QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ VIỆC BÁN CÁC KHOẢN NỢ TẠI TỔ CHỨC TÍN DỤNG CHO CÁ NHÂN ĐỂ XỬ LÝ NỢ XẤU (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

06/12/2022 - 1866 lượt xem

Giao dịch mua bán các khoản nợ xấu (hàng hóa đặc biệt) mang tính rủi ro, mang tính chất khép kín mà nước ta vẫn chưa hình thành rõ nên một thị trường mua bán nợ xấu theo đúng nghĩa. Việc mua bán nợ xấu từ trước đến nay chủ yếu do VAMC, DATC và các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các tổ chức tín dụng thực hiện. Vậy, việc mua bán các khoản nợ tại các tổ chức tín dụng cho các cá nhân để xử lý nợ xấu có vi phạm pháp luật không? Sau đây, Công ty Luật HT Legal VN sẽ phân tích về vấn đề này.

- Cơ sở pháp lý: Thông tư 09/2015/TT-NHNN ngày 17 tháng 07 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Nội dung:

1. Mua, bán nợ là gì?

Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN, Mua, bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ.

Chủ thể trong hoạt động mua, bán nợ tại tổ chức tín dụng gồm bên bán nợ và bên mua nợ:

a. Bên bán nợ.

Căn cứ Khoản 2, 3 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN, Bên bán nợ là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khoản nợ được mua bán, là khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay và khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh theo hợp đồng cấp tín dụng đã ký của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đang được theo dõi hạch toán nội bảng, ngoại bảng tại bảng cân đối kế toán hoặc đã xuất toán ra khỏi bảng cân đối kế toán của bên bán nợ có đủ điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-NHNN và bên nợ có nghĩa vụ thanh toán tiền cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

b. Bên mua nợ.

Căn cứ Khoản 4 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN, Bên mua nợ là tổ chức, cá nhân, bao gồm:

-  Tổ chức, cá nhân là người cư trú sau:

+ Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng nước chấp thuận hoạt động mua nợ;

+ Tổ chức kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ (không phải tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ theo quy định của pháp luật;

+ Tổ chức khác, cá nhân không kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ.

- Tổ chức, cá nhân là người không cư trú.

2. Đặc điểm của hoạt động mua bán nợ

Hoạt động mua bán nợ có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, Hoạt động mua bán nợ gắn với khả năng thu nợ, bởi lẽ người bán nợ sẽ nhận lại số tiền cho vay trong một khoảng thời gian theo như thỏa thuận của hợp đồng và không chịu bất kỳ những vấn đề pháp lý có liên quan khác.

Thứ hai, Mang tính rủi ro cao, bởi lẽ bản chất việc mua bán nợ là thực hiện việc mua tài sản (nợ) có tính rủi ro cao, bên mua nợ cần chấp nhận sự bấp bênh của sự không chắc chắn việc đòi lại khoản nợ.

Thứ ba, Khả năng thanh toán không cao vì nợ không phải là hàng hóa thông thường, việc mua nợ cần có sự hoạt động chuyên nhiệp.

Thứ tư, Xác định giá của khoản nợ này rất khó chính xác vì tính rủi ro của nợ mang lại.

3. Nguyên tắc của hoạt động mua, bán nợ tại tổ chức tín dụng.

Căn cứ Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-NHNN, việc thực hiện mua, bán nợ được thực hiện theo nguyên tắc sau:

Thứ nhất, Hoạt động mua, bán nợ không trái với nội dung quy định tại hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm đã ký kết giữa bên bán nợ, khách hàng và bên bảo đảm.

Thứ hai, Hoạt động mua, bán nợ do các bên tự thỏa thuận, tuân thủ quy định tại Thông tư 09/2015/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan.

Thứ ba, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là Giấy phép) và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Trường hợp bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.

Thứ tư, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ (trong đó có quy định rõ về phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua, bán nợ; phương thức mua, bán nợ; quy trình mua, bán nợ; quy trình định giá khoản nợ; quy trình bán đấu giá khoản nợ trong trường hợp tự đấu giá khoản nợ và quản trị rủi ro đối với hoạt động mua, bán nợ) trước thực hiện mua, bán nợ.

Thứ năm, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua nợ phải tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thứ sáu, Bên bán nợ không mua lại các khoản nợ đã bán.

Thứ bảy, Tổ chức tín dụng không được bán nợ cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng mẹ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Thứ tám, Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản là công ty con của tổ chức tín dụng chỉ được mua nợ của tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi tổ chức tín dụng mẹ có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Thứ chín, Trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ, thì bên bán nợ và các bên mua nợ thỏa thuận với nhau về tỷ lệ tham gia, phương thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, phân chia giá trị tài sản đảm bảo (nếu có) cho phần nợ được mua, bán và các nội dung cụ thể khác tại hợp đồng mua, bán nợ đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Cuối cùng, Các khoản nợ được mua, bán nợ phải được theo dõi, hạch toán kế toán và báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật.

Từ các quy định trên, Cá nhân vẫn có thể mua nợ tại các tổ chức tín dụng trong hoạt động mua bán nợ. Tuy nhiên cần phải tuân theo các nguyên tắc và đáp ứng các quy định của pháp luật.

Để được tư vấn các vấn đề pháp lý có liên quan, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

 

 

Hoàng Quyên
Theo HT Legal VN