GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TÀI SẢN CHUNG CỦA DÒNG HỌ (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN TÂN BÌNH, BÌNH THẠNH)

03/10/2022 - 1534 lượt xem

Song song với sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, thị trường bất động sản biến động lớn, giá trị tranh chấp cao thì tranh chấp về tài sản chung của dòng họ, nhất là nhà thờ họ cũng tăng lên. Từ đó, những vướng mắc lớn nhất trong thực tiễn giải quyết vụ án liên quan đến tài sản của dòng họ chính là xác định địa vị pháp lý của dòng họ. Dòng họ có phải là là một chủ thể hay không?. Dù xác định dòng họ là một chủ thể hay không phải một chủ thể thì những thành viên khác của dòng họ có quyền lợi, nghĩa vụ như thế nào liên quan đến tài sản..v..Ngoài ra, số lượng đương sự trong vụ án liên quan đến dòng họ là rất nhiều người, ở rất nhiều nơi, tài sản của dòng họ liên quan đến tình cảm, tâm linh, truyền thống nên Luật sư khi tham gia giải quyết những vụ án liên quan đến dòng họ phải cực kỳ khéo léo và hiểu biết thực tiễn để tư vấn kịp thời tránh việc bị trả lại đơn khởi kiện hay bị đình chỉ việc giải quyết do không thể xác định được đương sự hoặc không xác định được địa chỉ là những thành viên trong dòng họ.

Thế nào là tài sản chung dòng họ:

Tại khoản 1, 2 của Điều 211 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Sở hữu chung của cộng đồng như sau:

1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu chung của dòng họ, thôn, ấp, bản. làng, buôn…

2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng…”.

Như vậy, tài sản chung của dòng họ là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng và các thành viên trong dòng họ cùng nhau quản lý, sử dụng, ví dụ: Quyền sử dụng đất, từ đường, nhà thờ họ, đồ vật dùng vào việc thờ cúng, tài sản khác được hình thành theo tập quán hoặc những động sản, bất động sản khác do các thành viên của dòng họ đóng góp, quyên góp nhằm mục đích phục vụ cho các thành viên dòng họ…

Câu hỏi đặt ra là tài sản chung của dòng họ có thể chia được hay không?. Như đã phân tích ở trên, tài sản chung của dòng họ gồm rất nhiều loại, hầu hết là không chia được như nhà thờ họ, đồ vật dùng vào việc thờ cúng là được xem là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất không chia được. Tuy nhiên, cũng có một số tài sản vẫn chia được như nhà cửa, các công trình phụ một số người trong dòng họ bỏ tiền cá nhân xây dựng để phục vụ trong quá trình sinh hoạt của người trông coi, những người sinh hoạt gần nhà thờ, công trình do người quản lý nhà thờ xây dựng phục vụ sinh hoạt cá nhân hoặc một số người trong họ…ví dụ: Sân cầu lông, nhà chòi uống trà, nhà ăn phục vụ cúng, giỗ hàng năm, hoặc hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung của dòng họ như hoa màu trồng trên tài sản chung dòng họ, tiền thuê đất, tiền thu phí tham quan… tùy trường hợp thì vẫn có thể chia được.

Dòng họ có phải là một chủ thể tham gia trong 01 vụ kiện không?  

Trên thực tế, hầu hết mọi người đều lầm tưởng dòng họ có tư cách độc lập trong giao dịch dân sự, người trưởng họ chính là đại diện theo pháp luật đại diện cho dòng họ thực hiện các giao dịch đối nội, đối ngoại…nhưng theo quy định của Pháp luật thì Dòng họ theo quy định của Bộ luật dân sự được xem là tổ chức khác có tư cách gần tương tự như hộ gia đình hay tổ hợp tác.   

Tại Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân:

1. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết. Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện.

2. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai.”.

Như vậy, Dòng họ là một tổ chức không có tư cách pháp nhân. Do đó, theo quy định nêu trên thì dòng họ không có tư cách chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự mà chính các thành viên của dòng họ mới là chủ thể của quan hệ dân sự. Và không phải trưởng họ hay trưởng tộc là người đại diện cho dòng họ tham gia tố tụ mà các thành viên trong dòng họ đều có khả năng trở thành đương sự trong vụ án tranh chấp liên quan đến tài sản của dòng họ.

