Theo sự phát triển của kinh tế và công nghệ, đã có nhiều ứng dụng (app) được tạo ra để đáp ứng nhu cầu của con người từ giải trí đến mua sắm, học tập… Cũng hướng đến mục đích đáp ứng nhu cầu nhưng riêng biệt về mặt kinh tế, các app cho vay tiền đã liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây. Các app vay tiền này đã tạo nên một hệ thống cho vay với thủ tục được quảng cáo là nhanh, gọn, không cần thế chấp tài sản đảm bảo. Nhưng liệu thực tế các app vay tiền này có thật sự nhanh, gọn và an toàn cho người vay? Sau đây, hãy cùng Công ty Luật HT Legal VN phân tích về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự 2015;
- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;
- Luật Các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi bổ sung 2017.
1. App cho vay tiền và hoạt động vay tiền là gì?
App là từ viết tắt của Application mang ý nghĩa ứng dụng. Nói riêng trong lĩnh vực công nghệ và gắn bó đến thiết bị điện tử, app thường được hiểu là một phần mềm được tải về và hoạt động trên điện thoại, máy tính… nhằm đảm nhiệm các chức năng như cập nhật thông tin, liên lạc, chia sẻ cuộc sống cá nhân…. Một số app phổ biến hiện nay có thể kể đến như Facebook, Messenger, Zalo.. Như vậy, app cho vay tiền là một hệ thống phần mềm hoạt động trên thiết bị điện tử nhằm thực hiện hoạt cho vay.
Hoạt động cho vay là hoạt động thường được gắn liền với ngân hàng và các công ty tài chính. Căn cứ khoản 16 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi bổ sung 2017, Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao cho bên vay một khoản tiền để sử dụng vào mục đích và thời hạn nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.
Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Do đó, trong đời sống thường ngày người dân cũng có thể cho vay theo pháp luật dân sự.
App cho vay tiền thường được thiết kế để cài đặt trên điện thoại thông minh để đăng ký vay tín chấp. Theo đó, người vay chỉ cần thực hiện các thao tác đơn giản như tạo lập tài khoản, đăng nhập theo hướng dẫn mà không cần phải ra trực tiếp tại các trụ sở giao dịch hay ký kết hợp đồng. Hơn thế nữa, các app vay tiền không yêu cầu người vay phải có tài sản bảo đảm cho khoản vay mà chỉ cần cung cấp hình ảnh chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu để chứng minh uy tín của mình.
Có thể thấy, các thủ tục vay tiền qua app đơn giản hơn vay tiền trực tiếp tại ngân hàng hoặc các công ty tài chính. Vay tiền qua app cũng không đòi hỏi người vay phải có tài sản thế chấp cho khoản vay. Vì vậy mà hình thức vay tiền này đang trở nên rất phổ biến thời gian gần đây. Một số app cho vay thường được nhắc đến có thể kể đến như F88, FE Credit, Money Cat….
2. Vay tiền qua app có thật sự an toàn?
Không thể khẳng định hoàn toàn rằng vay tiền qua app an toàn hay không an toàn. Vốn dĩ hoạt động cho vay là hoạt động được phép thực hiện bởi các công ty tài chính và cá nhân. Do đó, hoạt động cho vay này không trái với quy định pháp luật. Vấn đề an toàn còn tùy thuộc vào việc lựa chọn app vay. Bởi hiện nay có rất nhiều app vay tiền, sẽ rất khó để người dùng nhận biết được app nào là an toàn.
Hình thức vay online không cần thế chấp và gặp mặt, điều này thật ra cũng hết sức bình thường vì các app sẽ có thông tin, địa chỉ liên lạc của bên cho vay đồng thời yêu cầu bên vay phải cung cấp các thông tin để xác lập hợp đồng cho vay từ đó đảm bảo các vấn đề phát sinh sau khi ký kết hợp đồng. Một app uy tín sẽ luôn bảo mật thông tin của người vay cũng như các chính sách hợp đồng vay rõ ràng điều khoản và cần sự thỏa thuận ký kết từ 2 bên để giải ngân. Đối với các app vay uy tín thì khi bạn vay và trả nợ đúng hẹn thì sẽ không có bất kỳ điều gì xảy ra.
