Nhượng quyền thương mại không còn xa lạ gì trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay, hình thức kinh doanh này vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu nhưng theo xu hướng kinh tế thế giới, chắc hẳn sẽ nhanh chóng nở rộ và là hình thức hấp dẫn thu lợi nhuận khủng của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhận biết tình hình thị trường, HT Legal VN xin chia sẻ bài viết dưới đây với góc nhìn pháp lý nhằm để Quý khách hàng tham khảo khi kinh doanh nhượng quyền thương mại.
I. Cơ sở pháp lý:
- Luật Thương mại năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019 (Sau đây gọi tắt là “Luật Thương mại 2005”)
- Luật Doanh nghiệp năm 2020
- Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 120/2011/NĐ-CP và Nghị định 08/2018/NĐ-CP (Sau đây gọi tắt là “Nghị định 35/2006/NĐ-CP”)
- Thông tư 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 04/2016/TT-BCT (Sau đây gọi tắt là “Thông tư 09/2006/TT-BTM”)
II. Nội dung:
Điều 284 Luật Thương mại 2005 quy định:
“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”
Thỏa thuận của các bên được xác lập bằng hợp đồng. Theo đó, để có thể đứng tên xác lập thỏa thuận liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại này, bên nhượng quyền cần đáp ứng điều kiện sau:
Khoản 4 Điều 287 Luật Thương mại 2005, Điều 5 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định bên nhượng quyền phải đáp ứng điều kiện:
1. Là thương nhân theo quy định pháp luật
Khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại 2005 quy định: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.”
Cho nên, bên nhượng quyền phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Tuy nhiên, bên nhượng quyền là hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh thì việc mở rộng địa điểm, góp vốn sẽ bị hạn chế vì hình thức chịu trách nhiệm là vô hạn, bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của doanh nghiệp.
2. Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm
Lưu ý là 01 năm là số năm hoạt động của hệ thống kinh doanh, không phải là số năm thành lập của doanh nghiệp/ hộ kinh doanh.
3. Hàng hoá, dịch vụ phải được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại
Điều 7 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định:
“1. Hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại là hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh.
2. Trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, Danh mục hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp Giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương hoặc có đủ điều kiện kinh doanh.”
4. Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền, ví dụ: nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo
Quý khách hàng có thể tham khảo thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại đây.
5. Báo cáo/đăng ký nhượng quyền thương mại với Sở Công thương
Điều 17a Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định:
“1. Các trường hợp sau không phải đăng ký nhượng quyền:
a) Nhượng quyền trong nước;
b) Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài.
Đối với các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền phải thực hiện chế độ báo cáo Sở Công Thương”
Tính đến nay, chưa có quy định hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo này nên Quý khách hàng tham khảo ý kiến Sở Công thương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để thực hiện đúng quy định pháp luật.
Theo điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định 35/2006/NĐ-CP, đối với các trường hợp:
- Bên nhượng quyền được thành lập và có địa chỉ trụ sở chính ở nước ngoài; hoặc
- Bên nhượng quyền thương mại có trụ sở chính tại khu chế xuất, khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì
Hoạt động nhượng quyền thương mại được xem là hoạt động nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam và thuộc trường hợp phải đăng ký nhượng quyền thương mại. Cụ thể:
(i) Đối tượng thực hiện thủ tục:
Theo Mục 1 chương I Thông tư 09/2006/TT-BTM, bên dự kiến nhượng quyền, bao gồm cả bên dự kiến nhượng quyền ban đầu và bên dự kiến nhượng quyền thứ cấp, phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
(ii) Hồ sơ theo Mục 2 chương II Thông tư 09/2006/TT-BTM:
- Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại (mẫu MĐ-1, Phụ lục II Thông tư 09/2006/TT-BTM);
- Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại (Phụ lục II Thông tư 09/2006/TT-BTM);
- Bản hợp pháp hóa lãnh sự và bản dịch công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy tờ có giá trị tương đương của bên nhượng quyền nước ngoài/ Bản sao y chứng thực giấy chứng nhận đầu tư (nếu có), giấy chứng nhận đăng ký của bên nhượng quyền Việt Nam
- Bản sao y chứng thực văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;
- Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.
(iii) Nơi thực hiện thủ tục: Bộ Thương mại theo Mục 1 chương I Thông tư 09/2006/TT-BTM
(iv) Thời gian xử lý thủ tục:
Theo điểm b, c khoản 1 Điều 20 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định:
- Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đối với yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
- Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ đối với thông báo về việc Bộ Thương mại đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN tự hào là Công ty Luật chuyên nghiệp trong hoạt động tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt trong vấn đề nhượng quyền thương mại, chúng tôi luôn đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển an toàn trong thời đại kinh tế thị trường. Mọi yêu cầu tư vấn, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN (HT LEGAL VN LAW FIRM)
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: 5 Ngách 252/115 Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 0961614040 – 0922224040