Trách nhiệm pháp lý đối với hợp đồng được ký trước và trong quá trình thành lập của doanh nghiệp được quy định như thế nào?
Trước khi thành lập doanh nghiệp thì các nhà đầu tư cần phải thực hiện một số công việc thiết lập ban đầu như ký hợp đồng thuê trụ sở, hợp đồng mua trang thiết bị, vật liệu … Vậy những giao dịch này nếu có xảy ra tranh chấp thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
- Căn cứ pháp lý:
+ Bộ luật Dân sự 2015;
+ Luật doanh nghiệp 2020;
- Nội dung:
1. Quyền được ký kết hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định người thành lập doanh nghiệp được ký hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.
Việc cho phép người thành lập được ký kết các hợp đồng trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp nhằm mục đích cho phép doanh nghiệp ghi nhận chi phí ban đầu này vào báo cáo tài chính.
Theo Khoản 25, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020: “Người thành lập doanh nghiệp là cá nhân, tổ chức thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp”. Như vậy, để được xem là hợp đồng ký trước đăng ký doanh nghiệp thì người đại diện ký hợp đồng sau đó phải là cá nhân, tổ chức chủ sở hữu/ thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập tùy vào loại hình doanh nghiệp.
2. Trách nhiệm pháp lý của việc ký hợp đồng trước khi thành lập
Có thể sau khi giao kết các hợp đồng các bên đã thực hiện hoặc chưa thực hiện nhưng để tránh việc trốn tránh trách nhiệm dân sự khi công ty không được thành lập với bất kỳ lý do gì khác, bên cạnh đó để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên giao kết hợp đồng còn lại.
Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020 về trách nhiệm của các bên giao kết khi hợp đồng đã được ký kết nhưng doanh nghiệp được thành lập/ không được thành lập như sau:
“2. Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 Điều này và các bên phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác.
3. Trường hợp doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng; trường hợp có người khác tham gia thành lập doanh nghiệp thì cùng liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.”
Tại Khoản 2 nêu trên có quy định trong trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết và các bên phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Vậy vấn đề được đặt ra, khi các bên không có thỏa thuận gì khác nhưng các bên cũng không thực hiện việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo quy định của BLDS thì sẽ giải quyết như thế nào?
Căn cứ Điều 370, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc chuyển giao nghĩa vụ: “1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.”
Như vậy, người thành lập doanh nghiệp có thể tự chuyển giao nghĩa vụ nếu như bên có quyền đồng ý theo quy định tại Khoản 2, Điều 18, Luật doanh nghiệp 2020 nêu trên và Điều 87, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự của pháp nhân: “1. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.
Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Trên đây là nội dung trao đổi của chúng tôi liên quan đến các giao dịch được người thành lập giao kết trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09.6161.4040