(PLO)- 90,27% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Chiều 17-6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) với 446/458 (92,34%) đại biểu tán thành.
Trong khi đó, có tám đại biểu không tán thành thông qua dự luật này và bốn đại biểu không biểu quyết.
92,34% ĐBQH tán thành thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Ảnh: ĐỨC MINH
Đáng chú ý, dự án Luật vừa được thông qua đã bổ sung kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Khi biểu quyết riêng về quy định này, có 436/456 đại biểu (90,27%) tham gia biểu quyết tán thành quy định; 13 đại biểu không tán thành và bảy đại biểu không biểu quyết.
13 ĐBQH không tán thành việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Ảnh: ĐỨC MINH
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay khi thảo luận, đa số ý kiến đề nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Một số ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên là kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và xin tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại điểm h khoản 1 Điều 6”- ông Thanh nói.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021
Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I khai thác có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục III của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
g) Kinh doanh pháo nổ;
h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.