THẨM QUYỀN PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU RIÊNG LẺ KHÔNG KÈM CHỨNG QUYỀN CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

01/09/2022 - 1089 lượt xem

THẨM QUYỀN PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU RIÊNG LẺ KHÔNG KÈM CHỨNG QUYỀN CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

Hiện nay cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hoạt động kinh doanh ngày càng đa dạng. Cùng với hoạt động kinh doanh truyền thống, nhiều người chọn tham gia vào lĩnh vực đầu tư, trong đó, đầu tư trái phiếu là một hình thức tương đối phổ biến. Phát hành trái phiếu là phương thức để các doanh nghiệp huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp trở thành trái chủ của doanh nghiệp hay còn gọi là nhà đầu tư trái phiếu hoặc là người sở hữu trái phiếu. Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ một số vấn đề pháp lý sau.

- Căn cứ pháp lý:

  • Luật chứng khoán 2019;
  • Luật doanh nghiệp 2020;
  • Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020;
  • Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020;

- Nội dung:

Khoản 1 Điều 2 Nghị định 153/2020/NĐ-CP “Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế” quy định về đối tượng áp dụng của nghị định này gồm: “Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.”

Như vậy, trái phiếu do công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam phát hành.

Vậy Trái phiếu là gì?

Trái phiếu là một trong các loại chứng khoán hiện đang được lưu hành. Căn cứ khoản 3 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 quy định: “Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành”.

Chào bán trái phiếu riêng lẻ là gì?

Theo quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ tại khoản 20 điều 4 Luật chứng khoán 2019:

“Chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc chào bán chứng khoán không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 19 Điều này và theo một trong các phương thức sau đây:

a) Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

b) Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.”

Khác với cổ phiếu, người mua trái phiếu không có quyền tham gia vào hoạt động của công ty và không nhận cổ tức theo kết quả kinh doanh của công ty của công ty mà được trả lãi định kì, ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.

Chứng quyền là gì?

Khoản 5 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 định nghĩa:

“Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.”

Vậy thẩm quyền phát hành trái phiếu riêng lẻ trong doanh nghiệp thuộc về bộ phần nào của doanh nghiệp?

Đối với công ty cổ phần, căn cứ khoản 2 Điều 138 Luật doanh nghiệp 2020 quy định quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông :

« 2. Đại hội đồng cổ đông có quyền và nghĩa vụ sau đây:

…………….

d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác ;»

và theo Khoản 2 điều 153 Luật doanh nghiệp 2020:

“2. Hội đồng quản trị có quyền và nghĩa vụ sau đây:

…………….

h) Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác và hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 138, khoản 1 và khoản 3 Điều 167 của Luật này;”

Căn cứ điểm a Khoản 2 Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận phương án phát hành trái phiếu:

“2. Thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận phương án phát hành trái phiếu:

a) Đối với công ty cổ phần:

………………

- Phương án chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Điều lệ của công ty. Trường hợp Điều lệ của công ty không quy định khác, Hội đồng quản trị có quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu nhưng phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp gần nhất; báo cáo phải kèm theo tài liệu và hồ sơ chào bán trái phiếu.”

Như vậy trong công ty cổ phần thì Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị là hai bộ phận có thẩm quyền chấp thuận phát hành trái phiếu và thông qua phương án phát hành trái phiếu.

Bản chất của việc phát hành trái phiếu là việc tổ chức phát hành vay nợ của người mua trái phiếu. Vì vậy, thẩm quyền quyết định cho phát hành trái phiếu phải căn cứ vào giá trị của khoản nợ và tổng tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty.

Trên đây là những thông tin về thẩm quyền phát hành trái phiếu riêng lẻ không kèm chứng quyền mà Công ty Luật HT Legal VN chia sẻ để các nhà đầu tư tham khảo. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cần thiết phải xem xét các quy định pháp luật có liên quan như quy định về điều kiện phát hành trái phiếu; về công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành và về quyền của nhà đầu tư trái phiếu.

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1 : 207B Nguyễn Phúc Chu, Phường 15, Quận Tân Bình, TP. HCM

VP2 : 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. HCM

Hotline : 09 6161 4040 – 09 4517 4040                    Email : info@htlegalvn.com

 

Hoài Thu
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục