫn có một số bất cập phát sinh dẫn đến tình trạng thông tin bất cân xứng và gây nên sự bất ổn định của thị trường chứng khoán nhưng về cơ bản, việc công bố công khai và minh bạch thông tin vẫn luôn được xem trọng.

Trên đây là một số ý kiến về rủi ro thông tin bất cân xứng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Để tìm hiểu hơn về các vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

 

 

Phượng Tường
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục