BÊN THẾ CHẤP CẦN LƯU Ý GÌ ĐỐI VỚI VĂN BẢN THÔNG BÁO THU HỒI/YÊU CẦU BÀN GIAO TÀI SẢN BẢO ĐẢM (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

15/03/2024 - 1157 lượt xem

Đối với trường hợp phát sinh tranh chấp hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng thế chấp thì Ngân hàng sẽ kích hoạt quá trình xử lý, thu hồi nợ, trong đó hoạt động đầu tiên Ngân hàng thường sẽ gửi Văn bản thông báo thu hồi và/hoặc yêu cầu bàn giao tài sản bảo đảm. Vậy, bên vay và bên thế chấp cần lưu ý những vấn đề gì khi nhận được các văn bản này?

BÊN THẾ CHẤP TÀI SẢN CẦN LƯU Ý GÌ ĐỐI VỚI

VĂN BẢN THÔNG BÁO THU HỒI/YÊU CẦU BÀN GIAO TÀI SẢN BẢO ĐẢM

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM) 

 

Thông thường trong quan hệ tín dụng với Ngân hàng, tổ chức, cá nhân khi muốn vay vốn phải có tài sản bảo đảm thế chấp cho khoản vay của mình tại Ngân hàng, nhằm tạo sự an toàn cho hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, vừa để đảm bảo, "làm tin" cho khả năng trả nợ và các rủi ro nếu phát sinh việc mất khả năng thanh toán nợ.

Đối với trường hợp phát sinh tranh chấp hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng thế chấp thì Ngân hàng sẽ kích hoạt quá trình xử lý, thu hồi nợ, trong đó hoạt động đầu tiên Ngân hàng thường sẽ gửi Văn bản thông báo thu hồi và/hoặc yêu cầu bàn giao tài sản bảo đảm. Vậy, bên vay và bên thế chấp cần lưu ý những vấn đề gì khi nhận được các văn bản này?

Bài viết sau đây, Luật sư chuyên bảo vệ bên thế chấp, bên vay của Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ với Bên thế chấp, Bên vay các vấn đề sau:

- Những nội dung chính bên thế chấp, bên vay cần lưu ý trong một thông báo yêu cầu bàn giao tài sản bảo đảm?

- Bên thế chấp, bên vay cần tham vấn Luật sư điều gì trước khi ký nhận hoặc văn bản liên quan đến các văn bản yêu cầu bàn giao tài sản?

I. Căn cứ pháp lý

- Bộ luật Dân sự 2015 số 91/2015/QH13;

- Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017

Lưu ý: Hiện tại, Luật tổ chức tín dụng 2024 đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

II. Nội dung

1. Những nội dung chính bên thế chấp, bên vay cần lưu ý trong một thông báo yêu cầu bàn giao tài sản bảo đảm?

- Các căn cứ để Ngân hàng ra thông báo yêu cầu bàn giao tài sản bảo đảm

Bên thế chấp, bên vay cần lưu ý Ngân hàng dựa vào những căn cứ gì đã nêu trong văn bản để ra thông báo yêu cầu bàn giao TSBĐ, nội dung này thường nằm phía trên cùng của văn bản gồm: Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp tài sản, quy định xử lý nợ của Ngân hàng,…

Đây là những căn cứ quan trọng mà chúng ta không nên bỏ qua, phải kiểm tra xem đây có đúng là các loại hợp đồng mình đã giao kết tránh trường hợp có sai sót, nhầm lẫn từ phía Ngân hàng hoặc những lỗi cố ý khác của bên đối lập.

Ngoài ra, khi ra thông báo yêu cầu bàn giao tài sản, bên thế chấp, bên vay cũng cần kiểm tra xem Ngân hàng đã hoàn thành các nghĩa vụ thông báo nhắc nợ, thông báo làm việc về nghĩa vụ của bên vay, bên thế chấp đúng thời hạn như trong thoả thuận chưa. Trường hợp Ngân hàng chưa thông báo, chưa hoàn thành nghĩa vụ mà đã yêu yêu bên thế chấp giao tài sản bảo đảm ngay có thể xem là Ngân hàng đang vi phạm hợp đồng.

