I. Cơ sở pháp lý:
1. Luật Quảng cáo năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2018 (Sau đây gọi tắt là “Luật Quảng cáo năm 2012”);
2. Luật Doanh nghiệp năm 2020 được sửa đổi, bổ sung năm 2022 (Sau đây gọi tắt là “Luật Doanh nghiệp năm 2020”);
3. Nghị định 103/2009/NĐ-CP ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;
4. Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP, Nghị định 16/2022/NĐ-CP, Nghị định 128/2022/NĐ-CP (Sau đây gọi tắt là “Nghị định 38/2021/NĐ-CP”)
5. Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
6. Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số quy định tại quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính Phủ
II. Nội dung:
1. Lý do công ty bắt buộc phải treo biển hiệu
Theo khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “4. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.”
Do đó, việc gắn tên doanh nghiệp tại các địa chỉ giao dịch là quy định bắt buộc.
2. Nội dung cần có trên biển hiệu công ty:
Ngoài quy định bắt buộc phải gắn tên doanh nghiệp kể trên, theo khoản 1 Điều 34 Luật Quảng cáo năm 2020, biển hiệu doanh nghiệp cần phải có thông tin dưới đây:
a. Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
Theo điều 9 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL, tên cơ quan chủ quản trực tiếp được hiểu là cơ quan cấp trên trực tiếp quyết định về tổ chức, nhân sự, ngân sách hoặc giải quyết các chế độ, chính sách cho cơ quan, tổ chức viết, đặt biển hiệu, như Tổng công ty X là cơ quan chủ quản trực tiếp của Công ty Y. Lưu ý là cơ quan quản lý nhà nước không phải là cơ quan chủ quản trực tiếp của bất kỳ doanh nghiệp nào.
b. Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c. Địa chỉ, điện thoại.
Điều 18 Luật Quảng cáo năm 2020 quy định những nội dung trên đây phải được thể hiện bằng tiếng Việt. Trong trường hợp có sử dụng tiếng nước ngoài, khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
3. Vị trí đặt biển hiệu:
a. Kích thước biển hiệu theo khoản 3 Điều 34 Luật Quảng cáo năm 2020:
- Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
- Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
b. Vị trí đặt biển hiệu theo khoản 4 Điều 34 Luật Quảng cáo năm 2020, khoản 2 Điều 23 Nghị định 103/2009/NĐ-CP:
- Đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh.
+ Trong trường hợp đặt tại cổng, một công ty chỉ được đặt một biển hiệu
+ Trong trường hợp tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác, công ty được đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.
- Không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
4. Rủi ro pháp lý khi không treo biển hiệu công ty
Doanh nghiệp có thể gặp những rủi ro pháp lý sau đây khi không treo biển hiệu công ty:
a. Xử phạt vi phạm hành chính:
- Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính: Mức phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (Khoản 2 Điều 4, điểm c khoản 2 Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).
- Không thể hiện đầy đủ tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ, điện thoại; Sử dụng biển hiệu có kích thước không đúng theo quy định: Mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Khoản 2, 3 Điều 5, khoản 1 Điều 48 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).
- Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu; Không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu; Thể hiện tên riêng, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài ở phía trên tên bằng chữ tiếng Việt trên biển hiệu; Thể hiện tên gọi, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài có khổ chữ quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt trên biển hiệu; Chiều cao của biển hiệu dọc vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu: Mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Khoản 2, 3 Điều 5, khoản 2 Điều 48 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).
b.Rủi ro pháp lý khác:
c. Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính như nêu trên, đối với hành vi không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, công ty có thể bị xem là không hoạt động tại trụ sở và bị cơ quan thuế khóa mã số thuế. Vì sau khi thành lập, công ty đã được cấp mã số thuế nên cán bộ quản lý thuế có trách nhiệm kiểm tra, xác minh trụ sở để xác định công ty có hoạt động, có treo biển hay không. Khi xác minh tại trụ sở không thấy công ty treo biển, buộc cán bộ quản lý thuế của công ty phải đóng mã số thuế nhằm ngăn chặn hoạt động của công ty, buộc công ty phải dừng hoạt động, không thực hiện được các công việc liên quan đến mã số thuế nộp tờ khai thuế, nộp thuế, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, xuất hóa đơn.
Đây là rủi ro lớn nhất và gây khó khăn nhất cho công ty nếu không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính.
Để phòng tránh rủi ro không đáng có, một trong những công việc công ty nên thực hiện sau khi thành lập/ chuyển đến trụ sở mới đó là treo biển hiệu của công ty theo đúng quy định pháp luật.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN tự hào là Công ty Luật chuyên nghiệp trong hệ thống tư vấn pháp lý doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển an toàn trong thời đại kinh tế thị trường. Nếu có nhu cầu tư vấn, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
Trụ sở: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).
VP2: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa.
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040