Vai trò của Luật sư trong giai đoạn thi hành án dân sự
Giai đoạn thi hành án dân sự là giai đoạn tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, do đó có nhiều quan điểm về vai trò của luật sư trong giai đoạn này.
Có quan điểm cho rằng, trong giai đoạn thi hành án, bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyền và nghĩa vụ dân sự của các đương sự đã được quy định rõ ràng, do vậy việc tham gia của luật sư vào giai đoạn này là không cần thiết. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng, thi hành án dân sự là một giai đoạn đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo thực thi pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự trên thực tế nên giai đoạn thi hành án là một giai đoạn rất cần có sự tham gia của luật sư.
Theo điều 22 của Luật Luật sư quy định về Phạm vi hành nghề luật sư:
1. Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
2. Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện tư vấn pháp luật.
4. Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.
5. Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật này.
Theo đó, Luật sư có thể tham gia vào việc bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự trong quá trình thi hành án . Trong giai đoạn thi hành án dân sự, các hoạt động của Luật sư rất đa dạng, phong phú, thể hiện ở các công việc như sau:
Thứ nhất, Luật sư tư vấn pháp luật:
Trong giai đoạn này, Luật sư có vai trò tích cực trong việc giải thích nội dung bản án, các quyền lợi và trách nhiệm của các bên đương sự. Luật sư hướng dẫn đương sự soạn thảo đơn yêu cầu thi hành án, chuẩn bị các tài liệu liên quan, hoàn tất các điều kiện để nộp đơn yêu cầu thi hành án. Trong quá trình tổ chức thi hành án, Luật sư hướng dẫn các đương sự về trình tự, thủ tục thi hành án, khuyến khích các đương sự tự nguyện thi hành án, thỏa thuận về thi hành án. Luật sư cũng là người giúp đương sự thực hiện các công việc khác như: xác minh tài sản của người phải thi hành án, tư vấn về các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án, khi giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án … Thực tế đã cho thấy, có rất nhiều trường hợp đương sự không hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của mình, thậm chí hiểu sai chức năng của cơ quan thi hành án….Do đó hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư trong giai đoạn thi hành án rất hữu ích và cần thiết.
Khi tham gia vào quá trình thi hành án, luật sư theo dõi các quyết định của cơ quan thi hành án. Với kiến thức pháp lý và chuyên môn nghiệp vụ của mình, luật sư sẽ kịp thời phát hiện những thiếu sót, sai phạm của chấp hành viên hoặc cơ quan thi hành án dân sự. Qua những ý kiến phản biện, kiến nghị hoặc khiếu nại của luật sư, sẽ đảm bảo cho quá trình thi hành án dân sự diễn ra khách quan, đúng pháp luật, bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của các đương sự.
Thứ hai, Luật sư đại diện cho đương sự theo ủy quyền để tham gia giải quyết việc thi hành án
Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, giai đoạn thi hành án quyết định tính “thành bại” của cả quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên trên thực tế. Có những trường hợp vì nhiều lý do khác nhau, các đương sự không muốn trực tiếp tham gia vào quá trình thi hành án, họ tìm đến luật sư để nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã bổ sung các quy định về ủy quyền thi hành án (Điều 7, 7a) Đây là những quy định rất mới, tiến bộ, có tính mở, giúp cho luật sư có thể tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình thi hành án dân sự. Theo quy định của Điều 7, điều 7a luật Thi hành án quy định về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án. Luật sư có thể nhận ủy quyền của người được thi hành án, người phải thi hành án để thực hiện các công việc về thi hành án, đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích của khách hàng.
Có thể thấy vai trò của Luật sư rất cần thiết, là người tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và đại diện cho các đương sự trong quá trình thi hành án dân sự, luật sư có vai trò thúc đẩy quá trình thi hành án dân sự. Tuy nhiên trên thực tế, trong thời gian vừa qua việc tham gia của luật sư trong hoạt động thi hành án còn rất mờ nhạt, rất ít vụ việc có luật sư tham gia, nếu có tham gia thì cũng ở mức độ hạn chế, không phát huy được hết vai trò vốn có của luật sư trong hoạt động này.
Điều này theo tôi xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan
*Về chủ quan:
-Do giai đoạn thi hành án dân sự thường kéo dài vì quá trình xử lý tài sản mất rất nhiều thời gian, do đó một số luật sư “ngại” tham gia vào quá trình này. Mặt khác, trong giới luật sư, số luật sư chuyên về pháp luật thi hành án cũng không có nhiều dẫn đến khách hàng cũng có ít sự lựa chọn.
*Về khách quan:
-Trong khi Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự có những quy định rất rõ về việc luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bên trong quá trình tố tụng thì pháp luật về thi hành án dân sự còn thiếu các quy định cụ thể về việc tham gia của luật sư trong giai đoạn thi hành án.