 

- Bên thứ ba được uỷ quyền thu hồi nợ

Nhiều trường hợp các Ngân hàng sẽ không trực tiếp xử lý việc thu hồi nợ mà tiến hành uỷ thác cho bên thứ ba. Khi đó, bên thế chấp, bên vay cần kiểm tra lại có thỏa thuận này với Ngân hàng không, phải xem xét bên thứ ba có chức năng xử lý thu hồi nợ hay không? Sự uỷ quyền từ Ngân hàng liên quan đến quá trình xử lý tài sản bảo đảm có đảm bảo pháp luật chưa? đồng thời xem phạm vi uỷ quyền đến đâu để tránh việc bên thứ ba thực hiện việc thu hồi vượt quá phạm vi được uỷ quyền.

Trong bất kỳ trường hợp nào, bên thế chấp, bên vay nhận thấy Ngân hàng làm trái quy tắc, thỏa thuận hoặc đang xâm phạm quyền, lợi ích của mình thì hoàn toàn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với Ngân hàng và cả bên thứ ba.

 

- Nội dung chính của thông báo: Ngân hàng hoặc bên thứ ba (sau khi được uỷ thác) tiến hành thông báo với các nội dung sau:

1) Nguyên nhân dẫn đến việc yêu cầu bàn giao tài sản bảo đảm:

Bên thế chấp cần kiểm tra các nguyên nhân được nêu trong văn bản, kiểm tra tính chính xác về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ của mình, tránh trường hợp đã hoàn thành/hoàn thành một phần nghĩa vụ thanh toán nợ mà ngân hàng vẫn ra thông báo yêu cầu bàn giao tài sản do sai sót, nhầm lẫn.

2) Các loại tài sản bảo đảm được yêu cầu bàn giao:

Phần này khá quan trọng với những loại tài sản có giá trị lớn như bất động sản, tài sản được yêu cầu bàn giao không chỉ gồm tài sản hữu hình mà còn các loại tài sản vô hình phát sinh từ nó ví dụ như:

+ Quyền tài sản, quyền đòi nợ, quyền thụ hưởng bảo hiểm, quyền nhận các khoản bên vay phải thu, khoản phí, phạt, bồi thường, đền bù, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản bảo đảm;

+ Quyền được nhận bàn giao bất động sản từ chủ đầu tư/bên bán, Quyền nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ chủ đầu tư/bên bán/cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Phần giá trị tăng thêm do bên thế chấp/bất kỳ bên thứ ba nào khác đầu tư vào tài sản thế chấp có trước, trong và sau thời điểm thế chấp mà chưa được ghi nhận trong hợp đồng, hoặc bất kỳ tài sản nào khác đi liền hoặc không đi liền theo Bất động sản cho dù đã hình thành hay hình thành trong tương lai, miễn là nằm trên, thuộc, đi kèm Bất động sản…

Thông thường phần này có thể dài, phức tạp, gây khó hiểu vì chứa những thuật ngữ mang tính chuyên môn, vậy nên bên thế chấp, bên vay cần đọc kỹ từng loại tài sản được liệt kê, xem xét các yêu cầu từ Ngân hàng có hợp lý và đúng với thoả thuận trong hợp đồng vay, hợp đồng thế chấp mà các bên đã thoả thuận trước đó hay không?

Mặt khác, không phải lúc nào Ngân hàng và nhân viên của họ cũng hiểu đúng và đủ các thoả thuận được nêu trong các hợp đồng trên. Do đó, việc kịp thời phát hiện những sai sót nếu có, giúp bên thế chấp, bên vay thông báo yêu cầu Ngân hàng tuân thủ hợp đồng đã thoả thuận, điều chỉnh lại việc yêu cầu bàn giao, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho bên thế chấp, bên vay.

3) Thời hạn bàn giao và địa điểm bàn giao tài sản thế chấp:

Sau khi đã kiểm tra sự chính xác của các thông tin trên, bên thế chấp, bên vay cần lưu ý thời hạn bàn giao và địa điểm bàn giao nêu trong thông báo có đúng thỏa thuận và đã hợp lý chưa.

Trường hợp thời hạn và địa điểm bất hợp lý, phát sinh chi phí không đáng có thì phải yêu cầu Ngân hàng điều chỉnh hoặc dừng thực hiện vì ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

 

2. Tại sao Bên thế chấp, bên vay cần tham vấn Luật sư trước khi ký hoặc xử lý các vấn đề liên quan đến yêu cầu bàn giao tài sản bảo đảm?

