DOANH NGHIỆP ĐĂNG KÝ TẠM NGỪNG KINH DOANH ĐỂ GIỮ THƯƠNG HIỆU (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

30/08/2023 - 540 lượt xem

Sau một thời gian hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã có thương hiệu uy tín trên thị trường nhưng vẫn không tránh khỏi lâm vào tình trạng khó khăn, thua lỗ. Thông thường, các doanh nghiệp này sẽ quyết định giải thể tuy nhiên trên thực tế thì các doanh nghiệp có thể áp dụng phương án xử lý khác

Sau một thời gian hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã có thương hiệu uy tín trên thị trường nhưng vẫn không tránh khỏi lâm vào tình trạng khó khăn, thua lỗ. Thông thường, các doanh nghiệp này sẽ quyết định giải thể tuy nhiên trên thực tế thì các doanh nghiệp có thể áp dụng phương án xử lý khác đó là đăng ký tạm ngừng kinh doanh để từng bước vực dậy doanh nghiệp và giữ được thương hiệu của mình.

Với hoạt động tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp, các Luật sư doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ chi tiết nội dung trên thông qua bài viết dưới đây:

I. Căn cứ pháp lý:

- Luật Doanh nghiệp 2020;

- Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký doanh nghiệp do Chính phủ ban hành ngày 04 tháng 01 năm 2021.

II. Nội dung:

1. Khái niệm Tạm ngừng kinh doanh

Căn cứ Khoản 1 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, khái niệm tạm ngừng kinh doanh được quy định: Tạm ngừng kinh doanh là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh Nghiệp: Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngưng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo”

2. Lý do Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh để giữ thương hiệu

Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đều tạo dựng được thương hiệu riêng của mình tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan nên doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động nữa. Đây là tình trạng khá phổ biến hiện nay và đã có nhiều doanh nghiệp quyết định giải thể. Tuy nhiên đối với vấn đề này, Luật sư doanh nghiệp nhận thấy các doanh nghiệp chủ yếu gặp phải khó khăn trong một khoảng thời gian và thực tế các chủ doanh nghiệp đều thực sự mong muốn được duy trì doanh nghiệp nhưng hiện tại “lực bất tòng tâm”. Vậy, các doanh nghiệp không nhất thiết phải tiến hành giải thể mà có thể lựa chọn hình thức đăng ký tạm ngừng kinh doanh bởi các lý do sau:

- Thủ tục tạm ngừng kinh doanh thực hiện đơn giản hơn so với giải thể. Cụ thể Doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo tạm ngừng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng và trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Cơ quan nhận được hồ sơ hợp lệ thì doanh nghiệp được cấp giấy xác nhận về việc đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp giải thể sẽ phải thực hiện rất nhiều thủ tục tại các cơ quan thuế, cơ quan hải quan, cơ quan đăng ký kinh doanh, …và giải quyết các khoản nợ với đối tác và người lao động. Do đó, thời gian tiến hành giải thể kéo dài hơn, thông thường phải mất 01 đến 02 tháng để hoàn tất các thủ tục trên.

- Khi tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp giảm thiểu được gánh nặng về tiền lương, thuế và các nghĩa vụ khác. Vì vậy, doanh nghiệp có thể tận dụng khoảng thời gian này để tập trung giải quyết những khó khăn, tìm cách huy động vốn và vực dậy được doanh nghiệp.

- Bản chất tạm ngừng kinh doanh là doanh nghiệp chỉ chấm dứt hoạt động trong một thời gian nhất định và hết thời hạn tạm ngừng thì doanh nghiệp vẫn sẽ quay trở lại hoạt động như bình thường. Do vậy, doanh nghiệp vẫn có tư cách pháp nhân và quan trọng là vẫn giữ được thương hiệu của mình đã gầy dựng trước đó, quay trở lại tham gia cạnh tranh trên thị trường kinh tế.

Vì vậy, từ các yếu tố trên có thể thấy khi gặp khó khăn thì các doanh nghiệp không nhất thiết phải nhanh chóng thực hiện việc giải thể doanh nghiệp mà có thể quyết định việc tạm ngừng kinh doanh để từng bước tháo gỡ, giải quyết vấn đề; đặc biệt có thể duy trì hoạt động của doanh nghiệp và gìn giữ được thương hiệu.

3. Các trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020, có hai trường hợp tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp:

- Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh;

- Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể như sau:

+ Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;

+ Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì doanh nghiệp chỉ được tạm ngừng kinh doanh khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên.

4. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp

Căn cứ Khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định thời hạn tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp như sau: “Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.”

Vậy, thời hạn tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp là không được vượt quá một năm của mỗi lần thông báo và hiện nay pháp luật không có quy định về giới hạn số lần được đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.

5. Thủ tục tạm ngừng kinh doanh

Nhằm giúp các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện tạm ngừng kinh doanh được diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Luật sư doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ thủ tục khi tiến hành tạm ngừng như sau:

Trường hợp 1: Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Theo Khoản 1 Điều 206 Luật Doanh Nghiệp 2020 và khoản 1, 2,3 và 4 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ, trình tự đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

* Hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh:

- Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh trước thời hạn đã thông báo của doanh nghiệp;

- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh.

* Trình tự thực hiện đăng ký tạm ngừng kinh doanh:

- Doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

- Sau khi nhận hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

- Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp và tình trạng của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh.

*Lưu ý: Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

Trường hợp 2: Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Căn cứ Điều 67 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cụ thể như sau:

- Trường hợp Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài nhưng không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp doanh nghiệp không tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp báo cáo theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 216 Luật Doanh Nghiệp. 

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật sư doanh nghiệp Công ty Luật TNHH HT Legal VN về doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh để giữ thương hiệu. Để được tư vấn, hỗ trợ thực hiện thủ tục này hoặc các vấn đề pháp lý khác liên quan đến hoạt động tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp, Quý Khách hàng có thể liên hệ trực tiếp như sau:

Thông tin liên hệ Luật sư doanh nghiệp:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 0161 4040

Khanh Vy
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục