Trách nhiệm dân sự của người quản lý theo Luật doanh nghiệp 2020
Người quản lý trong công ty thường có sức ảnh hưởng và thẩm quyền khá lớn trong các quyết định của doanh nghiệp kể cả đó thuộc về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị. Bởi những ảnh hưởng đó, Luật doanh nghiệp 2020 cũng quy định về những trách nhiệm dân sự liên quan đến thẩm quyền của người quản lý để xử lý khi họ thực hiện không đúng với chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của mình.
Trong phạm vi bài viết này HT Legal Vn sẽ trao đổi với quý đọc giả một số trách nhiệm dân sự liên quan đến những nghĩa vụ mà người quản lý thường vấp phải.
- Cơ sở pháp lý:
Luật doanh nghiệp 2020
- Nội dung:
1. Không triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông
Hội đồng thành viên (Chủ sở hữu công ty) hay Đại hội đồng cổ đông là nhóm thành viên có quyền hạn cao nhất đối với mọi quyết định quan trọng của công ty TNHH, Công ty cổ phần. Nếu như xét loại hình Công ty TNHH MTV theo cơ cấu Chủ tịch công ty thì mọi quyết định cao nhất tập trung vào Chủ tịch công ty đó nên không cần phải bàn đến trách nhiệm triệu tập cuộc họp làm gì, nhưng đối với công ty TNHH lựa chọn cơ cấu Hội đồng thành viên và loại hình công ty cổ phần thì trách nhiệm triệu tập cuộc họp được đánh giá là khá quan trọng trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Trong loại hình công ty TNHH nghĩa vụ triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên là thuộc về chủ tịch HĐTV (điểm c Khoản 2 Điều 56; điểm c Khoản 2 Điều 95 Luật doanh nghiệp 2020) còn trách nhiệm triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông là thuộc về hội đồng quản trị và ban kiểm soát (Khoản 3 Điều 139, Khoản 1 Điều 140 Luật doanh nghiệp 2020)
Theo đó, Khoản 8 Điều 57 quy định: “Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên không triệu tập họp Hội đồng thành viên theo quy định tại khoản 7 Điều này thì phải chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với công ty và thành viên công ty có liên quan.”
Căn cứ Khoản 2, Khoản 3 Điều 139 quy định: “2. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xảy ra trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hoặc nhận được yêu cầu triệu tập họp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này. Trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên Hội đồng quản trị phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty.
3. Trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại khoản 2 Điều này thì trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, Ban kiểm soát thay thế Hội đồng quản trị triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật này. Trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định thì Ban kiểm soát phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty.”
Điểm khác biệt của trách nhiệm bồi thường về việc không triệu tập cuộc họp là đối với Công ty TNHH thiệt hại bồi thường gồm thiệt hại của công ty và thành viên công ty có liên quan còn đối với Công ty Cổ phần thì thiệt hại chỉ có của công ty.
2. Kiểm phiếu biểu quyết
Tuy không quy định rõ thiệt hại của công ty hay thành viên, cổ đông, người có liên quan. Nhưng đây là quy định được đưa ra nhằm có chế tài xử lý đối với hành vi không trung thực, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm phiếu của các cá nhân được giao quyền hạn, cụ thể:
Đối với Công ty TNHH điểm e Khoản 4 Điều 61 quy định: “…Người kiểm phiếu và Chủ tịch Hội đồng thành viên chịu trách nhiệm liên đới về tính đầy đủ, chính xác, trung thực của nội dung báo cáo kết quả kiểm phiếu.”
Đối với loại hình Công ty Cổ phần được quy định tại điểm e Khoản 5 Điều 149: “Các thành viên Hội đồng quản trị, người kiểm phiếu và người giám sát kiểm phiếu phải liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của biên bản kiểm phiếu; liên đới chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh từ các quyết định được thông qua do kiểm phiếu không trung thực, không chính xác”
3. Thông qua Nghị quyết Hội đồng quản trị sai
Quy định này áp dụng cho Công ty cổ phần theo đó trách nhiệm về việc thông qua Nghị quyết sai được quy định tại Khoản 4 Điều 153 như sau: “Trường hợp nghị quyết, quyết định do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết, quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết, quyết định đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết, quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm. Trường hợp này, cổ đông của công ty có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định nói trên.”