Bên thế chấp, bên vay khi đã xem xét toàn bộ hồ sơ, nội dung thông báo yêu cầu bàn giao tài sản thì phải lưu ý có hành động để giải quyết đối trọng với Ngân hàng nếu nhận thấy họ làm không đúng hoặc rõ ràng đang xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc phản hồi ngay lập tức hoặc phản hồi bằng việc khiếu kiện là điều nên làm và nó ảnh hưởng trực tiếp và ngay tức khắc đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên vay, bên thế chấp.

Tất nhiên, việc phản hồi hoặc phản đối phù hợp quy định pháp luật, hợp lý và trong phạm vi quyền, lợi ích của mình được pháp luật bảo vệ sẽ hoàn toàn khác các hành vi gây rối trật tự, cố ý thực hiện các hành vi sai trái hoặc quá mức cần thiết thì nhất định phải tránh.

Quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, xử lý tài sản bảo đảm nếu biết kết hợp giữa kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và giải pháp pháp lý, tài chính phù hợp thì mới tạo được thế cân bằng và theo đó thì quyền và lợi ích của bên vay, bên thế chấp được được đảm bảo tối đa nhất.

Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, thực tế, không phải lúc nào bên thế chấp, bên vay cũng có thể hiểu hết được các điều khoản trong một hợp đồng thế chấp, thông báo thu hồi tài sản bảo đảm (đặc biệt khi tài sản bảo đảm có giá trị lớn và các quyền phát sinh từ tài sản đó) vì thông thường, các loại hợp đồng này khá khó hiểu, dài dòng và đôi khi bên thế chấp cũng không thể nắm được hết các điều khoản trong đó, dẫn đến việc hiểu nhầm, hiểu sai và có thể gây ra những thiệt hại không đáng có về phía họ.

Do đó, bên thế chấp cần tham khảo ý kiến các chuyên gia như luật sư để nắm rõ các thông tin cần lưu ý và có phương án pháp lý hữu hiệu nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của mình.

Công ty Luật TNHH HT Legal VNCông ty Luật chuyên bảo vệ bên vay, bên thế chấp Ngân hàng, có thế mạnh về lĩnh vực tư vấn này. Với năng lực, kinh nghiệm của Luật sư HT Legal VN, chúng tôi cung cấp các giải pháp pháp lý sau:

- Xem xét, đánh giá toàn bộ hồ sơ, tài liệu (từ hợp đồng vay vốn, hợp đồng thế chấp đến thông báo yêu cầu bàn giao tài sản…) từ đó phân tích điểm mạnh, yếu của khách hàng, đưa ra giải pháp phù hợp, tiết kiệm tối đa các chi phí có thể phát sinh cho khách hàng

- Xác định hướng giải quyết cho khách hàng dựa trên các quy định pháp luật có liên quan, những biện pháp, giải pháp mà khách hàng cần thực hiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng

- Hướng dẫn và chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ hợp pháp có lợi cho khách hàng

- Cùng hoặc đại diện khách hàng làm việc với bên bên cho vay, Ngân hàng và các bên có liên quan để giải quyết công việc cho khách hàng.

- Đại diện khách hàng thương lượng với bên vay/Ngân hàng trong trường hợp có sai sót từ phía Ngân hàng hoặc có sự hiểu không thống nhất của hai bên.

Với sự chuyên nghiệp của mình, bên cạnh giải pháp pháp lý thì giải pháp tài chính và giải pháp quản trị rủi ro của Luật sư HT Legal VN sẽ góp phần xử lý vấn đề hợp lý và hiệu quả nhất.

Trên đây là nội dung pháp lý về: "BÊN THẾ CHẤP TÀI SẢN CẦN LƯU Ý GÌ ĐỐI VỚI VĂN BẢN THÔNG BÁO THU HỒI/YÊU CẦU BÀN GIAO TÀI SẢN BẢO ĐẢM"

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Công ty Luật TNHH HT Legal VN.

 

Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ: 

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc Công ty Luật TNHH HT Legal VN:

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, Phường 22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

(Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, Phường 15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115 phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 0961614040 - 0922224040 - 0945174040

Thụy Du
Theo HT Legal VN