Mặc dù thủ tục thi hành án dân sự không được xem như là một giai đoạn của quá trình tố tụng, nhưng xét dưới góc độ pháp lý thì thủ tục thi hành án dân sự cũng có nhiều điểm tương đồng với quá trình tố tụng vì cũng có giai đoạn nộp đơn để yêu cầu thi hành án, ra các quyết định về thi hành án, hòa giải, ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các bên đương sự trong quá trình thi hành án. Do số lượng các vụ việc phát sinh ngày càng nhiều và tính chất ngày càng phức tạp hơn, việc tham gia của luật sư trong giai đoạn thi hành án đã trở thành một đòi hỏi tất yếu. Tuy nhiên, vai trò của Luật sư khi nhận ủy quyền thực hiện thay các công việc cụ thể của đương sự có những điểm khác với vai trò của một luật sư khi tham gia vào quá trình thi hành án để bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự . Vấn đề đặt ra là đối với giai đoạn thi hành án thì luật sư được tham gia đến mức độ nào và việc tiếp cận hồ sơ của luật sư đến đâu thì luật lại chưa quy định rõ ràng. Trên thực tế, đã có những trường hợp luật sư xuất trình giấy giới thiệu, giấy ủy quyền và đề nghị được tiếp cận hồ sơ thi hành án nhưng cơ quan Thi hành án dân sự chưa có căn cứ pháp luật để từ chối hay chấp nhận đề nghị này.
- Nhận thức của người dân về vai trò của Luật sư trong thi hành án dân sự còn hạn chế. Do đó nhu cầu mời luật sư tham gia hoạt động này cũng chưa nhiều. Trong một số trường hợp mức lệ phí Luật sư cũng chưa hợp lý dẫn đến người được thi hành án khó tiếp cận được dịch vụ pháp lý của luật sư.
-Một số cơ quan thi hành án còn tồn tại các quan điểm cho rằng Luật sư tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự sẽ làm phức tạp thêm vụ việc, sẽ vì lợi ích của đương sự mà gây khó khăn, cản trở hoạt động thi hành án dân sự, dẫn đến việc phối hợp giữa cơ quan thi hành án và luật sư chưa nhịp nhàng, một số cơ quan thi hành án còn chưa tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tác nghiệp.
*Kiến nghị:
Có thể thấy vai trò của luật sư trong giai đoạn thi hành án có nhiều tác dụng tích cực không chỉ đối với quyền và lợi ích của các đương sự mà còn góp phần làm minh bạch hóa quá trình tổ chức thi hành án của các chấp hành viên, từ đó thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác thi hành án nói riêng và công tác tư pháp nói chung. Sau đây là một số kiến nghị nhằm nâng cao vai trò của luật sư trong trong hoạt động thi hành án dân sự:
Thứ nhất: Đề nghị bổ sung các quy định về sự tham gia của luật sư vào quá trình thi hành án dân sự trong Luật Thi hành án dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Thi hành án dân sự cần quy định cụ thể, rõ ràng về vai trò của luật sư, sự tham gia, mức độ tham gia, các quyền, nghĩa vụ của luật sư trong giai đoạn thi hành án để tạo hành lang pháp lý cho Luật sư có quyền tham gia đầy đủ vào các giai đoạn thi hành án. Mặt khác cũng cần có các quy định hạn chế, điều chỉnh các hành vi vi phạm trong trường hợp luật sư có những hành vi gây cản trở việc thi hành án.
Thứ hai: cần thay đổi tư duy của một số cơ quan thi hành án về vai trò của luật sư trong giai đoạn thi hành án.Việc tham gia của luật sư có tác dụng tích cực, thúc đẩy quá trình thi hành án, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự chứ không phải là để nhằm cản trở quá trình thi hành án. Đồng thời đây cũng là một yếu tổ để thúc đẩy việc xã hội hóa công tác thi hành án dân sự, nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự. Do đó các cơ quan thi hành án cần có sự phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tác nghiệp trong giai đoạn thi hành án dân sự.
Thứ ba: Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có sự phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự và Bộ Tư pháp để có những “Tiếng nói chung” trong lĩnh vực này. Cần quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của luật sư về hoạt động thi hành án. Việc tham gia vào quá trình thi hành án không chỉ là một mảng dịch vụ pháp lý của luật sư mà còn đẩy mạnh, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, Luật sư cần có những phát hiện kịp thời đối với những sai sót của chấp hành viên, có những đề xuất đúng đắn, chính xác, kịp thời. Đồng thời luật sư cần có những định hướng đúng đắn để các đương sự tuân theo các quy định của pháp luật, khuyến khích, thúc đẩy quá trình thi hành án.
Trên thực tế, sự tham gia của luật sư trong giai đoạn Thi hành án dân sự vẫn còn nhiều hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn tư pháp nước ta hiện nay….do đó đề nghị cần có những giải pháp đồng bộ để nhằm nâng cao hơn nữa địa vị pháp lý của luật sư trong hoạt động này.
Luật sư của Công ty Luật HT Legal VN có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thi hành án và xử lý nợ, điều đó đảm bảo sự linh hoạt trong phương án xử lý và tính hiệu quả trong việc hỗ trợ và giải quyết vấn đề pháp lý cho khách hàng.
Liên hệ HT Legal VN, Luật sư chuyên về thi hành án: 0961614040