ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI, DOANH NGHIỆP CÓ CẦN ĐÓNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP KHÔNG? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, QUẬN TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

05/10/2023 - 522 lượt xem

Bài viết giới thiệu tổng quát quy định liên quan đến vấn đề liệu doanh nghiệp có cần đóng bảo hiểm thất đối với người lao động nước ngoài. Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẵn sàng cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ liên quan đến lao động, nhân sự, bảo hiểm,...

Trong bài viết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin gửi đến quý khách một số thông tin liên quan vấn đề liệu doanh nghiệp có cần đóng bảo hiểm thất đối với người lao động nước ngoài không như sau:

I. Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật Lao động 2019;

- Luật Việc làm 2013;

- Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 do Chính phủ ban hành (“Nghị định 12/2022/NĐ-CP”).

II. Nội dung:

- Người lao động nước ngoài có phải đối tượng phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không?

Đối tượng phải đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013 như sau:

“Điều 43. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp

1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.”

Có thể thấy, Điều 43 nêu trên chỉ nêu chung các đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp là “người lao động…” mà không nêu rõ là người lao động Việt Nam hay người lao động nước ngoài. Tuy nhiên, Điều 3.1 của Luật Việc làm 2013 đã nêu rõ rằng người lao động được quy định tại luật này chỉ bao gồm người lao động Việt Nam:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.”

Do đó, người lao động nước ngoài không phải đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

- Nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động nước ngoài (không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

Điều 168.3 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

“3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.”

Theo đó, vì người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải thanh toán cho người lao động nước ngoài đó một khoản tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật. Việc chi trả khoản tiền này phải được thực hiện cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động nước ngoài.

- Mức phạt vi phạm hành chính

Điều 17.4 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

“4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi không trả hoặc trả không đủ cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”

Theo đó, đối với người lao động nước ngoài, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nếu người sử dụng lao động không chi trả một khoản tương ứng với mức người sử dụng lao động đóng cho họ, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 20 triệu đồng, tuỳ vào mức độ vi phạm (số lượng người lao động không được chi trả khoản này).

Đối với người sử dụng lao động là tổ chức, mức phạt nêu trên sẽ nhân đôi theo Điều 6.1 của Nghị định 12/2022/NĐ-CP:

“1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”

Đồng thời, bên cạnh các khoản phạt nêu trên, người sử dụng lao động còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là chi trả lại đầy đủ cho người lao động kèm theo khoản tiền lãi theo quy định tại Điều 17.5(b) Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

"5. Biện pháp khắc phục hậu quả

b) Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này."

Trên đây là bài viết giới thiệu tổng quát quy định liên quan đến vấn đề liệu doanh nghiệp có cần đóng bảo hiểm thất đối với người lao động nước ngoài. Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẵn sàng cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ liên quan đến lao động, nhân sự, bảo hiểm,... Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 0161 4040 – 09 4517 4040

Tu
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục