VẤN ĐỀ CẢNH SÁT GIAO THÔNG “RÚT CHÌA KHÓA XE” CỦA NGƯỜI VI PHẠM AN TOÀN GIAO THÔNG (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN TÂN BÌNH, BÌNH THẠNH TP.HCM)

03/03/2023 - 822 lượt xem

Khi phát hiện người đi đường có dấu hiệu vi phạm an toàn giao thông, cảnh sát giao thông sẽ tuýt còi, yêu cầu dừng xe và làm việc với người đi đường. Vậy cảnh sát có quyền “rút chìa khóa xe” của người vi phạm không ? Trong bài viết này Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ chia sẽ cho mọi người các kiến thức về quyền hạn của cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát và vấn đề “rút chìa khóa xe” của người vi phạm.

- Căn cứ pháp lý:

+ Luật giao thông đường bộ.

+ Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

+ Nghị định 100/2019 NĐ-CP ban hành ngày 30/12/2019.

+ Nghị định 123/2021 NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021.

+ Thông tư 65/2020 TT-BCA ban hành ngày 19/06/2020.

- Nội dung:

1. Quyền hạn của cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát

Theo quy định tại Điều 08 Thông tư 65/2020 TT-BCA, quyền hạn của cảnh sát giao thông trong việc tuần tra, kiểm soát, bao gồm:

- Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

- Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

- Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.

- Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

- Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc “rút chìa khóa xe” không được đề cập trong phạm vi quyền hạn kiểm soát, tuần tra của cảnh sát giao thông.

2. Vấn đề “rút chìa khóa xe” của cảnh sát giao thông đối với người vi phạm

Theo Nghị định 100/2019 NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 123/2021 NĐ-CP) đã quy định về các hình thức xử phạt, mức xử phạt mà người vi phạm quy định giao thông đường bộ.

Trong đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng các hình thức xử phạt như: tạm giữ phương tiện, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tịch thu các thiết bị lắp đặt sai quy định và các biện pháp ngăn chặn. Các hình thức xử lý nêu trên cũng không đề cập đến việc rút chìa khóa xe.

Căn cứ Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp sau đây theo thủ tục hành chính:

- Tạm giữ người;

- Áp giải người vi phạm;

- Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

- Khám người;

- Khám phương tiện vận tải, đồ vật;

- Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

- Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;

- Giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

- Truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn.

Như vậy, “rút chìa khóa xe” của người vi phạm không thuộc quyền hạn của cảnh sát giao thông và cũng không phải là biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Do đó, cảnh sát giao thông không có quyền rút chìa khóa xe của người vi phạm giao thông.

Trường hợp, cảnh sát giao thông rút chìa khóa xe của người vi phạm thì người vi phạm có thể khiếu nại đối với việc làm đó.

3. Trường hợp cảnh sát giao thông có quyền “rút chìa khóa xe” của người bị vi phạm

Trong một số trường hợp, việc rút chìa khóa xe có thể được coi như một biện pháp ngăn chặn hợp pháp.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 20 Thông tư 65/2020 TT-BCA, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính có trường hợp cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hoặc để bảo đảm việc thi hành quyết định xử phạt, thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông phải quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

Ví dụ, trong trường hợp cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe nhưng người vi phạm tỏ thái độ thách thức, cố ý vít ga nhằm bỏ trốn hoặc lao xe vào công an, đây là hành vi gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ cũng như những người xung quanh. Khi đó, việc rút chìa khóa là cần thiết nhằm thực hiện quyền kiểm soát phương tiện, ngăn chặn hành vi của người vi phạm. Ngược lại, nếu người vi phạm hợp tác, tuân thủ hiệu lệnh và không tỏ thái độ chống đối, hành động thu giữ chìa khóa xe là không phù hợp.

Như vậy, nếu xử lý một người vi phạm hành chính thông thường, việc cảnh sát giao thông thu giữ chìa khóa xe của họ là không phù hợp. Trường hợp xuất hiện hành vi chống đối hay các hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn, người thi hành công vụ có thể rút chìa khóa nhằm thực hiện quyền kiểm soát phương tiện, ngăn chặn hành vi của người vi phạm.

Trên đây là những nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về quy định của pháp luật về quyền hạn của cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát và vấn đề “rút chìa khóa xe” của người vi phạm. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Kim Phụng
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục