BÀN VỀ VẤN ĐỀ LÃI SUẤT TRONG HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015

06/07/2020 - 1918 lượt xem

Bản chất hợp đồng tín dụng là sự thỏa thuận giữa một bên là tổ chức tín dụng (bên cho vay) và bên còn lại là khách hàng vay (bên đi vay), theo đó tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn. Như vậy, hợp đồng tín dụng (HĐTD) chính là hợp đồng vay tài sản mà đối tượng vay ở đây là một lượng tiền nhất định.

Lãi suất là nội dung quan trọng trong hợp đồng vay tài sản có lãi. Điều 468 BLDS năm 2015 là sự đột phá mới của các nhà làm luật khi thay đổi toàn bộ các nội dung liên quan đến lãi suất trong hợp đồng vay mà Điều 476 BLDS năm 2005 quy định. Sự thay đổi này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đời sống và đặc trưng của quan hệ pháp luật dân sự.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về trả lãi và thống nhất về mức lãi: BLDS năm 2015 tôn trọng quyền tự định đoạt về lãi suất của các bên trong hợp đồng vay. Vì thế khoản 1 Điều 468 BLDS 2015 quy định các bên có quyền thỏa thuận về lãi suất cho vay. Tuy nhiên, lãi suất cho vay có tác động rất lớn tới sự ổn định và thực hiện các mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế của một quốc gia vì thế nhà làm luật cũng quy định mức lãi suất tối đa mà các bên có thể thỏa thuận. Khi hai bên thỏa thuận về mức lãi thì mức lãi này không được vượt quá theo quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005 quy định: “ Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Hạn chế của quy định này chính là việc sử dụng lãi suất cơ bản của NHNN để làm lãi suất trung gian nhằm xác định mức lãi suất cho vay vượt quá hay không vượt quá. Như chúng ta biết, việc xác định lãi suất trung gian này không đơn giản, thậm chí là một việc rất khó thực hiện đối với người vay ở vùng nông thôn, miền núi. Do đó, quy định như BLDS năm 2005 thì BLDS không phải của dân nữa ( vì đa phần không hiểu và không có điều kiện để áp dụng) mà chỉ của một số ít người có am hiểu về thị trường cho vay.

Bộ luật Dân sự năm 2015 không sử dụng lãi suất cơ bản do NHNN công bố làm lãi suất tham chiếu. Thay vì sử dụng lãi suất cơ bản do NHNN công bố làm lãi suất tham chiếu khi xác định trần lãi suất cho vay cũng như xác định các lãi suất liên quan đến các trách nhiệm dân sự khác như: lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (Điều 357); lãi suất áp dụng trong trường hợp bên mua hàng đã trả tiền nhưng chưa nhận vật do giao không đồng bộ (Điều 438), Bộ luật Dân sự 2015 quy định mức trần lãi suất cho vay cụ thể ở mức 20%/năm tại khoản 1 Điều 468 và sử dụng mức lãi suất này làm lãi suất tham chiếu để xác định các lãi suất khác có liên quan. Quy định này cho phép các bên trong hợp đồng vay, ngay tại thời điểm vay có thể biết được mức lãi suất cao nhất theo quy định của BLDS năm 2015 là bao nhiêu để không vượt quá khi thỏa thuận.

BLDS năm 2015 cho phép các bên trong hợp đồng vay không phải áp dụng mức lãi suất nói trên nếu có những văn bản pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Tuy nhiên để tránh tùy tiện của các cơ quan liên quan có thẩm quyền ban hành văn bản dưới luật cũng quy định và lãi suất mà lãi suất này không đảm bảo quyền lợi của bên vay, khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 quy định trường hợp loại trừ phải do luật quy định chứ không phải văn bản dưới luật qui định.

Đồng thời, để đảm bảo có thể thay đổi mức lãi suất tham chiếu linh hoạt khi điều kiện thị trường có sự biến động, Điều 468 Bộ luật Dân sự cũng quy định cơ chế để điều chỉnh lãi suất này, cụ thể: "Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".

Việc quy định cụ thể mức lãi suất tại Bộ luật Dân sự tạo sự rõ ràng, minh bạch, dễ tiếp cận và giúp cho các bên tham gia quan hệ dân sự có thể biết được ngay mức trần lãi suất cho vay để điều chỉnh hành vi của mình, cũng như giúp các cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp có thể xác định dễ dàng mức lãi suất cho vay các bên thỏa thuận có vi phạm pháp luật hay không, nếu vi phạm thì mức lãi suất cần áp dụng là bao nhiêu. Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20% trong "trường hợp luật khác có liên quan quy định khác". Theo quy định tại Điều 12 Luật NHNN và khoản 2, 3 Điều 91 Luật các TCTD, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Chỉ trong điều kiện đặc biệt cần có sự can thiệp của Nhà nước, NHNN mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa TCTD và khách hàng, cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng của TCTD với khách hàng. Như vậy, Bộ luật Dân sự đã loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20%/năm đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều 468 BLDS cũng quy định cụ thể việc xử lý trong trường hợp các bên thỏa thuận về lãi suất vay vượt trần lãi suất quy định: "Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực".

