NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ GÓP VỐN VÀO CÔNG TY TNHH (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP.HỒ CHÍ MINH)

04/11/2022 - 858 lượt xem

NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ GÓP VỐN VÀO CÔNG TY TNHH

(CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP.HỒ CHÍ MINH)

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn. Vốn điều lệ là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất để doanh nghiệp đi vào hoạt động. Nhận thức được tầm quan trọng của vốn điều lệ đối với doanh nghiệp, sau đây HT Legal VN sẽ chia sẻ về Những quy định của pháp luật về góp vốn vào công ty TNHH:

- Căn cứ pháp lý:

+ Luật Doanh nghiệp 2020

+ Nghị định 102/2010-NĐ/CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp

+ Thông tư 09/2015/TT-BTC Hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp

+ Luật nhà ở 2014

- Nội dung:

1. Góp vốn là gì?

Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “Góp vốn" là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.

2. Tài sản góp vốn

Những loại tài sản được góp vốn được quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:

- Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

+ Nghị định 102/2010-NĐ/CP quy định về Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn. Việc định giá góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ được Bộ Tài chính hướng dẫn.

- Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đối với những tài sản góp vốn có đăng ký quyền sở hữu như quyền sử dụng đất và quyền sở hữu trí tuệ thì khi góp vốn vào công ty phải thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty.

3. Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn

Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất

- Người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ.

Ngoài ra, đối với cổ phần hoặc phần vốn góp bằng tài sản không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.

b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu

- Việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.

Tuy nhiên, đối với tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân thì không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

4. Thời hạn góp vốn

a) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Khoản 2 Điều 75 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.

b) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Khoản 2 Điều 47 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.

Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.

Trong trường hợp sau thời hạn 90 ngày mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn đã cam kết thì được xử lý như sau:

- Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;

- Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

- Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.

Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định thêm thời hạn để doanh nghiệp có thể điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên khi chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã đăng ký khi thành lập:

- Công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều 47. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.

5. Hình thức và thủ tục góp vốn

a) Đối với vốn góp bằng tiền mặt

- Cá nhân có thể góp vốn vào doanh nghiệp bằng hình thức thanh toán tiền mặt hoặc thanh toán qua tài khoản ngân hàng.

- Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác (Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC quy định về Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác). Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:

+ Thanh toán bằng Séc;

+ Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

+ Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

- Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác bằng tài sản (không phải bằng tiền) thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

b) Đối với góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Thủ tục góp vốn:

Điều 120 Luật nhà ở 2014 quy định về Trình tự, thủ tục thực hiện giao dịch về nhà ở:

- Các bên tham gia giao dịch nhà ở thỏa thuận lập hợp đồng góp vốn có các nội dung quy định tại Điều 121 của Luật này.

- Các bên thỏa thuận để một bên thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho bên nhận góp vốn cùng với nhận chuyển quyền sử dụng đất ở hợp pháp có nhà ở đó thì đồng thời công nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho bên nhận quyền sở hữu nhà ở."

Hồ sơ thực hiện thủ tục góp vốn bằng nhà ở bao gồm:

- Hợp đồng, văn bản về việc góp vốn bằng quyền sử dụng nhà ở;

- Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp;

- Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu nhà ở được góp vốn bằng nhà ở (trường hợp chủ sở hữu nhà không đồng thời là người sử dụng đât);

- Văn bản đồng ý của chủ sở hữu chung (trường hợp sở hữu chung nhà);

- Bản vẽ sơ đồ diện tích nhà ở, đất ở (trường hợp góp vốn một phần nhà ở).

6. Hoá đơn, chứng từ

Phụ lục 4, điểm 2.15, Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về Hóa đơn, chứng từ đối với tài sản góp vốn, tài sản điều chuyển được thực hiện như sau:

a) Bên có tài sản góp vốn là cá nhân, tổ chức không kinh doanh:

- Trường hợp cá nhân, tổ chức không kinh doanh có góp vốn bằng tài sản vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì chứng từ đối với tài sản góp vốn là biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản.

- Trường hợp cá nhân dùng tài sản thuộc sở hữu của mình, giá trị quyền sử dụng đất để thành lập doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư thì không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp tư nhân, trường hợp không có chứng từ hợp pháp chứng minh giá vốn của tài sản thì phải có văn bản định giá tài sản của tổ chức định giá theo quy định của pháp luật để làm cơ sở hạch toán giá trị tài sản cố định.

b) Bên có tài sản góp vốn, có tài sản điều chuyển là tổ chức, cá nhân kinh doanh:

- Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.

- Tài sản điều chuyển giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong tổ chức, cá nhân; tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì tổ chức, cá nhân có tài sản điều chuyển phải có lệnh điều chuyển tài sản, kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản và không phải xuất hóa đơn.

Trường hợp tài sản điều chuyển giữa các đơn vị hạch toán độc lập hoặc giữa các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ trong cùng một tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân có tài sản điều chuyển phải lập hóa đơn GTGT theo quy định.

7. Cấp giấy chứng nhận phần vốn góp

Tại thời điểm góp đủ số vốn đã cam kết, thành viên được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. Giấy chứng nhận phần vốn góp phải bao gồm các nội dung chủ yếu được quy định cụ thể tại Luật Doanh nghiệp 2020.

Giấy chứng nhận góp vốn là chứng từ xác nhận việc góp đủ phần vốn góp đã đăng ký của thành viên thể hiện quyền, nghĩa vụ và tính chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn mà thành viên đã góp vào doanh nghiệp. Đây cũng là căn cứ quan trọng chứng minh tư cách thành viên của thành viên góp vốn nếu có vấn đề pháp lý hay tranh chấp xảy ra.

Trên đây là những nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về Những quy định của pháp luật về góp vốn vào công ty TNHH. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com                  Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Như Quỳnh
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục