TÒA ÁN CÓ TỰ MÌNH RA QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP PHONG TỎA TÀI KHOẢN KHÔNG? (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

04/08/2022 - 1249 lượt xem

Trong quá trình giải quyết vụ án, có những trường hợp người thi hành án thực hiện hành vi tẩu tán tài sản, như là thực hiện việc rút một phần hoặc toàn bộ tài sản trong tài khoản làm xảy ra hiện tượng tài sản nhỏ hơn nghĩa vụ phải thi hành án. Vì vậy, pháp luật cần có những biện pháp để đảm bảo việc thi hành án nhanh chóng, hiệu quả. Phong tỏa tài khoản là một trong những biện pháp có vai trò to lớn trong quá trình giải quyết vụ án, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, nhằm tránh việc thất thoát tài sản do hành vi phạm tội. Trong bài viết này, Công ty Luật HT Legal VN sẽ phân tích rõ hơn về vấn đề này.

Cơ sở pháp lý

+ Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (gọi tắt là BLTTHS 2015);

+ Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (gọi tắt là BLTTDS 2015).

Nội dung

1. Phong tỏa tài khoản là gì?

Phong tỏa tài khoản là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Trong vụ án hình sự, Phong tỏa tài khoản là một biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự nhằm bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

2. Các trường hợp phong tỏa tài khoản ?

2.1. Phong tỏa tài khoản trong vụ án dân sự

Căn cứ theo quy định tại Điều 124 BLTTDS, Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

2.2. Phong tỏa tài khoản trong vụ án hình sự

Căn cứ theo Điều 129 BLTTHS 2015, Phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.

Bên cạnh đó, tại Điều 438 BLTTHS 2015, Phong tỏa tài khoản áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại và có căn cứ xác định pháp nhân đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của cá nhân, tổ chức khác nếu có căn cứ xác định số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân.

3. Trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ?

3.1. Trong vụ án dân sự

Căn cứ theo Điều 111 BLTTDS, biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trong trường hợp sau:

- Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

- Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.

- Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại Điều 135 của Bộ luật này.

Căn cứ theo Điều 135 BLTTDS, Trong trường hợp đương sự không yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 gồm:

- Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.

- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

- Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

- Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.

3.2. Trong vụ án hình sự

Căn cứ Khoản 2 Điều 129 BLTTHS về Phong tỏa tài khoản, Những người có thẩm quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản gồm:

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Lệnh phong tỏa tài khoản của những người này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử;

- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản.

4. Kết luận

Vì vậy, trong vụ án dân sự, khi đương sự không có yêu cầu áp dụng biện pháp Phong tỏa tài khoản, Tòa án không tự áp dụng biện pháp Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ của Bị đơn.

Trong vụ án hình sự, BLTTHS không quy định thẩm quyền cho Tòa án mà thẩm quyền ra lệnh áp dụng biện pháp Phong tỏa tài khoản là người có thẩm quyền nêu trên.

Trường hợp cần tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ Công ty Luật HT Legal VN: info@htlegalvn.com hoặc hotline: 0961614040 - 0945174040

Hoàng Quyên
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục