Phân biệt khiếu nại và tố cáo trong thi hành án dân sự
Quyền khiếu nại, quyền tố cáo là những quyền chính trị cơ bản của công dân được ghi nhận tại các bản Hiến pháp, cụ thể: Hiến pháp năm 1956 (Điều 29), Hiến pháp năm 1980 (Điều 73), Hiến pháp năm 1992 (Điều 74) và Hiến pháp năm 2013 (Điều 30). Quyền khiếu nại, tố cáo được quy định chi tiết tại Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011. Đối với khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự được quy định từ Điều 140 đến Điều 159, Chương VI của Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân định rõ ràng, chính xác giữa khiếu nại và tố cáo để giải quyết theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân của sự khó phân định này là do quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa rõ ràng, do ý chí chủ quan của đương sự, khi thì có đơn khiếu nại, khi thì có đơn tố cáo, thậm chí rất nhiều đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo. Trong bài viết này tác giả đưa ra một số tiêu chí để trao đổi và vận dụng trong quá trình xử lý đơn khiếu nại và tố cáo.
1. Những đặc điểm khác nhau giữa khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự
Nghiên cứu pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự cho thấy khiếu nại và tố cáo khác nhau ở những điểm cơ bản sau:
1.1.Về chủ thể thực hiện khiếu nại, tố cáo
Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là Luật Thi hành án dân sự) cho phép nhiều chủ thể thực hiện khiếu nại, bao gồm: Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong đó, “đương sự” bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án. Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành. Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.
Còn chủ thể thực hiện tố cáo lại rất rộng là “công dân” (Điều 154 Luật Thi hành án dân sự).
1.2. Về đối tượng, mục đích của khiếu nại, tố cáo
Đối tượng bị khiếu nại là quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự. Đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (khoản 1 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự).
Về đối tượng bị tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Như vậy, có thể thấy khi thực hiện khiếu nại, người thực hiện khiếu nại hướng tới lợi ích của chính bản thân mình, đi đòi lại lợi ích mà chủ thể khiếu nại cho là họ đã bị xâm phạm bởi quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên. Đối với tố cáo, người tố cáo không chỉ hướng đến mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân họ mà còn bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, cơ quan, tổ chức khác. Ngoài ra, người tố cáo còn hướng đến mục đích xử lý hành vi vi phạm của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác, nhằm trừng trị kịp thời, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để loại trừ những hành vi trái pháp luật xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
1.3. Về mức độ vi phạm giữa khiếu nại và tố cáo
Về khiếu nại, chỉ cần yếu tố chủ thể khiếu nại cho rằng quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, bất kỳ quyết định, hành vi nào của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại đều bị khiếu nại khi chủ thể khiếu nại cho rằng quyết định, hành vi đó không tuân theo những quy định của pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân người khiếu nại.
Về tố cáo, chủ thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Nghiên cứu về mặt lý luận cho thấy, chỉ có thể xác định một người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khi hành vi đó có đầy đủ các yếu tố mà từ đó vi phạm pháp luật hình thành. Các yếu tố (dấu hiệu) vi phạm pháp luật được quy định trong các quy phạm pháp luật. Khái quát hành vi vi phạm pháp luật cấu thành từ các yếu tố: Tính trái pháp luật, có lỗi, năng lực chịu trách nhiệm pháp lý của chủ thể.
- Tính trái pháp luật của hành vi: Hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự là hành vi trái pháp luật khi hành vi đó không tuân theo những quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, vi phạm tới trật tự pháp luật, xâm phạm tới những quan hệ xã hội được pháp luật về thi hành án dân sự điều chỉnh và bảo vệ. Hành vi đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nhất định về vật chất hoặc phi vật chất đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Hành vi vi phạm pháp luật có thể thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Pháp luật chỉ có thể điều chỉnh hành động, không điều chỉnh những gì là tư tưởng, ý nghĩ, ý niệm khi chúng chưa được thể hiện ra bên ngoài bằng hành động hoặc không hành động. Ví dụ: Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nhưng Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự lại ra quyết định thi hành án không đúng với nội dung bản án và yêu cầu của người được thi hành án (hành vi vi phạm pháp luật thể hiện bằng hành động ra quyết định thi hành án) hoặc không ra quyết định thi hành án (hành vi vi phạm pháp luật thể hiện dưới dạng không hành động), gây thiệt hại cho người được thi hành án.
