Xử lý tài sản đang thế chấp khi vợ chồng ly hôn

24/01/2021 - 2399 lượt xem

Giải quyết trường hợp vợ chồng ly hôn có yêu cầu chia tài sản đang thế chấp ngân hàng?

Vợ chồng có phát sinh vay vốn Ngân hàng, muốn cho thuê, bán, tặng cho… tài sản thế chấp thì phải có sự chấp thuận của ngân hàng. Vậy khi ly hôn mà tài sản đang thế chấp thì chia thế nào?

Trước hết cần giải quyết, trong thời kỳ hôn nhân nợ chung được xác định như thế nào và ai có trách nhiệm trả?

Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, vợ chồng phải cùng trả nợ trong các trường hợp:

- Các khoản nợ do cả hai người cùng xác lập;

- Do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

- Phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

- Phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình…

Ngoài ra, vợ chồng vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới nếu các khoản nợ do một bên thực hiện nhưng:

- Đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

- Do một bên ủy quyền cho bên kia và có sự đồng ý của cả hai vợ chồng;

- Do một bên đủ điều kiện giám hộ cho bên kia bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người còn lại bị hạn chế năng lực hành vi dân sự…

Căn cứ Điều 60 Luật Hôn nhân và Gia đình và như phân tích thì những khoản nợ phát sinh trong các trường hợp nêu trên là nợ chung của hai vợ chồng và cả hai người phải có trách nhiệm cùng nhau trả nợ dù đã ly hôn.

Khi ly hôn, chia tài sản đang thế chấp ngân hàng thế nào?

Giải quyết một vụ án ly hôn (nếu không có thỏa thuận) thông thường Tòa án phải giải quyết:

- Về quan hệ giữa cha, mẹ và con: Cha, mẹ thỏa thuận người trực tiếp nuôi con, người còn lại sẽ có trách nhiệm cấp dưỡng cho con khi con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng làm việc để tự nuôi bản thân;

- Về quan hệ hôn nhân: Quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

- Về chia tài sản sau khi ly hôn: Tòa án dựa vào công sức đóng góp, hoàn cảnh sống, lỗi của các bên… để phân chia tài sản chung của vợ chồng theo nguyên tắc chia đôi.

Tuy nhiên, nếu tài sản đang được thế chấp thì Tòa án sẽ phải lấy ý kiến của ngân hàng (đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng với vai trò là: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) để xác định nghĩa vụ, phương thức và thời hạn trả nợ của hai vợ chồng, sau đó mới quyết định việc phân chia tài sản chung vợ chồng thế nào.

Lúc này, vợ, chồng không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp và chỉ được lấy lại tài sản khi chấm dứt nghĩa vụ trả nợ hoặc tài sản đã được xử lý … (Căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2015).

Đồng thời, bởi nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi hai người ly hôn nên khi muốn phân chia tài sản thế chấp tại ngân hàng thì có hai phương án:

- Hai vợ chồng thực hiện xong việc trả nợ cho ngân hàng và nhận lại tài sản của mình. Lúc này, Tòa án sẽ chia đôi giá trị tài sản căn cứ vào công sức đóng góp, hoàn cảnh sống, lỗi của các bên…

- Thỏa thuận và được sự đồng ý của ngân hàng về việc phân chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn.

Như vậy, khi ly hôn mà tài sản đang thế chấp thì phải trả hết nợ hoặc phải có sự đồng ý của ngân hàng về việc phân chia tài sản chung vợ chồng. Tòa án sẽ giải quyết vụ việc trên quan điểm tương tự như trên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09.6161.4040

HT LEGAL VN