CÁC TRƯỜNG HỢP DOANH NGHIỆP BỊ ĐÓNG MÃ SỐ THUẾ VÀ CÁCH ĐỂ KHÔI PHỤC (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

15/07/2024 - 542 lượt xem

CÁC TRƯỜNG HỢP DOANH NGHIỆP BỊ ĐÓNG MÃ SỐ THUẾ VÀ CÁCH ĐỂ KHÔI PHỤC

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

 

Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin gửi đến quý khách bài viết sau đây về các trường hợp doanh nghiệp bị đóng mã số thuế và cách để khôi phục lại mã số thuế bị đóng.

I. Cơ sở pháp lý:

- Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14;

- Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính Hướng dẫn về đăng ký thuế;

II. Nội dung:

1. Các trường hợp mã số thuế bị chấm dứt hiệu lực

Việc bị đóng mã số thuế có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp như: Không thể thực hiện các giao dịch tài chính, không thể thực hiện các hoạt động kinh doanh, bị phạt hành chính và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp… Vậy doanh nghiệp có thể bị đóng mã số thuế trong các trường hợp nào? 

Khoản 1 và khoản 2 Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về chấm dứt hiệu lực mã số thuế:

“1. Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản;

b) Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.

2. Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chấm dứt hoạt động kinh doanh, không còn phát sinh nghĩa vụ thuế đối với tổ chức không kinh doanh;

b) Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép tương đương;

c) Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất;

d) Bị cơ quan thuế ra thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;

đ) Cá nhân chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

e) Nhà thầu nước ngoài khi kết thúc hợp đồng;

g) Nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí khi kết thúc hợp đồng hoặc chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí.”

2. Khôi phục mã số thuế doanh nghiệp

2.1 Các trường hợp doanh nghiệp được khôi phục mã số thuế

Căn cứ vào Điều 40 Luật Quản lý thuế 2019:

- Trường hợp người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp: nếu được khôi phục tình trạng pháp lý theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh thì đồng thời được khôi phục mã số thuế.

- Trường hợp người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế nộp hồ sơ đề nghị khôi phục mã số thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong các trường hợp sau đây:

+ Được cơ quan có thẩm quyền có văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép tương đương;

+ Khi có nhu cầu tiếp tục hoạt động kinh doanh sau khi đã có hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế gửi đến cơ quan thuế nhưng cơ quan thuế chưa ban hành thông báo chấm dứt hiệu lực mã số thuế;

+ Khi cơ quan thuế có thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nhưng chưa bị thu hồi giấy phép và chưa bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

2.2 Hồ sơ khôi phục mã số thuế

2.2.1 Hồ sơ khôi phục mã số thuế của người nộp thuế:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 18 Thông tư số 105/2020/TT-BTC Hướng dẫn về đăng ký thuế:

TH1: Người nộp thuế theo quy định bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy phép tương đương, cơ quan thuế đã chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định, nhưng sau đó cơ quan có thẩm quyền có văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi.

Người nộp thuế nộp hồ sơ đề nghị khôi phục mã số thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC ;

- Bản sao văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương của cơ quan có thẩm quyền.

TH2: Sau khi cơ quan thuế có Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 105/2020/TT-BTC nhưng chưa bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương và chưa bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì người nộp thuế nộp:

- Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định.

TH3: Người nộp thuế quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 105/2020/TT-BTC khi có nhu cầu tiếp tục hoạt động kinh doanh sau khi đã nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế gửi đến cơ quan thuế nhưng cơ quan thuế chưa ban hành Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định tại Điều 14, Điều 16 Thông tư số 105/2020/TT-BTC thì người nộp thuế nộp:

- Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

TH4: Người nộp thuế đã nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế do chia, hợp nhất, sáp nhập đến cơ quan thuế theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 105/2020/TT-BTC sau đó có văn bản hủy Quyết định chia, hợp đồng sáp nhập, hợp đồng hợp nhất và cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã chưa chấm dứt hoạt động đối với doanh nghiệp, hợp tác xã bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.

Người nộp thuế nộp hồ sơ đề nghị khôi phục mã số thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày cơ quan thuế ban hành Thông báo chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định tại Điều 16 Thông tư này. Hồ sơ gồm: 

- Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này; 

- Bản sao văn bản hủy bỏ Quyết định chia, Hợp đồng sáp nhập, Hợp đồng hợp nhất. Người nộp thuế phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, hóa đơn theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế trước khi khôi phục mã số thuế.” 

2.2.2 Hồ sơ khôi phục mã số thuế theo quyết định, thông báo, giấy tờ khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

“a) Giao dịch thông báo khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị phụ thuộc của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã.

b) Quyết định của Tòa án hủy bỏ Quyết định tuyên bố cá nhân là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự”.

Mã số thuế được tiếp tục sử dụng trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày quyết định khôi phục tình trạng pháp lý của cơ quan đăng ký kinh doanh có hiệu lực hoặc ngày cơ quan thuế thông báo khôi phục mã số thuế.

Doanh nghiệp bị đóng mã số thuế là một vấn đề phổ biến và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quản lý thuế để tránh bị đóng mã số thuế. Ngoài ra, việc nắm rõ các quy định về đóng và khôi phục mã số thuế sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro không đáng có trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Trên đây là bài viết về vấn đề “Các trường hợp doanh nghiệp bị đóng mã số thuế và cách để khôi phục” Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẵn sàng cung cấp các dịch vụ tư vấn về pháp lý cho cá nhân và tổ chức.

 

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: [email protected] Hotline: 09 6161 4040 – 09 2222 4040

Thu Hằng
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục