LUẬT SƯ TƯ VẤN CHO BÊN VAY, BÊN THẾ CHẤP MỘT SỐ LƯU Ý TRONG TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

21/10/2020 - 1267 lượt xem

Một số điểm bên vay vốn cần chú ý khi tranh chấp hợp đồng tín dụng?

Công ty Luật HT LEGAL VN phân tích vấn đề trong phạm vi khoản vay của khách hàng tại Ngân hàng, theo đó đứng ở góc độ bảo vệ bên vay vốn, trong một vụ tranh chấp Hợp đồng tín dụng thì bên vay vốn (thường là bị đơn) cần chú ý để tự bảo vệ mình:

1. Chú ý về mục đích vay:

Thông thường khách hàng vay vốn luôn mong muốn sử dụng tiền vay đúng mục đích nhưng tuỳ theo mỗi gói tín dụng, tuỳ theo quy định từng lãi suất để có điều kiện tương ứng. Theo đó với nhu cầu cần tiền vay, cố gắng vay cho được thì điều bất lợi cho chính người vay (mà nhìn bên ngoài tưởng như có lợi) là cán bộ tín dụng chính sẽ vẽ ra mục đích vay vốn trong trường hợp không đủ điều kiện nhận được gói vay đó và kèm theo điều kiện A – B – C, nên khi tranh chấp Hợp đồng tín dụng mà có bằng chứng về việc này thì người vay vốn có thể sử dụng như một lợi thế để gây áp lực và tố cáo việc hướng dẫn và làm sai trái của chính Ngân hàng, có thể yêu cầu bồi thường hoặc từ chối thanh toán nợ nếu đủ bằng chứng.

Tuy nhiên, thực tế để sử dụng vũ khí này không đơn giản vì về mặt tâm lý và lý lẻ mà nói người có lỗi không trả nợ chính là người vay và theo tâm lý thông thường thì Ngân hàng thường là đúng nên cần phải cân nhắc, cũng như nắm chắc hoàn cảnh và có quy trình áp dụng vũ khí này một cách logic, lúc đó yếu tố này mới trở nên có lợi cho quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Người vay vốn trước Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Thời hạn vay vốn:

Thời hạn vay vốn ngắn hạn, trung và dài hạn sẽ tuỳ theo nhu cầu khi vay vốn.

Nhưng vấn đề nói đến ở đây khi xảy ra tranh chấp Hợp đồng tín dụng là một số người vay vốn (Bị đơn) không căn cứ vào thời hạn vay để có phản ứng hay có phản tố đối với một số Ngân hàng khởi kiện khách hàng và yêu cầu tất toán nợ mặc dù Hợp đồng chưa đến hạn và Ngân hàng cũng chưa ra thông báo đơn phương yêu cầu trả nợ trước hạn.

Việc yêu cầu trả nợ trước hạn cũng phải có thời hạn thông báo là bao lâu, bắt đầu và chấm dứt thời điểm nào chứ không báo chung chung. Yếu tố này rất quan trọng để bên vay có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đặc biệt là không phải trả phí phạt trả nợ trước hạn (khoản phí này khá cao có thể lên tới trên 5% số tiền trả trước hạn) khi Ngân hàng đơn phương yêu cầu trả nợ trước hạn.

Ngoài ra khi vi phạm hoặc xét thấy xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bên vay vốn hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình.

3. Lãi suất - phí:

Quy định về lãi suất trong hạn trong Hợp đồng tín dụng cần đặc biệt chú ý, nó có 2 loại và lãi suất ban đầu và lãi suất điều chỉnh

+ Lãi suất ban đầu: thường quy định rõ trong Hợp đồng tín dụng hoặc Khế ước nhận nợ và là 1 con số cụ thể

+ Lãi suất điều chỉnh: tiếp sau lãi suất ban đầu và thường là một công thức tính (con số linh hoạt), cấu trúc nó gồm: 1 lãi suất (thường là theo lãi suất huy động của Ngân hàng tương ứng thời hạn nào đó) 

+ Biên độ (cụ thể là bao nhiêu % đó)

Việc chú ý quy định về lãi suất cực kỳ quan trọng trong tính toán tiền lãi phát sinh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình, cán bộ Ngân hàng không phải lúc nào tính toán cũng đúng, khi Ngân hàng tính sai thì người vay vốn hoàn toàn có cơ sở kiện ngược lại và yêu cầu bồi thường.