Tư cách tham gia tố tụng của thành viên của Dòng họ:

Dòng họ gồm những người cùng họ và có quan hệ huyết thống, thông thường là những người được ghi trong gia phả. Tuy nhiên, có dòng họ được xác định chỉ gồm những người cùng huyết thống là nam giới (suất đinh); có dòng họ xác định gồm những người cùng họ có quan hệ huyết thống không phân biệt nam nữ;  Có dòng họ còn bao gồm chồng hoặc vợ của những người cùng họ .v….Vậy làm thế nào để xác định thành viên dòng họ?

Tại Điều 2 của Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP ngày 05/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: “Thành viên dòng họ là cá nhân trong dòng họ được xác định theo tập quán phổ biến, được thừa nhận nơi dòng họ tồn tại. Các bên tranh chấp có trách nhiệm cung cấp họ, tên, địa chỉ của thành viên dòng họ.

Tại Điều 3 của Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP ngày 05/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về áp dụng một số quy định pháp luật trong giải quyết tranh chấp tài sản chung dòng họ quy định như sau:

1. Thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

2. Dòng họ không phải là nguyên đơn. Tập thể (ví dụ: chi họ, nhánh họ, hội đồng gia tộc...) không có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ.

Như vậy, khi có một vụ kiên liên quan đến tài sản chung của dòng họ thì Dòng họ có thể cử ra bất kỳ thành viên nào tham gia để bảo vệ lợi ích của dòng họ, không nhất thiết phải là trưởng họ. Thành viên của dòng họ có thể là nguyên đơn, bị đơn hoặc là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tại Điều 4 của Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP ngày 05/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định:

- Nguyên đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.

Ví dụ: Dòng họ A và ông Nguyễn Văn B có tranh chấp về quyền sử dụng đất và nhà thờ tại thôn X, xã Y, huyện Z. Trường hợp, Dòng họ A muốn khởi kiện thì có thể cử một thành viên trong dòng họ là anh K để làm đơn khởi kiện và là nguyên đơn vụ án (anh K có thể là trưởng họ hoặc thành viên có hiểu biết pháp luật hoặc một người bất kỳ trong họ cho rằng mình phải khởi kiện để bảo vệ lợi ích dòng họ).

- Bị đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người bị kiện. Bị đơn có thể là thành viên dòng họ hoặc người không phải là thành viên dòng họ nhưng có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản chung của dòng họ.

Ví dụ: Dòng họ A và ông Nguyễn Văn B có tranh chấp về quyền sử dụng đất và nhà thờ tại thôn X, xã Y, huyện Z. Bị đơn có thể là ông Nguyễn Văn B, trường hợp ông B khởi kiện thì bị đơn có thể là ông N (không phải là thành viêen dòng họ, nhưng có quyền lợi hay nghĩa vụ liên quan  đến tài sản chung dòng họ) hay ông K (thành viên dòng họ) nào đó là người bị ông B kiện.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm thành viên khác của dòng họ và người không phải là thành viên dòng họ. Thành viên khác của dòng họ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu được đương sự đề nghị và Tòa án chấp nhận trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Ví dụ: Dòng họ A và ông Nguyễn Văn B có tranh chấp về quyền sử dụng đất và nhà thờ tại thôn X, xã Y, huyện Z. Anh M là thành viên dòng họ, nhận thấy mình có liên quan đến vụ kiện có thể đề nghị tham gia, cung cấp địa chỉ để đựơc Tòa chấp nhận cho tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Như vậy, trong một dòng họ số lượng thành viên rất đông, làm thế nào để xác định ai là người được quyền tham gia vụ án. Theo hướng dẫn của Nghị quyết thì những thành viên trong dòng họ nếu họ thấy mình cần phải tham gia để bảo vệ quyền và lợi ích của dòng họ hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp của chính họ thì thành viên khác của dòng họ có đơn đề nghị và Tòa án chấp nhận trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử có thể tham gia vụ án.

Những Thành viên được cử tham gia tố tụng phải cung cấp được địa chỉ của thành viên dòng họ thì Tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; trường hợp đương sự không cung cấp được địa chỉ của thành viên dòng họ thì Tòa án không đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Quyền, nghĩa vụ của thành viên dòng họ chưa tham gia tố tụng sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác khi có yêu cầu.

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com       Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

 

Thành An
Theo HT LEGAL VN