Thủ tục tạm ngừng kinh doanh [Mới nhất]

08/08/2021 - 1053 lượt xem

Thủ tục tạm ngừng kinh doanh [Mới nhất]

Vì một số lý do nhất định doanh nghiệp bắt buộc phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh của mình. Tạm ngừng kinh doanh được hiểu là việc một chủ thể kinh doanh như công ty, xí nghiệp, hộ kinh doanh,…không thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định.

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc nội dung về thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh theo luật doanh nghiệp 2020. Đối với trường hợp tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan thuộc thuộc phạm vi phân tích của bài viết này.

- Cơ sở pháp lý:

+ Luật doanh nghiệp 2020;

+ Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

- Nội dung:

1. Tạm ngừng kinh doanh là gì?

Theo quy định pháp luật thì tạm ngừng kinh doanh được định nghĩa tại Khoản 1 Điều 41 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp như sau:

“Tạm ngừng kinh doanh là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp. Ngày chuyển tình trạng pháp lý tạm ngừng kinh doanh là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.”

2. Thời gian tạm ngừng kinh doanh

Thời gian tạm ngừng kinh doanh là một khoảng thời gian được xác định từ khi tạm ngừng kinh doanh đến khi bắt đầu kinh doanh trở lại, thời gian này được quy định khác nhau giữa các loại hình doanh nghiệp.

Pháp luật về doanh nghiệp có quy định về thời gian tạm ngừng như sau:

Đối với doanh nghiệp/các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp: Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một (01) năm Khoản 2 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Đối với hộ kinh doanh: Tạm ngừng kinh doanh được thực hiện theo quy định tại Điều 91 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp như sau: 

Trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế trực tiếp quản lý. 

Không có quy định cụ thể về thời gian tạm ngừng kinh doanh đối với hộ kinh doanh. Đây cũng là điểm mới của nghị định hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

3. Thủ tục tạm ngừng kinh doanh

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

- Đối với doanh nghiệp/các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp:

Căn cứ Khoản 2 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì hồ sơ chuẩn bị gồm có:

(1) Thông báo tạm ngừng kinh doanh theo Biểu mẫu số II-19 Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT;

(2) Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh.

- Đối với Hộ kinh doanh:

Căn cứ Khoản 2 Điều 91 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì hồ sơ chuẩn bị gồm có:

(1) Thông báo của Hộ kinh doanh được thực hiện theo Phụ lục số III-4 của Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT

(2) Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh. 

Bước 2: Nộp hồ sơ thông báo

Có thể nộp trực tiếp/Thông qua bưu chính/trên cổng thông tin điện tử.

Nộp đến cơ quan:

  • Đối với doanh nghiệp/các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp thì thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và đầu tư ở tỉnh nơi Công ty/đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp tạm ngừng đặt trụ sở chính.

  • Đối với Hộ kinh doanh thì phải báo đến Phòng Tài chính kế hoạch của UBND cấp huyện nơi mà Hộ kinh doanh đã đăng ký nơi hoạt động và Chi cục thuế quản lý trực tiếp.

Lưu ý về thời hạn nộp hồ sơ:

Căn cứ Khoản 1, Điều 66, Khoản 2 Điều 91 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Đối với doanh nghiệp/các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp: Khi muốn tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh đã thông báo 

Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh.

Đối với hộ kinh doanh: Tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế trực tiếp quản lý. 

Tuy nhiên thời hạn thông báo tạm ngừng kinh doanh của hộ gia đình không quy định thời gian chậm nhất phải nộp thông báo mà chỉ quy định trường hợp hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Theo đó, hộ kinh doanh gửi thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đã đăng ký ít nhất 03 ngày làm việc trước khi tạm ngừng kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Như vậy, về thời hạn thông báo tạm ngừng kinh doanh hộ kinh doanh chỉ cần thực hiện trước ngày tạm ngừng theo thông báo và đây cũng là điểm mới của nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 so với Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015..

Bước 3: Xử lý và nhận kết quả

- Đối với doanh nghiệp/các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp:

Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy xác nhận về việc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giấy xác nhận về việc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp và tình trạng của tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh.

- Đối với hộ kinh doanh:

Sau khi tiếp nhận thông báo, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận hồ sơ cho hộ kinh doanh.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh, Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo cho hộ kinh doanh.

4. Nghĩa vụ của doanh nghiệp trong thời gian tạm ngừng kinh doanh

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 206 Luật doanh nghiệp 2020 thì trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải:

(1) Nộp đủ số thuế, các loại thuế mà doanh nghiệp có nghĩa vụ phải nộp;

(2) Nộp đủ tiền bảo hiểm bao gồm cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nếu doanh nghiệp vẫn nợ số tiền này;

(3) Thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp mà doanh nghiệp đang nợ;

(4) Hoàn thành và thực hiện các hợp đồng với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mà đã ký kết kể cả các hợp đồng đối với người lao động

Nếu Doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng có các thỏa thuận khác thì sẽ được thực hiện theo thỏa thuận đó.

Trên đây là toàn bộ nội dung giải đáp của chúng tôi về thủ tục tạm ngừng kinh doanh. 


CARDHT

Cùng chuyên mục