- Yếu tố lỗi: Hành vi vi phạm pháp luật là hành vi có ý chí, vì vậy phải xem xét mặt chủ quan của hành vi. Mặt chủ quan của vi phạm pháp luật chỉ ra ai là người vi phạm, khuynh hướng ý chí của người đó, trạng thái tâm lý của người vi phạm tại thời điểm thực hiện hành vi cũng như thái độ của người ấy đối với hậu quả của hành vi. Vì vậy, hành vi trái pháp luật bị coi là vi phạm pháp luật khi có sự biểu hiện ý chí của người thực hiện hành vi đó. Chủ thể pháp luật trong những hoàn cảnh, tình huống cụ thể thể hiện ý chí của mình bằng cách lựa chọn phương án này hay phương án khác của hành vi. Vì vậy, một người nào đó thực hiện hành vi trái pháp luật trong điều kiện khách quan mà người đó không có khả năng lựa chọn phương án hành vi của mình, thì không thể kết luận hành vi trái pháp luật của người đó là vi phạm pháp luật.
Để đánh giá đúng đắn về mặt pháp lý hành vi trái pháp luật có phải là vi phạm pháp luật hay không, cần xác định tình trạng tâm lý và khuynh hướng ý chí của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác khi họ có vi phạm, tức là xem xét yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
- Về năng lực chịu trách nhiệm pháp lý của chủ thể hành vi trái pháp luật: Năng lực chịu trách nhiệm pháp lý là khả năng tự mình chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của mình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, chủ thể của vi phạm pháp luật chỉ có thể là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác khi họ không bị tâm thần và những bệnh thần kinh khác.
Như vậy, vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự là hành vi trái pháp luật và có lỗi, do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự thực hiện, xâm phạm tới những quan hệ xã hội được pháp luật về thi hành án dân sự điều chỉnh và bảo vệ.
1.4. Về thái độ xử lý
Khiếu nại không được khuyến khích, nhưng tố cáo được khuyến khích. Khiếu nại là đi đòi lại lợi ích cho mình, nên pháp luật không đặt vấn đề khuyến khích, trong khi đó về bản chất tố cáo là sự thể hiện trách nhiệm của công dân đối với xã hội, với Nhà nước thông qua việc phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ngăn chặn xử lý hành vi vi phạm, tránh được những thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội và các cá nhân khác. Vì vậy, việc tố cáo cần được khuyến khích và pháp luật đã thể hiện thái độ đó qua việc có những quy định khen thưởng cho người tố cáo đúng. Người tố cáo đúng có thể được tặng Huân chương dũng cảm; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương (Điều 20 của Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo). Bằng khen, Giấy khen theo quy định tại Nghị định này còn được kèm theo một khoản tiền thưởng.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định người khiếu nại phải trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó; người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình, nếu cố ý tố cáo sai sự thật thì phải bồi thường thiệt hại.
1.5. Về quyền của người khiếu nại, người tố cáo
Người khiếu nại có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại, nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại; được nhận quyết định giải quyết khiếu nại; được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về bằng chứng đó; được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được bồi thường thiệt hại, nếu có.
Người tố cáo có các quyền gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (không được uỷ quyền cho người khác); yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình; yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù.
Người khiếu nại được quyền rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại. Người tố cáo chỉ được rút tố cáo nếu việc rút tố cáo là có căn cứ. Trong trường hợp xét thấy hành vi vi phạm pháp luật vẫn chưa được phát hiện và xử lý, thì người giải quyết tố cáo vẫn xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng, việc rút tố cáo do người tố cáo bị đe dọa, ép buộc, thì người giải quyết tố cáo phải áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo, xử lý nghiêm đối với người đe dọa, ép buộc người tố cáo, đồng thời phải xem xét, giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo, nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật, trốn tránh trách nhiệm hoặc vì vụ lợi, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người tố cáo sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Người khiếu nại có quyền khiếu nại tiếp nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo Điều 152 và Điều 153 Luật Thi hành án dân sự. Còn người tố cáo được tố cáo tiếp và người có thẩm quyền giải quyết tố cáo chỉ giải quyết khi tố cáo tiếp thuộc một trong các trường hợp sau: Đã quá thời hạn giải quyết tố cáo mà vụ việc chưa được giải quyết hoặc có nội dung tố cáo chưa được giải quyết; tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật, nhưng có tình tiết mới chưa được phát hiện trong quá trình giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật (cụ thể: Vi phạm pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết lại tố cáo; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo không phù hợp với những chứng cứ thu thập được; việc xử lý người bị tố cáo và các tổ chức, cá nhân liên quan không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật đã được kết luận; có bằng chứng về việc người giải quyết tố cáo hoặc người tiếp nhận tố cáo, người xác minh nội dung tố cáo đã làm sai lệch hồ sơ vụ việc; có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của người bị tố cáo nhưng chưa được phát hiện).
