LUẬT SƯ BẢO VỆ BÊN VAY, BÊN THẾ CHẤP KHI BỊ NGÂN HÀNG ĐÒI PHÁT MẠI TÀI SẢN

15/02/2021 - 1699 lượt xem

1. Quyền của Người vay và Bên thế chấp khi bị Tổ chức tín dụng khởi kiện đòi phát mại tài sản thế chấp?

Khi bị Tổ chức tín dụng khởi kiện đòi phát mại tài sản thế chấp, đương sự có quyền tự bảo vệ mình hoặc thực hiện thủ tục nhờ Luật sư bảo vệ mình trước Tòa án có thẩm quyền.

Trước hết phải xem là quyền của Tổ chức tín dụng như thế nào? tại Điều 299 Bộ Luật dân sự 2015 quy định các trường hợp được xử lý tài sản bảo đảm như sau:

- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;

- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật;

- Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Vậy, Tổ chức tín dụng có quyền kiện đòi phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ nhưng điều kiện là cần đáp ứng 02 điều kiện:

- Các bên có thỏa thuận thế chấp tài sản;

- Xảy ra các trường hợp dẫn đến phải xử lý tài sản theo Điều 299 Bộ Luật dân sự 2015.

Theo quy định pháp luật, một khoản vay khi khách hàng không thanh toán nợ đúng hạn hoặc thanh toán không đầy đủ thì Tổ chức tín dụng chuyển khoản nợ đó thành nợ quá hạn, nợ xấu, khi đó sẽ phát sinh nghiệp vụ xử lý nợ, trong đó có biện pháp yêu cầu phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

2. Tổ chức tín dụng khởi kiện, thông thường yêu cầu khởi kiện sẽ bao gồm các vấn đề sau:

- Yêu cầu bên vay thanh toán ngay nợ gốc và lãi theo Hợp đồng tín dụng và Khế ước nhận nợ đã ký kết;

- Yêu cầu bên vay phải chịu thanh toán nợ lãi phát sinh theo quy định tại Hợp đồng tín dụng đã ký kết cho đến khi thanh toán hết nợ;

- Yêu cầu Tòa án chấp thuận rằng, trường hợp bên vay không thanh toán được nợ thì Tổ chức tín dụng được quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án phát mại tài sản thế chấp để thu hồi toàn bộ khoản nợ gốc và lãi;

Ngoài ra, còn yêu cầu Tòa án tuyên nghĩa vụ liên đới trả nợ nếu bên vay và bên bảo đảm không thanh toán đầy đủ khoản nợ theo phán quyết của Tòa án.

3. Vai trò của Luật sư?

Luật sư có vai trò trong việc xem xét quá trình ký kết hợp đồng tín dụng, thế chấp và cả quá trình cho vay đã đúng pháp luật chưa, có thiệt hại gì cho thân chủ không? việc chuyển nợ quá hạn của Tổ chức tín dụng đã đúng pháp luật chưa, quá trình xử lý nợ, giải quyết nợ quá hạn như thế nào?

Tổ chức tín dụng yêu cầu phát mại tài sản bảo đảm đã đúng chưa, các yêu cầu khởi kiện có hợp lý không?

Việc tính lãi, tính phí, xác định nghĩa vụ bảo đảm, nghĩa vụ trả nợ đúng chưa?

Từ có căn cứ vào quy định pháp luật, hồ sơ xử lý nợ và nghiệp vụ pháp lý để làm việc, thương lượng, giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích tối đa cho thân chủ.

Vai trò của Luật sư sẽ bao gồm các giai đoạn tiền tố tụng, trong tố tụng, thi hành án và cả hậu thi hành án.

4. Thủ tục yêu cầu Luật sư bảo vệ:

Quyền nhờ Luật sư bảo vệ của khách hàng là trong bất kỳ thời điểm nào, từ tiền tố tụng, thỏa thuận, cho đến đã phát sinh khởi kiện qua các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm, tái thẩm, giai đoạn thi hành án và hậu thi hành án.

Sau khi ký kết Hợp đồng dịch vụ pháp lý với công ty Luật, đương sự được cho ký đơn yêu cầu Luật sư, cần chú ý là khách hàng có quyền nhờ công ty Luật tham gia bảo vệ với tư cách đại diện theo ủy quyền (có giấy ủy quyền) hoặc nhờ cử Luật sư tham gia với tư cách Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Luật sư làm thủ tục đăng ký tham gia vụ việc với Tòa án theo quy định pháp luật.

Tòa án kiểm tra giấy tờ, xem xét các điều kiện để làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc với tư cách người đại diện theo ủy quyền đúng theo quy định pháp luật.

Tòa án vào sổ đăng ký và xác nhận vào giấy yêu cầu mời Luật sư của đương sự, trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị.

Các quyền hạn của luật sư để thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đương sự được quy định tại Điều 76 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như:

- Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng

- Được thu thập chứng cứ,

- Nghiên cứu hồ sơ vụ án,

- Được ghi chép sao chụp những tài liệu cần thiết trong hồ sơ vụ án,

- Tham gia phiên hòa giải, phiên họp, phiên tòa,

- Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác,

- Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ,…

Căn cứ hồ sơ khoản vay, hồ sơ xử lý nợ, hồ sơ thu giữ và các tài liệu thu thập được để Luật sư xem xét, phân tích, khai thác những điểm yếu và những sai phạm của phía Tổ chức tín dụng để làm căn cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ.

Hy vọng Quý khách hàng nhận được những nội dung tư vấn cần thiết cho vấn đề tranh chấp pháp lý của mình, cũng như đã xác định được hướng giải quyết đúng đắn và đừng đến Luật sư khi đã quá muộn.

Liên hệ HT Legal VN, Luật sư chuyên về Ngân hàng và xử lý nợ: 0961614040 – 0945174040

Bài viết thể hiện quan riêng của HT Legal VN

HT Legal VN