Theo quy định trên cho thấy trong đó có phân loại về trách nhiệm của các thành viên tán thành thông qua nghị quyết, quyết định và thành viên phản đối thông qua nghị quyết, quyết định. Có một số ý kiến cho rằng trong biên bản họp có thành viên không có ý kiến thì phải đưa vào thành viên không tán thành nhưng việc lý giải đó là chưa thuyết phục bởi lẽ chúng ta cần xem xét một nội dung quan trọng trong Biên bản đó là các phiếu biểu quyết tán thành hoặc phản đối tương ứng với số phiếu của thành viên không có ý kiến đang nằm giữ thì sẽ suy luận được thành viên đó nghiên về tán thành hay phản đối.
4. Sai sót về nội dung và hình thức cổ phiếu
Đây là quy định riêng đối với Công ty cổ phần theo đó khoản 2 Điều 121 luật doanh nghiệp quy định về trách nhiệm sai sót này như sau: “Trường hợp có sai sót trong nội dung và hình thức cổ phiếu do công ty phát hành thì quyền và lợi ích của người sở hữu cổ phiếu đó không bị ảnh hưởng. Người đại diện theo pháp luật của công ty chịu trách nhiệm về thiệt hại do những sai sót đó gây ra”.
5. Mua lại cổ phần hoặc trả cổ tức sai.
Trường hợp việc thanh toán cổ phần được mua lại trái với quy định tại khoản 1 Điều 134 của Luật doanh nghiệp hoặc trả cổ tức trái với quy định tại Điều 135 của Luật doanh nghiệp, cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận; trường hợp cổ đông không hoàn trả được cho công ty thì tất cả thành viên Hội đồng quản trị phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông mà chưa được hoàn lại.
Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 134, Điều 135 quy định:
“1. Công ty chỉ được thanh toán cổ phần được mua lại cho cổ đông theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật này nếu ngay sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Điều 135. Trả cổ tức
1. Cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi.
2. Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
3. Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty. Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.
4. Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức. Thông báo về trả cổ tức được gửi bằng phương thức để bảo đảm đến cổ đông theo địa chỉ đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Thông báo phải bao gồm các nội dung sau đây: a) Tên công ty và địa chỉ trụ sở chính của công ty; b) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; c) Tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; d) Số lượng cổ phần từng loại của cổ đông; mức cổ tức đối với từng cổ phần và tổng số cổ tức mà cổ đông đó được nhận; đ) Thời điểm và phương thức trả cổ tức; e) Họ, tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty.
5. Trường hợp cổ đông chuyển nhượng cổ phần của mình trong thời gian giữa thời điểm kết thúc lập danh sách cổ đông và thời điểm trả cổ tức thì người chuyển nhượng là người nhận cổ tức từ công ty.
6. Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần theo quy định tại các điều 123, 124 và 125 của Luật này. Công ty phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức.”
Như vậy việc thanh toán cổ phần được mua lại cho cổ đông và trả cổ tức phải đáp ứng các điều kiện cơ bản mới được thực hiện để tránh gây thiệt hại cho công ty, cụ thể:
(1) Việc thanh toán cổ phần được mua lại cho cổ đông chỉ được thực hiện nếu ngay sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác;
(2) Trả cổ tức cho cổ phần phổ thông được căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty.
(3) Trả cổ tức cho cổ phần phổ thông nếu đủ các điều kiện:
+ Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật
+ Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
+ Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
+ Nếu chi trả cổ tức bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.
+ Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức. Thông báo về trả cổ tức được gửi bằng phương thức để bảo đảm đến cổ đông theo địa chỉ đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức.
Điều cần lưu ý ở đây là trách nhiệm bồi thường thuộc về tất cả thành viên Hội đồng quản trị phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông mà chưa được hoàn lại.
6. Giao dịch với người có liên quan không được chấp thuận
* Đối với công ty TNHH thì Hợp đồng giao dịch với người có liên quan được quy định tại Điều 67, Điều 87 Luật doanh nghiệp 2020.
- Công ty TNHH hai thành viên: Đối với giao dịch, hợp đồng với người có liên quan của Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty, Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ phải được Hội đồng thành viên thông qua.
Người nhân danh công ty ký kết hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho các thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan và lợi ích có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch dự định tiến hành. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác thì Hội đồng thành viên phải quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo và thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 59 của Luật doanh nghiệp. Thành viên Hội đồng thành viên có liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không được tính vào việc biểu quyết.