Về thời hiệu khiếu nại, Điều 140, Điều 141 Luật Thi hành án dân sự quy định thời hiệu khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên là từ 3 ngày đến 30 ngày tùy từng quyết định, hành vi xảy ra trước, trong và sau khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế. Hết thời hiệu khiếu nại, người khiếu nại mới có đơn khiếu nại thì không được thụ lý giải quyết (khoản 4 Điều 141 Luật Thi hành án dân sự).
Còn đối với tố cáo, Luật Thi hành án dân sự không quy định thời hiệu tố cáo mà bất kỳ khi nào công dân phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự, công dân đều có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.
1.6. Về nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo
Người khiếu nại phải khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết; trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành và quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tại điểm b khoản 4 và điểm b khoản 7 Điều 142 của Luật Thi hành án dân sự.
Người tố cáo phải trình bày trung thực, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.
1.7. Về thẩm quyền giải quyết
Đối với khiếu nại, Điều 142 Luật Thi hành án dân sự quy định: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của người bị khiếu nại thuộc quyền quản lý của mình[1]. Đây là quy định mang tính đặc thù của ngành thi hành án, theo quy định trên thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong trường hợp cần thiết có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành. Theo quy định khoản 4 Điều 38 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành được xem xét lại trong các trường hợp sau đây: (i) Quyết định, hành vi bị khiếu nại là trái pháp luật nhưng quyết định giải quyết khiếu nại cho rằng quyết định, hành vi đó là đúng pháp luật; (ii) Việc giải quyết khiếu nại đã vi phạm quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết khiếu nại về thi hành án; (iii) Có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản kết quả giải quyết khiếu nại.
Đối với tố cáo, Điều 157 Luật Thi hành án dân sự quy định người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết[2].
Quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong thi hành án dân sự nêu trên cũng cho thấy, tố cáo trong thi hành án dân sự có sự khác biệt so với Luật Tố cáo năm 2011. Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật tố cáo năm 2011, “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết”. Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự nêu trên thì Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự giải quyết tố cáo đối với Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự giải quyết tố cáo đối với Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. Có sự khác biệt trên là do hoạt động thi hành án là hoạt động tư pháp, các hoạt động của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên cơ quan thi hành án đều được giám sát bởi Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án đồng thời là Chấp hành viên, thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Chấp hành viên. Mặt khác, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý của người đứng đầu cơ quan đó nên người đứng đầu cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết tố cáo.
1.8. Về thụ lý và thời hạn giải quyết
- Về thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo
Đối với khiếu nại, Điều 148 Luật Thi hành án dân sự quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 141 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết. Trường hợp người có thẩm quyền không thụ lý đơn khiếu nại để giải quyết thì phải thông báo và nêu rõ lý do.
Đối với tố cáo, Điều 157 Luật Thi hành án dân sự quy định: Thủ tục giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Theo đó, nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo (Điều 20 Luật tố cáo).
- Về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo
Đối với khiếu nại, theo quy định tại Điều 146 Luật Thi hành án dân sự thì tùy từng quyết định, hành vi bị khiếu nại mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu trong thời hạn từ 5 ngày đến 30 ngày. Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, đường xá xa xôi, đi lại khó khăn, vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại[3]. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại
Đối với tố cáo, Điều 157 Luật Thi hành án dân sự quy định thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày.