Như vậy, hình thức cho vay qua app không phải là một dạng lừa đảo. Dù vậy, vẫn phải lưu ý rằng khi thực hiện vay tiền qua app thì phải tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị cho vay tiền qua app, hợp đồng vay, lãi suất vay… để phân biệt rõ giữa app cho vay chính thống và app cho vay trá hình, núp bóng tín dụng đen.
3. Cách phân biệt app cho vay uy tín và app cho vay trá hình
Trước khi vay tiền trên các app cho vay, người vay nên xem xét app cho vay có uy tín hay không để tránh vướng vào tình huống khó xử lý về sau. Để phân biệt app cho vay uy tín và app cho vay trá hình có nhiều cách, Công ty Luật HT Legal đề xuất đến các bạn một cách thức rằng các bạn hãy đặt ra những câu hỏi về app cho vay tiền và tự tìm kiếm câu trả lời để đánh giá độ uy tín của app. Các câu hỏi như sau:
- App cho vay tiền đó được hình thành và phát triển bởi công ty nào? Để trả lời câu hỏi này, bạn nên kiểm tra kỹ thông tin về công ty tạo ra app cho vay. Liệu công ty đó có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp, có mã số thuế, địa chỉ trụ sở cụ thể và các thông tin liên hệ rõ ràng hay không. Đây là một yếu tố rất quan trọng để xem xét độ uy tín của app vay tiền.
- App cho vay tiền đó có được nhiều người tin dùng và lựa chọn? Để kiểm chứng thông tin này ta có thể nhập thông tin app trên google hoặc đọc review ngay tại CH Play và App Store.
- Các app vay tiền đó có công khai, minh bạch hay không, điều khoản thỏa thuận vay có rõ ràng hay không? Hãy lưu ý rằng các app lừa đảo sẽ cung cấp cho bạn các điều khoản tương tự hợp đồng nhưng dài đến cả trăm trang với nhiều điều khoản chồng chéo về quyền lợi và nghĩa vụ, tạo sự nhầm lẫn và rối rắm khiến người đọc không nắm bắt được ý nghĩa thực sự của hợp đồng. Đặc biệt lưu ý phần mục chữ ký, vì là cá nhân bình thường nên sẽ không có chữ ký điện tử, nếu app vay tiền yêu cầu bạn cung cấp chữ ký điện tử. Bên cạnh đó, yêu cầu nộp tiền vào một tài khoản nào đó thì khả năng cao là lừa đảo.
- Lãi suất có cao hay không và có rõ ràng hay không? Nhiều người vì muốn được vay nhanh với thủ tục đơn giản nên sẵn sàng chấp nhận với mức lãi suất cao hơn so với các ngân hàng nên không lưu tâm đến phần lãi suất. Cần tìm hiểu kỹ về quy trình, thời hạn và cách thức tính lãi suất để tránh tình trạng lãi quá cao hoặc lãi được cộng dồn, trả mãi không hết lãi. Lãi suất thường trên nguyên tắc sẽ là phải cao hơn lãi suất của Ngân hàng cho vay tín chấp, nếu thấp hơn là có vấn đề.
Căn cứ Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 về Lãi suất:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
4. Cách xử lý khi bị khủng bố do vay tiền qua app lừa đảo
4.1. Các hình thức khủng bố khi vay tiền qua app lừa đảo
Các app cho vay lừa đảo thường sẽ đưa ra mức lãi suất cao hoặc tính lãi chồng lãi dẫn đến người vay không thể trả được tiền. Cũng có trường hợp các app này yêu cầu người vay cung cấp ảnh, giấy tờ pháp lý cá nhân để lừa đảo lấy thông tin cá nhân hoặc chiếm đoạt tiền của người vay bằng hình thức yêu cầu gửi tiền chứng minh thu nhập…
Để thực hiện những thủ đoạn trên, các app lừa đảo thường sẽ có các hành vi khủng bố người vay tiền như: gọi điện nhắc nợ liên tục bất kể thời gian; dùng lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm người vay; cắt ghép hình ảnh của người vay đăng lên mạng xã hội; in tờ rơi rải khắp nơi cư trú của người vay… Mục đích của hành vi khủng bố này là để khiến cho người vay phiền, không làm được các công việc khác từ đó tạo áp lực để người vay phải thanh toán khoản nợ. Nhiều người vì không chịu được nên đã bán tài sản để trả nợ nhưng khi trả rồi vẫn tiếp tục bị làm phiền để đòi trả thêm các khoản lãi khác, còn một số người thì chấp nhận bỏ sim điện thoại đang dùng.