Về lãi suất áp dụng trong trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ (lãi suất nợ quá hạn), Khoản 4 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể, rõ ràng về lãi suất phạt quá hạn áp dụng trong trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ: "Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:  Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác."

Quy định này làm rõ cơ chế, cách xác định lãi suất nợ quá hạn, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong việc xác định lãi suất quá hạn, phù hợp với nguyên tắc và bản chất của quan hệ dân sự, đồng thời, khắc phục bất cập tại BLDS 2005 còn nhiều cách hiểu không thống nhất khi tính lãi suất phạt quá hạn.

Tuy nhiên, mức trần lãi suất có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, đã ít nhiều gây băn khoăn cho giới ngân hàng, vì họ không biết việc thỏa thuận lãi suất có còn được linh hoạt như thời kỳ áp dụng lãi suất cơ bản hay không. Việc áp dụng lãi suất trần này như thế nào vẫn còn phải chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể mới có thể có kết luận, nhưng các hoạt động cho vay của ngân hàng, công ty tài chính có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi quy định này. Theo tác giả, vẫn kỳ vọng vào sự linh hoạt vì quy định mới này vẫn đưa ra loại trừ là “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.” Trước đây, trong Bộ Luật Dân sự 2005 có quy định lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Tuy nhiên, trên thực tế các ngân hàng không áp dụng quy định này mà theo quy định riêng của ngành ngân hàng dưới dạng các thông tư hướng dẫn, tức theo thỏa thuận riêng giữa ngân hàng và khách hàng. Theo Luật Các tổ chức tín dụng trong Điều 91 có quy định, tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế các định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, khi có phát sinh tranh chấp giữa ngân hàng và khách hàng đi vay, có trường hợp tòa án vẫn ra quyết định không đồng ý với mức lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, mà áp dụng mức lãi suất không quá 150% của lãi suất cơ bản như quy định trong Bộ Luật Dân sự. Do đó, cần có những quy định cụ thể về lãi suất cho các đối tượng vay khác nhau dựa trên mức trần lãi suất tham chiếu là 20% để điều chỉnh cho hợp lý giữa Bộ luật dân sự và Luật có liên quan. Đề xuất cần sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan như Luật Ngân hàng nhà nước năm 2010, Luật các tổ chức tín dụng 2010, quy chế cho vay của Ngân hàng nhà nước theo quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN theo hướng tương thích với Bộ luật dân sự năm 2015. 

Về khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng do chậm trả lãi: Hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn thống nhất về vấn đề này gây lúng túng cho các cấp Tòa án khi giải quyết. Bộ luật dân sự 2015 mới ban hành cũng không có quy định cụ thể về phạt vi phạm hợp đồng do chậm trả lãi mà chỉ có quy định về tính lãi quá hạn. Thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng tín dụng ngoài khoản tiền lãi suất quá hạn là hiện tượng lãi chồng lãi. Hiện nay, Tòa án các cấp khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến vấn đề phạt chậm trả thường áp dụng theo quy định của BLDS, Luật các tổ chức tín dụng, công văn số 1335/NHNN-CSTT ngày 22/02/2010 của Ngân hàng Nhà nước để giải quyết theo hướng không chấp nhận yêu cầu phạt chậm trả của TCTD. Thực tế, có Tòa án thì chấp nhận theo sự thỏa thuận của ngân hàng có Tòa án thì không chấp nhận về khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng.

Do đó, để áp dụng thống nhất về vấn đề này cần có thông tư liên tịch hướng dẫn hoặc lựa chọn bản án giám đốc thẩm làm án lệ về giải quyết yêu cầu phạt chậm trả trong hợp đồng tín dụng theo hướng không chấp nhận khoản tiền phạt chậm trả lãi của ngân hàng đối với khách hàng vay.

Hồ Thị Khuyên - KTV Phòng 10 VKSNDTP Hà Nội
Theo http://vkshanoi.gov.vn/chi-tiet-tin/ban-ve-van-de-lai-suat-trong-hop-dong-tin-dung-theo-bo-luat-dan-su-nam-2015-6889.html