Ngoài ra còn chú ý lãi suất quá hạn quy định như thế nào? Hiện Bộ luật dân sự 2015 quy định lãi suất quá hạn không vượt quá 20% nên người vay vốn cần chú ý để bảo vệ mình.

Người vay vốn cũng cần có hiểu biết và nắm quy định phí phạt và phí khác trong Hợp đồng tín dụng để có đối sách cần thiết. Khi thắc mắc và phản đối cần có chứng từ bằng văn bản hoặc thông tin điện tử để làm cơ sở bảo vệ mình sau này.

4. Quy định chuyển nợ quá hạn và tính lãi quá hạn:

Như đã phân tích ở trên, hiểu biết về lãi suất – phí, về thời điểm chuyển nợ quá hạn là cực kỳ quan trọng nhưng quy định cụ thể của nó như thế nào cũng đặc biệt chú ý.

Khi đã thể chế bằng văn bản, bằng hợp đồng thì các bên cần tuân thủ, đặc biệt là các mốc thời gian, thời hạn hay địa điểm, địa chỉ thông báo. Nên nhớ Ngân hàng không phải lúc nào cũng đúng mà trái lại họ sai rất nhiều nên bên vay vốn cần chú ý bình tĩnh để bảo vệ mình.

Khi Ngân hàng làm sai thì họ sẽ phải trả giá về hành vi sai trái của mình

5. Quy định về biện pháp bảo đảm:

Thông thường quy định này của Ngân hàng rất chặt chẽ, người vay vốn cần trang bị cho mình kiến thức, hiểu biết về các biện pháp bảo đảm theo Bộ luật dân sự hiện hành.

Trong quy định này cần chú ý đến giá trị tài sản định giá, cơ sở định giá, phạm vi bảo đảm (so sánh với Hợp đồng thế chấp đã ký kết).

Và cần hiểu là pháp luật bảo vệ cho cả hai bên khi xét thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị bên kia xâm hại nên thế chấp/cầm cố … không có nghĩa là mất tài sản hay buộc phải bán với giá trị rẻ mạt, tuân thủ nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Nếu chứng minh được quá trình định giá, định giá lại hoặc hành vi khác trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm có dấu hiệu sai trái thì bên vay vốn hoàn toàn có quyền yêu cầu Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý phía Ngân hàng.

6. Điều khoản về giải quyết tranh chấp:

Thông thường thì Ngân hàng là Nguyên đơn và thường khởi kiện nơi Bị đơn (thường là người vay vốn) tại nơi cư trú.

Tuy nhiên, trường hợp ngược lại để chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người vay hoàn toàn có quyền khởi kiện Ngân hàng, vậy nên chú ý điều khoản này rất quan trọng để biết thoản thuận chọn Toà án nào ưu tiên để tránh mất chi phí nếu phải đi kiện nơi xa xôi.

Ngoài ra, cần chú ý nơi Ngân hàng có trụ sở chính/chi nhánh/phòng giao dịch liên quan để xác định thẩm quyền của Toà án khi khởi kiện cũng rất quan trọng và khi kiện cần thu thập đủ giấy tờ pháp lý để tránh mất thời gian lên xuống Toà án nhiều lần (do nộp thiếu hồ sơ).

Nên nhớ trong tranh chấp Hợp đồng tín dụng, Ngân hàng thường mạnh nhưng không phải lúc nào cũng đúng và không phải không có điểm yếu. Do đó, để có thể chuẩn bị đầy đủ chứng cứ, đưa ra phương án, hướng đi và cách thức thoả thuận hoặc tranh luận tiền tố tụng, trong tố tụng và cả giai đoạn thi hành án thì vai trò của Luật sư chuyên nghiệp như Công ty Luật HT Legal VN là hết sức quan trọng.

Rất hy vọng Quý khách hàng xác định được cho mình hướng giải quyết đúng đắn và đừng đến Luật sư khi đã quá muộn.

Bài viết thể hiện quan riêng của HT Legal VN

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 0961614040 - 0945174040

HT LEGAL VN