4.2. Cách xử lý khi bị khủng bố do vay tiền qua app lừa đảo
Thứ nhất, Trình báo đến cơ quan có thẩm quyền.
Khi không may trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo vay tiền qua app hoặc khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo thì cần trình báo đến cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.
Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm gồm: Cơ quan điều tra; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Viện kiểm sát các cấp; Các cơ quan, tổ chức khác quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 như: Công an xã, phường, thị trấn, ; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
Khi trình báo người vay tiền cầu chuẩn bị các bằng chứng, chứng cứ từ giấy tờ, tài liệu cho đến bản ghi âm, tin nhắn trao đổi về nội dung vay tiền và chứng cứ thủ đoạn khủng bố của các app vay tiền.
Khi đã có các bằng chứng, chứng cứ trong tay, nếu người vay tiền muốn trình báo cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ tố giác tội phạm như: Đơn tố cáo lừa đảo vay tiền qua app; Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân; Các tài liệu, giấy tờ, chứng cứ liên quan đến hành vi lừa đảo qua app vay tiền.
Lưu ý: Cần thu thập đủ chứng cứ cụ thể để chứng minh hành vi lừa đảo vay tiền qua app. Ví dụ như tên, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân người gọi, người lừa đảo hoặc khủng bố địa chỉ công ty, tài khoản facebook khủng bố…
Bước 2: Nộp toàn bộ hồ sơ, giấy tờ đã chuẩn bị như đã nêu ở trên đến cơ quan có thẩm quyền. Có thể gửi trực tiếp tại trụ sở cơ quan chức năng hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi qua hộp thư điện tử.
Sau khi nhận được tin tố giác, cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận và lấy lời khai của người vay tiền. Sau đó, có quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xác minh vụ việc xem có dấu hiệu của tội phạm hay không để có căn cứ quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án đó.
Nếu có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ khởi tố hoặc kiến nghị khởi tố trong phạm vi quyền hạn, thẩm quyền của mình. Một số tội liên quan đến vay tiền qua app:
- Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự:
Căn cứ Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự:
“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
- Tội lạm nhục người khác.
Căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội làm nhục người khác: Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Tội vu khống.
Căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội vu khống: Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài việc làm đơn trình bào trực tiếp, người vay còn có thể trình báo qua các số hotline của các cơ quan có thẩm quyền như: Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Phòng An ninh điều tra…
Từ ngày 1/11, tổng đài 156 xử lý cuộc tin nhắn, gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo sẽ chính thức được kích hoạt và có thể nhận phản ánh của người dân để tổng hợp, xử lý.
Thứ hai, Liên hệ đến Ngân hàng.
Nếu có liên quan đến việc chuyển tiền vào tài khoản thì phải nhanh chóng liên hệ Ngân hàng có liên quan để kịp thời giải quyết. Mẫu đơn cầu cứu có thể tham khảo qua bài viết này: https://htlegalvn.com/mau-don-keu-cuu-ngan-hang-ap-dung-trong-truong-hop-bi-lua-dao-khi-vay-tien-qua-app-hoac-chuyen-nham-tien-cong-ty-luat-tai-quan-binh-thanh-tan-binh-tp-ho-chi-minh-1017.html.
Trên đây là một số thông tin về hình thức vay tiền qua app vay tiền của Công ty Luật HT Legal VN. Để được tư vấn thêm các vấn đề pháp lý liên quan, xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040