1.9. Về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo
Điều 150 Luật Thi hành án dân sự quy định thủ tục giải quyết khiếu nại như sau:
- Thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu: Sau khi xem xét thấy khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thụ lý đơn khiếu nại, xác minh, trường hợp cần thiết có thể trưng cầu giám định hoặc tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung khiếu nại sau đó phải ra quyết định giải quyết khiếu nại. Trường hợp nội dung đơn khiếu nại, các tài liệu gửi kèm theo của người khiếu nại và báo cáo giải trình cùng hồ sơ, tài liệu có liên quan do người bị khiếu nại cung cấp đã rõ ràng, có đủ căn cứ, cơ sở pháp lý để kết luận, giải quyết thì người giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại theo trình tự rút gọn (không cần xác minh, đối thoại).
- Thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai: Ngoài việc thực hiện các thủ tục như lần một, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền yêu cầu người giải quyết khiếu nại lần đầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và những bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để giải quyết khiếu nại.
1.10. Về trình tự thủ tục giải quyết tố cáo
Khoản 4 Điều 157 Luật Thi hành án dân sự quy định thủ tục giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Theo đó, việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự sau đây: Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo; công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo[4].
Khác với khiếu nại, Luật Thi hành án dân sự quy định thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai, đối với tố cáo, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định tố cáo tiếp và thủ tục giải quyết tố cáo lại. Tố cáo tiếp và thủ tục giải quyết lại được quy định chi tiết tại Điều 8 Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết tố cáo[5].
2. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự
2.1. Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại
Ông P khiếu nại Chấp hành viên chậm tổ chức thi hành giao quyền quản lý, sử dụng diện tích 100m2 đất tại tổ dân phố số 6, phường Thanh Trường, thành phố Đ, tỉnh B theo Theo Bản án số 04/2012/HNGĐ-PT ngày 27/9/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh B. Giải quyết khiếu nại của ông P, ngày 17/6/2015 Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh B đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 04/CTHA-GQKNTC ngày 17/6/2015 không chấp nhận khiếu nại của ông P, do có khó khăn vướng mắc từ bản án, nên Chấp hành viên không thể tổ chức thi hành được. Không nhất trí, ông P tiếp tục khiếu nại đến Tổng cục Thi hành án dân sự. Về nội dung ông P khiếu nại, Tổng cục Thi hành án dân sự đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ thi hành án nhận thấy:
Bản án số 04/2012/HNGĐ-PT ngày 27/9/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh B xét xử, quyết định: “Giao cho anh P được quyền quản lý, sử dụng một mảnh đất 100m2 tại tổ dân phố 6, phường Thanh Trường, thành phố Đ, tỉnh B. Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH18418/QSDĐ ngày 05/9/2011 do UBND thành phố Đ cấp mang tên anh P và chị T. Trị giá: 682.500.000đ (Sáu trăm tám mươi hai triệu năm trăm nghìn đồng)”. Theo quy định pháp luật, Bản án số 04/2012/HNGĐ-PT ngày 27/9/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh B đã có hiệu lực pháp luật thì phải được tổ chức thi hành, trách nhiệm của cơ quan thi hành án phải thực hiện theo đúng bản án, theo đó: giao cho ông P được quyền quản lý, sử dụng một mảnh đất diện tích 100m2 đất tại tổ dân phố số 6, phường Thanh Trường, thành phố Đ, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH18418/QSDĐ ngày 05/9/2011 do UBND thành phố Đ cấp mang tên ông P và bà T. Tuy nhiên, trên thực tế, tại thời điểm có Bản án phúc thẩm nêu trên thì diện tích đất trên đã mang tên ông V và bà H theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH23069 do UBND thành phố Đ cấp ngày 13/9/2012, không mang tên ông P và bà T như bản án tuyên. Do ông P đã khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án nhân dân thành phố Đ, nên ngày 17/3/2014, Tòa án nhân dân thành phố Đ ban hành Bản án hành chính sơ thẩm số 05/HC-ST quyết định hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH23069 ngày 13/9/2012 mang tên V và H do UBND thành phố Đ cấp. Không đồng ý với quyết định hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân thành phố Đ, nên ông V, bà H và bà T đã có đơn kháng cáo. Ngày 28/5/2014, Tòa án nhân dân tỉnh B ban hành Bản án hành chính phúc thẩm số 07/2014/HC-PT tuyên y án sơ thẩm hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH23069 ngày 13/9/2012 mang tên V và H do UBND thành phố Đ cấp. Đến ngày 03/8/2015, Ủy ban nhân dân thành phố Đ mới ra Quyết định số 559/QĐ-UBND thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông V nêu trên. Hơn nữa, trên diện tích đất Tòa án tuyên giao cho ông P, thì ông V, bà H đã xây dựng nhà ở kiên cố theo Giấy phép xây dựng do Ủy ban nhân dân thành phố Đ cấp ngày 17/10/2012 (trước khi ông P làm đơn yêu cầu thi hành án) nên việc tổ chức cưỡng chế thi hành án không thể thực hiện được. Như vậy, việc chưa tổ chức thi hành được là do trở ngại khách quan, việc cưỡng chế thi hành án không thể thực hiện được (không phải do Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh B chậm tổ chức thi hành); do đó, ông P khiếu nại Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh B chậm tổ chức thi hành việc giao quyền quản lý, sử dụng diện tích đất cho ông là không có cơ sở. Từ những căn cứ, nhận định nêu trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai không chấp nhận khiếu nại của ông Mạc Quang P đối với Quyết định giải quyết khiếu nại số 04/CTHA-GQKNTC ngày 17/6/2015 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh B. Quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành.
