THƯ TƯ VẤN
I. KHÁCH HÀNG: CÔNG TY CP ...
Mã số thuế : …
Địa chỉ liên hệ : …, Tp Tân An, tỉnh Long An
Đại diện : … – Chức danh: Giám đốc
II. YÊU CẦU TƯ VẤN
CÔNG TY … muốn tư vấn các vấn đề pháp lý phát sinh khi kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm cho cả trường hợp chủ đầu tư là cá nhân hoặc pháp nhân.
III. TÀI LIỆU & THÔNG TIN KHÁCH HÀNG CUNG CẤP
IV. Ý KIẾN TƯ VẤN
Căn cứ quy định pháp luật hiện hành và thông tin được cung cấp, chúng tôi có ý kiến tư vấn pháp lý về vấn đề của Quý khách hàng như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
(1) Nghị định số 93/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm;
(2) Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp.
2. Nội dung tư vấn:
Việt Nam là một trong những thị trường mỹ phẩm tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, mức tăng trưởng thị trường của Việt Nam được phản ánh bởi số lượng người tiêu dùng mỹ phẩm cũng như số tiền họ chi trả cho việc làm đẹp. Vì vậy, có cầu sẽ có cung các hộ kinh doanh, doanh nghiệp xuất hiện nhanh chóng sản xuất ra nhiều số lượng, mẫu mã phong phú. Thế thì mở xưởng sản xuất mỹ phẩm cần những điều kiện, giấy phép gì, thủ tục đăng ký,… sau đây sẽ giải đáp thắc mắc của quý khách hàng.
2.1. Điều kiện cấp giấy phép sản xuất mỹ phẩm
Theo Điều 4 Nghị định 93/2016/NĐ-CP cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng các điều kiện như sau:
Thứ nhất, điều kiện về nhân sự:
Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.
Thứ hai, điều kiện về cơ sở vật chất:
- Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;
- Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.
Thứ ba, có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu sau:
- Nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất;
- Nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
- Có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm;
- Có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm.
2.2. Mở xưởng sản xuất mỹ phẩm cần giấy phép gì
Muốn xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm phải chuẩn bị đầy đủ các thành phần hồ sơ theo khoản 1, Điều 7 Nghị định 93/2016/NĐ-CP như sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
- Sơ đồ mặt bằng và thiết kế của cơ sở sản xuất;
- Danh mục thiết bị hiện có của cơ sở sản xuất.
Ngoài ra còn phụ thuộc vào các trường hợp cụ thể xưởng sản xuất mỹ phẩm cần chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục khác nhau.
2.3 Trường hợp kinh doanh cá nhân
Để đăng ký hộ kinh doanh cần chuẩn bị các hồ sơ theo khoản 2, điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
2.4. Trường hợp thành lập công ty
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên;
- Bản sao các giấy tờ sau đây: Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền;
- Giấy tờ khác theo yêu cầu.
Khi đã có đủ giấy tờ đáp ứng cho việc xin giấy phép sản xuất mỹ phẩm bạn nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Sau khi hoàn tất các thủ tục trên thì quý khách đã có thể sản xuất mỹ phẩm như mong muốn
2.5. Nộp hồ sơ xin giấy phép ở đâu, thời gian chờ
Thứ nhất, Theo khoản 1, Điều 8 Nghị định 93/2016/NĐ-CP hồ sơ được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Sở Y tế của tỉnh nơi cơ sở sản xuất đặt nhà máy.
Thứ hai, Theo khoản 2, Điều 9 Nghị định 93/2016/NĐ-CP trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và phí thẩm định theo quy định, Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra cơ sở sản xuất, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
2.6. Những trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm
Theo Điều 12 Nghị định 93/2016/NĐ-CP có những trường hợp sau bị thu hồi:
- Cơ sở sản xuất mỹ phẩm không đáp ứng tất cả các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm được cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật;
- Cơ sở sản xuất mỹ phẩm thực hiện việc sản xuất mỹ phẩm không đúng địa chỉ ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;
- Giả mạo tài liệu trong hồ sơ để được cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;
- Cơ sở sản xuất mỹ phẩm có văn bản đề nghị thu hồi tự nguyện Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
Ngoài ra còn nhiều thủ tục liên quan khác đến đăng ký chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật phải thực hiện để đảm bảo tính pháp lý và giá trị thương hiệu của sản phảm.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề pháp lý của Quý công ty.
Chân thành cảm ơn sự tín thác và sử dụng dịch vụ của HT Legal VN ./.
Trân trọng.
Phòng Nghiệp vụ Tư vấn Doanh nghiệp
Công ty Luật HT Legal VN