Qua bài viết dưới đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ tổng quan về phá sản để bạn đọc có thể nắm được một số điều kiện khi thực hiện thủ tục phá sản.
Cơ sở pháp lý: Luật Phá sản 2014.
Nội dung:
1. Điều kiện để doanh nghiệp được Tòa án ra quyết định tuyên bố là phá sản
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản quy định: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”.
Theo đó, doanh nghiệp hay hợp tác xã để được công nhận là phá sản phải đáp ứng đủ 02 điều kiện:
- Mất khả năng thanh toán;
- Bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Trong đó, mất khả năng thanh toán được hiểu là việc “doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”.
2. Chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định tại Điều 5 Luật Phá sản được chia thành hai nhóm: (i) chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và (ii) chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Cụ thể:
* Chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gồm:
- Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần;
- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa -thành lập công đoàn cơ sở;
Lưu ý: Hai nhóm chủ thể này có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn hoặc phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng;
- Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã.
Lưu ý: Hai nhóm chủ thể này phải thực hiện việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán của mình mất khả năng thanh toán theo Điều lệ công ty hoặc theo luật định.
* Chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gồm:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Lưu ý: Các chủ thể ở nhóm này phải thực hiện việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã của mình mất khả năng thanh toán.
3. Thẩm quyền giải quyết phá sản
Điều 8 Luật Phá sản quy định về thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân như sau:
- Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó.
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp/hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
+ Có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
+ Được Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
Trên đây là những chia sẻ cơ bản của Công ty Luật TNHH HT Legal VN liên quan đến phá sản. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Email: [email protected] Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040