2.2. Về tố cáo và giải quyết tố cáo
Bản án phúc thẩm số 30 ngày 30/7/1994 của Tòa án nhân dân tỉnh T đã quyết định: “...Buộc ông C phải trả nợ cho các anh H 2.000.000đ tiền gốc và 804.800đ tiền lãi, cộng hai khoản 2.840.800 đồng. Trả nợ cho anh L, tiền gốc 900.000đ và 331.620đ tiền lãi, cộng hai khoản = 1.231.620đ. Trả nợ cho anh T tiền gốc 2.900.000đ và 1.846.000đ tiền lãi, tổng cộng hai khoản 4.746.000đ. Trả nợ cho anh N tiền gốc 550.000đ và 213.656đ tiền lãi, cộng hai khoản 763.656đ. ông C nộp 478.000đ tiền án phí giá ngạch... Kể từ tháng thứ hai trở đi án có hiệu lực pháp luật, ông C không thi hành thì phải chịu lãi suất không kỳ hạn theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam để trả cho những người được thi hành án...”.
Quá trình thi hành án, do ông C không tự nguyện thi hành án, ngày 14/6/1995, Chấp hành viên đã ban hành Quyết định cưỡng chế số 32/THA và ngày 17/6/1995, Chấp hành viên tổ chức kê biên tài sản nhà, đất của gia đình ông C và bà M tại xã H, huyện H, tỉnh T để đảm bảo thi hành án. Sau đó Chấp hành viên ấn định thời hạn cho gia đình ông C nộp tiền thi hành án để chuộc lại tài sản, nhưng gia đình ông C không nộp tiền. Chấp hành viên tiến hành định giá tài sản kê biên và ngày 15/7/1995 đã bán đấu giá thành tài sản kê biên với giá 15.114.000đ, người trúng đấu giá là ông N, trú tại thôn 1, xã, huyện H, tỉnh T. Ngày 25/8/1995, Chấp hành viên đã giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.
Như vậy, việc thi hành án dân sự đã kết thúc từ năm 1995, tuy nhiên, đến tháng 01/2013 ông C và bà M mới có đơn tố cáo ông H, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, tỉnh T có hành vi vi phạm pháp luật khi cưỡng chế kê biên tài sản của bà M để thi hành án cho ông C. Ông C cung cấp một số bằng chứng chứng minh ông C và bà M không có hôn nhân, không có tài sản chung, nhưng Chấp hành viên kê biên, bán đấu giá tài sản của bà M để thi hành án cho ông là không đúng quy định pháp luật; tố cáo ông S - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, tỉnh T có hành vi vi phạm pháp luật ra Quyết định thi hành án khi người được thi hành án không yêu cầu thi hành án và không thực hiện việc ủy thác thi hành án khi người phải thi hành án có tài sản ở nơi khác.