Trường hợp có sự vi phạm xảy ra ở đây thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh, trách nhiệm hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó thuộc về Người ký kết hợp đồng, giao dịch, thành viên có liên quan và người có liên quan của thành viên đó tham gia hợp đồng, giao dịch. Tuy nhiên, trách nhiệm ở đây chưa được làm rõ là trách nhiệm riêng lẻ hay liên đới.
- Công ty TNHH một thành viên: Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, hợp đồng, giao dịch giữa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu với những người có liên quan của Chủ sở hữu công ty; Thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên; Người có liên quan của Người quản lý của chủ sở hữu công ty, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó phải được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên chấp thuận:
Người nhân danh công ty ký kết hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan và lợi ích có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch đó
Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên phải quyết định việc chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo theo nguyên tắc đa số, mỗi người có một phiếu biểu quyết; người có liên quan đến các bên không có quyền biểu quyết.
Hợp đồng, giao dịch với những người có liên quan nêu trên chỉ được chấp thuận khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Các bên ký kết hợp đồng hoặc thực hiện giao dịch là những chủ thể pháp lý độc lập, có quyền, nghĩa vụ, tài sản và lợi ích riêng biệt;
+ Giá sử dụng trong hợp đồng hoặc giao dịch là giá thị trường tại thời điểm hợp đồng được ký kết hoặc giao dịch được thực hiện;
+ Chủ sở hữu công ty tuân thủ đúng nghĩa vụ quy định tại khoản 4 Điều 77 của Luật doanh nghiệp.
Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu theo quyết định của Tòa án và xử lý theo quy định của pháp luật nếu được ký kết không đúng quy định nêu trên thì trách nhiệm về thiệt hại phát sinh và hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó sẽ thuộc về Người ký kết hợp đồng, giao dịch và người có liên quan là các bên của hợp đồng, giao dịch. So với trách nhiệm bồi thường với người liên quan ở loại hình Công ty TNHH hai thành viên thì đối với loại hình công ty TNHH MTV quy định rõ tại Khoản 5 Điều 86 đây là trách nhiệm liên đới.
* Đối với công ty cổ phần
Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với (1) Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan của họ; (2) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ; (3) Doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Luật doanh nghiệp phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận;
Thẩm quyền cụ thể của Hội đồng quản trị được quy định tại Khoản 2 Điều 167: “Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng, giao dịch theo quy định khoản 1 Điều này và có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết.”
Thẩm quyền chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông được quy định tại Khoản 3 Điều 167: “Hợp đồng, giao dịch khác ngoài hợp đồng, giao dịch quy định tại khoản 2 Điều 167 (tức thẩm quyền của Hội đồng quản trị); Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó.
Trường hợp chấp thuận hợp đồng, giao dịch theo quy định tại khoản 3 Điều này, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên về đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị trình dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của hợp đồng, giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trường hợp này, cổ đông có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết; hợp đồng, giao dịch được chấp thuận theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 148 của Luật doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác".
Nếu Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu theo quyết định của Tòa án và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết không đúng với quy định tại Điều 167; người ký kết hợp đồng, giao dịch, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó. Trách nhiệm được quy định ở đây cũng là trách nhiệm liên đới.
7. Điều hành công ty Cổ phần sai
Đây là quy định áp dụng riêng cho chức danh (Tổng) gíam đốc của công ty cổ phần cụ thể tại khoản 4 Điều 162 Luật doanh nghiệp quy định: “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị. Trường hợp điều hành trái với quy định tại khoản này mà gây thiệt hại cho công ty thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty”.
8. Thành viên ban kiểm soát vi phạm
Trách nhiệm dân sự được đặt ra riêng đối với kiểm soát viên trong công ty cổ phần theo đó Điều 173 Luật doanh nghiệp quy định về trách nhiệm của kiểm soát viên như sau:
- Tuân thủ đúng pháp luật, Điều lệ công ty, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông và đạo đức nghề nghiệp trong thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.
- Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty.
- Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Trường hợp vi phạm quy định tại các nghĩa vụ nêu trên mà gây thiệt hại cho công ty hoặc người khác thì Kiểm soát viên phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới bồi thường thiệt hại đó. Thu nhập và lợi ích khác mà Kiểm soát viên có được do vi phạm phải hoàn trả cho công ty.
Trên đây là nội dung trao đổi của chúng tôi liên quan đến các trách nhiệm dân sự của người quản lý được quy định theo Luật doanh nghiệp 2020.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN – Hotline: 0961614040 - 0945174040