Đối với nội dung ông C và bà M tố cáo ông H, Chấp hành viên có hành vi vi phạm pháp luật, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H đã thành lập Đoàn xác minh, kết quả xác minh tại các cơ quan chức năng ở địa phương cho thấy ông C, bà M sống chung với nhau từ trước năm 1977 cho đến nay và có 3 con chung; ông C và bà M có tài sản chung là nhà, đất đứng tên bà M ở xã , huyện H, tỉnh T. Do đó, Chấp hành viên kê biên một phần nhà, đất của ông C, bà M để thi hành án là phù hợp quy định pháp luật. Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H đã ban hành kết luận không chấp nhận tố cáo của ông C, bà M;
Đối với nội dung ông C, bà M tố cáo ông S - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, tỉnh T có hành vi vi phạm pháp luật ra Quyết định thi hành án khi người được thi hành án không yêu cầu thi hành án và không thực hiện việc ủy thác thi hành án khi người phải thi hành án có tài sản ở nơi khác, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh T cũng thành lập Đoàn xác minh nội dung tố cáo, kết quả xác minh cho thấy: người được thi hành án có làm đơn yêu cầu thi hành án; Biên bản xác minh của Chấp hành viên cho thấy ông C cư trú ở xã H, chỉ có tài sản chung ở xã H, không có tài sản ở nơi khác. Do đó, việc ông C, bà M tố cáo nêu trên là không có cơ sở, nên đã ban hành kết luận không chấp nhận tố cáo của ông C, bà M.
Từ những phân tích và nghiên cứu hai vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể nêu trên cho thấy bản chất của khiếu nại trong thi hành án dân sự là việc người khiếu nại đề nghị người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét lại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình, còn bản chất của tố cáo là việc người tố cáo báo cho người có thẩm quyền giải quyết tố cáo biết về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Giải quyết khiếu nại là việc cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại. Trong khi đó, giải quyết tố cáo là việc cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo xác minh, kết luận về nội dung tố cáo (thực tế có hành vi vi phạm pháp luật theo như đơn tố cáo không), để từ đó áp dụng biện pháp xử lý phù hợp với tính chất, mức độ sai phạm của hành vi vi phạm và thông báo cho người tố cáo biết về kết quả giải quyết tố cáo, chứ không ra quyết định giải quyết tố cáo.
Ngoài ra người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại trong thời hạn Luật Thi hành án dân sự quy định thì sẽ được người có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trường hợp, hết thời hiệu khiếu nại, người khiếu nại mới có đơn khiếu nại thì không được thụ lý giải quyết. Còn đối với tố cáo, Luật Thi hành án dân sự không quy định thời hiệu tố cáo mà bất kỳ khi nào công dân phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự, công dân đều có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.
Để có thể giúp người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự có thể phân biệt được khiếu nại và tố cáo để áp dụng đúng quy trình giải quyết khiếu nại hay tố cáo, Tổng cục Thi hành án dân sự đang xây dựng Thông tư hướng dẫn quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự. Vấn đề nêu trên cũng được các chuyên gia Dự án JICA Nhật Bản trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư diễn ra vào ngày 10/7/1015 tại Bộ Tư pháp. Ông Sakai Naoki chuyên gia Dự án JICA cho biết: Ở Nhật Bản, khiếu nại, tố cáo là hai vấn đề tách biệt. Tố cáo thường xảy ra đối với những người làm trong lĩnh vực công. Thông thường những người tố cáo này đi thẳng đến cơ quan điều tra và thường không liên quan gì đến vấn đề thi hành án dân sự. Ở Nhật Bản cũng không có phương thức, cơ chế nào hạn chế khiếu nại của người dân. Bất cứ khiếu nại nào của người dân dù có căn cứ hay không có căn cứ, thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại vẫn phải giải quyết khiếu nại. Để tránh hiện tượng khiếu nại, tố cáo tràn lan, pháp luật Nhật Bản quy định nếu khiếu nại, tố cáo không đúng thì bị phạt và ngược lại khiếu nại, tố cáo đúng thì được khuyến khích.
Nên chăng người làm công tác xây dựng pháp luật cần có nghiên cứu làm rõ tiêu chí để phân biệt khiếu nại và tố cáo.
Luật sư của Công ty Luật HT Legal VN có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thi hành án và xử lý nợ, điều đó đảm bảo sự linh hoạt trong phương án xử lý và tính hiệu quả trong việc hỗ trợ và giải quyết vấn đề pháp lý cho khách hàng.
Liên hệ HT Legal VN, Luật sư chuyên về thi hành án: 0961614040 – 0971174040